(Xây dựng)- Bộ Xây dựng nhận được Công văn số 9115/UBND-QHXDGT ngày 02/12/2013 của UBND TP Hà Nội về việc xin ý kiến thống nhất về nội dung các đồ án Quy hoạch chung thị trấn sinh thái và đô thị vệ tinh trên địa bàn TP Hà Nội.
Ảnh minh họa.
Căn cứ các quy định pháp luật hiện hành về quy hoạch đô thị và Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:
1. Những vấn đề chung đối với 03 đô thị sinh thái và đô thị vệ tinh Phú Xuyên.
Về ranh giới lập quy hoạch:
Đối với 3 thị trấn sinh thái phải bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của 03 thị trấn hiện hữu và phần diện tích mở rộng khác, trên cơ sở phạm vi đã được thể hiện trong đồ án Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với đô thị vệ tinh Phú Xuyên: Thực chất đây sẽ là đô thị mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập một số đơn vị hành chính thuộc huyện Phú Xuyên và Thường Tín. Vì vậy, cần phân tích các yếu tố thực tiễn để cụ thể hóa ranh giới đô thị đã được thể hiện trong đồ án Quy hoạch chung, đảm bảo tính khả thi, làm cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chung đô thị.
Các thị trấn Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn sẽ phát triển theo hướng hình thành các đô thị sinh thái. Ý nghĩa của cụm từ “sinh thái” hay “vệ tinh” phản ánh tính chất của đô thị. Theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì các đô thị trên khi lập quy hoạch xây dựng được gọi là đồ án “Quy hoạch chung đô thị”.
Nhìn chung, hồ sơ 04 đồ án của các đô thị nêu trên chưa kế thừa được các nghiên cứu từ quá trình lập đồ án Quy hoạch chung Hà Nội. Các thị trấn và Phú Xuyên đã được nghiên cứu triển khai ở bản vẽ và mô hình tỷ lệ 1/1000÷1/5000. Đây là những đô thị có tiềm năng phát triển cao, mang lại nhiều tiện ích cho thành phố. Cần khai thác tốt quỹ đất tại các đô thị này đảm bảo tính khả thi và hiệu quả sử dụng.
Hiện trạng chưa được đánh giá, phân tích, tổng hợp khoa học theo sơ đồ bảng biểu để làm cơ sở nghiên cứu về định hướng không gian và các chuyên ngành kỹ thuật khác.
Đối với 03 đô thị có tính chất sinh thái sẽ là mô hình để tiếp tục phát triển cho các thị trấn sinh thái khác như: Kim Bài, Tây Đằng và Đại Nghĩa…Do vậy, cần xác định rõ mô hình, cấu trúc... của đô thị sinh thái để xác định những tiêu chí, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của các đô thị này về đặc thù sinh thái khác với các đô thị khác. Trong đó cần làm rõ mối quan hệ đô thị-nông thôn.
Nội dung về thiết kế đô thị theo thông tư 06/TT-BXD ngày 13/05/2013 đã được hướng dẫn cụ thể nhưng chưa thể hiện rõ trong hồ sơ thuyết minh và bản vẽ. Định hướng về kiến trúc trong các đồ án trên chưa được nghiên cứu xác định thể hiện trong các đô thị sinh thái.
Lưu ý về việc thay đổi chức năng sử dụng đất: phải phù hợp với Quy hoạch chung Hà Nội đã được phê duyệt. Ví dụ: chức năng khu đất phía Nam của lô đất CN.1 và khu đất thuộc lô đất 4.01 là các khu đất công cộng, hỗn hợp được thay đổi chức năng thành đất công nghiệp và đất ở; không có khoảng cây xanh cách ly với tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình khu đất công nghiệp phía Bắc tại lô CN.1; hoán đổi chức năng lô đất 2.12 và lô đất 2.02 là đất tổ hợp y tế và đất cơ sở giáo dục đào tạo…đề nghị UBND TP chỉ đạo rà soát kiểm tra lại.
Cần phân tích, đánh giá để làm rõ mối liên hệ về hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật giữa khu vực phát triển đô thị mới và khu vực dân cư hiện hữu. Kiểm tra lại và làm rõ sự khác nhau của một số chỉ tiêu giữa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch chung các đô thị trên (Ví dụ: Quyết định số 1259/QĐ-TTg đã xác định tỷ lệ đất giao thông tại các đô thị vệ tinh là 18% - 23% đất xây dựng đô thị nhưng trong đồ án Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú Xuyên tỷ lệ đất giao thông chỉ đạt 12% đất xây dựng đô thị).
Các quy định quản lý viết chưa đạt yêu cầu để thực hiện quản lý.
2. Những vấn đề cụ thể cho từng đô thị:
a/. Đối với Quy hoạch chung đô thị Quốc Oai:
Về ranh giới nghiên cứu và việc tăng dân số đô thị (như việc tách dự án Tuần Châu ra ngoài ranh giới đô thị Quốc Oai và gia tăng quy mô dân số đô thị từ 60.000 lên 90.000 người) theo đề xuất trong đồ án là không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được phê duyệt.
Nghiên cứu việc tổ chức hệ thống giao thông các cấp trong đô thị cần đảm bảo tính liên thông của hệ thống đường vành đai, đường liên khu vực và với các khu vực ngoài đô thị, thể hiện hồ sơ bản vẽ và thuyết phải rõ ràng, mạch lạc.
b/. Đối với Quy hoạch chung đô thị Phúc Thọ:
Đây là đô thị nằm hai bên trục QL 32, chịu ảnh hưởng lớn từ tuyến QL 32, tính chất sinh thái đối của đô thị này chưa được nghiên cứu cụ thể. Yêu cầu làm rõ sự kết nối giữa đô thị cũ và mới; bổ sung yếu tố cây xanh, mặt nước, có phân tích, tổng hợp.
Yêu cầu phân tích rõ mối quan hệ về hạ tầng xã hội, dịch vụ, giữa khu đô thị mới phát triển phía Tây và khu vực thị trấn Phúc Thọ hiện hữu.
c/. Đối với Quy hoạch chung đô thị Chúc Sơn:
Bổ sung phạm vi bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa tôn giáo tín ngưỡng (chùa Trầm, chùa Trăm Gian…) cũng như các khu vực bảo vệ cảnh quan thiên nhiên (hệ thống núi, song, thung lũng...) trong khu vực; từ đó xác định các khu vực hạn chế và không được phép xây dựng.
Xác định không gian kiến trúc cảnh quan, thiết kế đô thị khu vực ngã, nút giao thông, không gian công cộng, đặc biệt các khu vực xung quanh các nút giao thông chính giao với QL 6 qua đô thị. Tổ chức đường gom và tổ chức nút giao cắt dọc tuyến QL6 đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị và sử dụng đất hợp lý.
Việc điều chỉnh tuyến đường trung tâm Bắc Nam ở phía Đông của đô thị so với Quy hoạch chung được duyệt khai thác tốt địa hình, cảnh quan sinh thái của đô thị. Khu vực hai bên trục trung tâm theo đồ án nghiên cứu có mật độ xây dựng quá cao, trong khi giảm bớt sự tiếp cận các khu cây xanh vườn hoa, mặt nước, quảng trường là không phù hợp đối với hành lang cây xanh mặt nước nối từ sông Đáy với núi Ninh Sơn.
Chưa nghiên cứu giải pháp khả thi về khai thác về tổ chức không gian, mật độ xây dựng, tầng cao, chức năng sử dụng đất để phù hợp với khu vực thung lũng núi Tiên Phương - chùa Trầm, chùa Trăm Gian... Đây là khu vực có nhiều di tích, cảnh quan đẹp chưa khai thác trở thành đặc trưng cho đô thị.
d). Đối với Quy hoạch chung đô thị Phú Xuyên:
Đây là đô thị vệ tinh cửa ngõ phía Nam Hà Nội, vì vậy đồ án cần bổ xung rõ các ý tưởng, nội dung thiết kế đô thị. Đặc biệt là các công trình điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đặc trưng cho đô thị, là cửa ngõ phía Nam mang tính dẫn hướng tới trung tâm Thủ đô Hà Nội.
Các dự báo về quy mô dân số, đất đai, và chưa rõ tính chất đô thị mà nhiệm vụ thiết kế đã được duyệt và yêu cầu làm rõ mối quan hệ nội ngoại thị.
Đô thị Phú Xuyên chưa được nghiên cứu kế thừa tốt theo những nghiên cứu đã làm ở đồ án Quy hoạch chung Hà Nội, cần cập nhật bổ sung.
3. Trong quá trình tổ chức lập các đồ án trên, nếu có những thay đổi liên quan đến nhiệm vụ thiết kế đã được phê duyệt thì UBND TP Hà Nội chỉ đạo điều chỉnh lại nhiệm vụ đảm bảo tính thống nhất theo các quy định pháp luật hiện hành.
BĐT
Theo