Google sẽ không phải trả khoản 1,15 tỷ euro (1,272 tỷ USD) tiền nợ thuế theo tuyên bố của Chính phủ Pháp đưa ra trước đó. Đây là phán quyết mới nhất của tòa án sau phiên xét xử tranh chấp kể trên diễn ra hôm 12/7.
Biểu tượng của Google tại Vertou, miền tây Pháp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Phán quyết cuối cùng nêu rõ công ty Google Ireland Limited (GIL) của Pháp không phải trả thuế tại Pháp trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2010, qua đó bác bỏ yêu cầu của Chính phủ Pháp đòi tập đoàn phải thanh toán khoản nợ thuế cho những hoạt động kinh doanh tại nước này trong giai đoạn kể trên.
Ngay sau khi có phán quyết, Chính phủ Pháp đã ra thông báo đang xem xét kháng cáo. Theo quy định, chính phủ có hai tháng để chuẩn bị các thủ tục kháng cáo.
Những tranh cãi về khoản tiền thuế phải đóng và khoản tiền thuế thực đóng giữa Google, tập đoàn có trụ sở chính tại bang California (Mỹ) và một số quốc gia tại châu Âu nảy sinh sau khi Google tuy có hoạt động kinh doanh và thuê nhân viên tại các quốc gia này nhưng lại tập trung mọi báo cáo doanh thu về chi nhánh tại Ireland để hưởng mức thuế thấp.
Năm 2015, nhờ lợi dụng lỗ hổng pháp lý này, Google chỉ phải trả 6,7 triệu euro tiền thuế doanh nghiệp tại Pháp. Tuy thuê khoảng 700 nhân viên tại Pháp nhưng mọi hợp đồng quảng cáo trên kênh tìm kiếm Google hay kênh chia sẻ video Youtube tại châu Âu đều được ký kết tại chi nhánh của tập đoàn này tại Ireland.
Trước Pháp, một số quốc gia khác như Italy và Anh cũng từng kiện tập đoàn này với lý do tương tự. Khoản tiền mà Chính phủ Pháp yêu cầu Google trả lần này cao hơn nhiều so với những con số mà tập đoàn từng đồng ý trả cho chính phủ Italy (306 triệu euro) và Anh (170 triệu euro) hồi tháng Năm vừa qua sau một thập kỷ kinh doanh tại các quốc gia trên.
Gần đây, Liên minh châu ÂU (EU) cũng bắt đầu có những hành động pháp lý mạnh mẽ nhắm vào các "ông lớn" công nghệ của Mỹ như Google, Amazon và Facebook kinh doanh tại các nước châu Âu.
Cơ quan chống độc quyền của EU ngày 27/6 đã công bố mức phạt 2,4 tỷ euro (tương đương 2,7 tỷ USD) đối với Google do vi phạm quy định về chống độc quyền của khối này trong lĩnh vực bán hàng trên mạng.
Theo TTXVN/Vietnam+