Đại diện Google dẫn một ví dụ, nhờ quảng cáo trực tuyến đã giúp một người Việt Nam bán cá kho làng Vũ Đại và thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Cũng nhờ công nghệ số mà cá kho làng Vũ Đại được bán trên khắp cả nước và đưa ra thế giới, tạo nên sự thịnh vượng cho cả làng.
Cá kho làng Vũ Đại được bán khắp Việt Nam và thế giới nhờ công nghệ số.
Phát biểu tại Hội thảo “Đón làn sóng công nghệ số: Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã sẵn sàng” sáng nay (2/6), ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Các doanh nghiệp đang đứng trước sự tích hợp của 2 làn sóng. Đó là làn sóng đổi mới thể chế và làn sóng công nghệ số”.
Theo ông Lộc, với một nền kinh tế số, thế giới đang nhỏ lại và doanh nghiệp nhỏ thì lớn lên. Công nghệ số cũng tạo nên nền tảng cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường. Đồng thời, giúp mở ra một thế hệ doanh nghiệp mới với đặc trưng quan trọng là “vốn nhỏ nhưng trí tuệ lớn”.
“Việt Nam có khoảng 98% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, đóng góp 51% tổng số việc làm và 40% GDP. Internet sẽ mở ra cơ hội cực kỳ rộng lớn cho họ, vượt khỏi biên giới Việt Nam. Và sự tích hợp giữa tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam với tri thức kinh doanh và làn sóng kinh tế số sẽ làm nên một đội ngũ doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Kevin O’Kane, Giám đốc phụ trách mảng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMB), Google Châu Á Thái Bình Dương cũng cho biết, có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp nhỏ sẽ hoạt động tốt hơn khi có một trang web mạnh. Theo đó, doanh nghiệp thậm chí có thể tăng doanh số bán hàng lên 4 lần so với đối thủ cạnh tranh nếu ứng dụng web và các công cụ số, đặc biệt là trên điện thoại di động.
Đại diện Google cũng dẫn một ví dụ, nhờ quảng cáo trực tuyến đã giúp một người Việt Nam bán cá kho làng Vũ Đại và thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Cũng nhờ công nghệ số mà cá kho làng Vũ Đại được bán trên khắp cả nước và đưa ra thế giới, tạo nên sự thịnh vượng cho cả làng.
Tuy nhiên, theo ông Kevin, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn chưa thể cung cấp các trải nghiệm thương mại đi động, thậm chí chưa triển khai thương mại điện tử.
“Mỗi doanh nghiệp Việt Nam, dù hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh gì đều cần ứng dụng công nghệ số bởi nhiều khách hàng của họ đã kết nối mạng. Tuy nhiên, việc chậm trễ trong việc số hoá khiến các doanh nghiệp gần như vô hình với hơn một nửa dân số Việt Nam cũng như phần còn lại của thế giới trực tuyến”, ông Kevin nói.
Số liệu từ Google cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia có dân số kết nối trực tuyến lớn thứ 5 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương với khoảng 52 triệu người kết nối trực tuyến. Có tới 55% người Việt sở hữu smartphone và 46% người sở hữu máy tính cá nhân. Người Việt Nam dùng điện thoại di động cho nhiều hoạt động khác nhau từ tìm kiếm thông tin, xem video, tìm đường đi, kiểm tra tình trạng giao thông và quản lý danh sách mua hàng...
Còn theo số liệu từ VCCI, tính tới năm 2015, có khoảng 95% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng internet nhưng có tới 60% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ứng dụng internet. Dù thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ viễn thông và điện thoại di động cao nhất khu vực và thế giới nhưng mức độ sẵn sàng cho kinh tế số ở Việt Nam cũng chưa cao. Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 85/143 nền kinh tế về mức độ chuẩn bị sẵn sàng cho nền kinh tế số.
Cũng theo một đại diện khác của Google, bà Tammy Phan - Giám đốc đối tác chiến lược và Kênh bán hàng Google APAC cho hay, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu về điện thoại di động, dự kiến tới năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ cứ 10 người thì có 8 người sử dụng điện thoại di động.
“Sử dụng điện thoại di động sẽ giúp phát triển kinh tế, cụ thể nếu tăng thêm 1% người dùng điện thoại di động sẽ đóng góp hơn 100 triệu USD vào GDP và tạo hơn 140 nghìn việc làm mới. Đáng chú ý, doanh nghiệp kết nối trực tuyến có thể tăng doanh thu thêm khoảng 40% bởi nghiên cứu cho thấy có tới 70% người tiêu dùng sử dụng công cụ tìm kiếm trực tuyến trước khi mua hàng”, bà Phan cho biết.
Theo Phương Dung/dantri.com.vn