Thứ bảy 20/04/2024 01:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Gói 62.000 tỉ đồng: Càng chậm chi trả, càng giảm ý nghĩa

16:04 | 04/07/2020

Sau nhiều tháng xét duyệt và chi trả, đến nay, số lượng người dân, người lao động nhận được tiền hỗ trợ do bị ảnh hưởng dịch COVID-19 vẫn còn quá ít so với dự kiến và nhiều địa phương còn triển khai chậm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu người dân, người lao động, doanh nghiệp nhận được tiền trợ cấp kịp thời lúc gặp khó khăn, sẽ quý giá hơn rất nhiều.

goi 62000 ti dong cang cham chi tra cang giam y nghia
Người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Đà Nẵng. Ảnh: Khánh Hồng

Không còn ngóng chờ về khoản hỗ trợ

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân khó khăn do dịch COVID-19, tính đến ngày 29.6, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17.500 tỉ đồng. Như vậy, gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-CP của Chính phủ mới chỉ giải ngân được 17.500 tỉ đồng, bằng gần 30% so với dự tính ban đầu.

Bên cạnh chi trả cho đối tượng là người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa hương đã gần như hoàn thành thì việc hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế. Cụ thể, 169.404 người lao động (NLĐ) đã được hỗ trợ với kinh phí là 176,161 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tổng số hộ kinh doanh đã được nhận hỗ trợ là 4.341 hộ, kinh phí hỗ trợ là 4,341 tỉ đồng.

Đặc biệt, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội và trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tới thời điểm này chưa có hồ sơ nào của người sử dụng lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc được giải ngân. Trong khi đó, dự kiến số tiền cho vay ban đầu là 16.000 tỉ đồng với tổng số được hỗ trợ 3 triệu lao động.

Anh Vũ Văn An - Khu tập thể Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) - làm xe ôm được gần 20 năm. Khi thực hiện giãn cách xã hội do dịch COVID-19, anh giống như bao NLĐ tự do khác phải tạm gác công việc. Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, anh An rất vui mừng khi thuộc diện hỗ trợ trong gói 62.000 tỉ đồng của Chính phủ.

Anh An cho biết: “Để làm thủ tục được hỗ trợ, tôi cũng tất bật nào là đi photo hộ khẩu, chứng minh thư… Sau đó tôi vài lần ra phường làm giấy tờ, thủ tục rất chặt chẽ. Tuy nhiên, không biết lý do vì sao đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Lúc khó khăn, không đi làm được mà nhận được hỗ trợ quý hơn, kể cả là một cân gạo cũng giá trị”. Vì thế, đến nay anh An đã không còn ngóng chờ nhiều về khoản tiền hỗ trợ này. Bởi, anh An đã đi làm trở lại và có thu nhập.

Bán hàng rong lưu động ở Hà Nội, chị Lê Thị Chính (tổ dân phố số 13, phường Kim Liên, quận Đống Đa) - cho biết: “Đến nay, gia đình tôi chưa thấy có thông báo thời gian được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước cho NLĐ tự do bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Thực tế bây giờ nhận được hỗ trợ cũng rất tốt, song ban đầu chúng tôi nghĩ chắc chỉ khoảng nửa tháng sau khi đăng kí sẽ nhận được thì ý nghĩa hơn”.

Gia đình chị Chính trông chờ vào thu nhập của chị từ việc bán hàng rong lưu động. Chị Chính Kể: “Hầu như tôi làm được đồng nào đã tiêu hết đồng đó cho gia đình. Chồng tôi lại ốm đau. Cho nên nghỉ 1 tháng cách ly phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống”.

Giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ

Bộ LĐTBXH cho rằng, một số địa phương triển khai chậm, mất nhiều thời gian trong khâu rà soát, một phần do quá thận trọng, cầu toàn, sợ sai sót, dẫn đến việc chậm hỗ trợ đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, làm giảm ý nghĩa của gói hỗ trợ.

Bộ LĐTBXH nhận định, so với dự kiến ban đầu số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ NLĐ còn ít, trong đó tập trung vào 3 nhóm đối tượng sau: NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại doanh nghiệp (DN); Người sử dụng lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho NLĐ bị ngừng việc; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm.

Lý giải về nguyên nhân vấn đề trên, theo Bộ LĐTBXH, thời điểm các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, chưa được kiểm soát tại Việt Nam nên dự báo số đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tương đối nhiều. Tuy nhiên, trong diễn biến thực tế, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch bệnh vào cuối tháng 5.2020, tạo điều kiện cho việc mở cửa lại nền kinh tế, hỗ trợ các DN quay trở lại phát triển sản xuất, kinh doanh. Do vậy, số lượng lao động mất việc làm, ngưng việc tiếp cận gói hỗ trợ này còn khá ít.

Việc ban hành các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg với mục tiêu hỗ trợ đúng các đối tượng bị ảnh hưởng nhất, giảm sâu thu nhập, tránh hỗ trợ tràn lan, ngăn ngừa tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách nên các tiêu chí, điều kiện đặt ra ban đầu chặt chẽ, đặc biệt là vấn đề nêu cao trách nhiệm xã hội của DN, động viên DN giữ chân người lao động, không sa thải hàng loạt, để cùng vượt qua khó khăn tại thời điểm đại dịch bắt đầu bùng phát và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách.

Bộ LĐTBXH cho rằng, trong thực tế một số doanh nghiệp còn vốn duy trì hoạt động, nên vẫn bố trí đảo ca, giãn ca, làm việc bán thời gian nhằm giữ chân người lao động, đồng thời doanh nghiệp vẫn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho người lao động nên chưa có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện việc hỗ trợ các nhóm đối tượng, theo phản ánh của nhiều địa phương, cơ quan doanh nghiệp, Bộ LĐTBXH nhận thấy một số chính sách hỗ trợ cần thiết phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN và NLĐ được tiếp cận chính sách, đồng thời cần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình xác lập hồ sơ đề nghị của các đối tượng thụ hưởng.

Theo ANH THƯ/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load