Điện hạt nhân có độ an toàn và độ tin cậy cao, góp phần cắt giảm khí thải CO2 và đảm bảo an ninh năng lượng trên quy mô toàn cầu. Trước nguy cơ thiếu điện và chi phí sản xuất điện từ than, dầu tăng chóng mặt như hiện nay, Chính phủ đã quyết định xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam. Hai nhà máy đầu tiên này, mỗi nhà máy có công suất 2.000MW (2 tổ máy) được đặt tại hai địa điểm tại tỉnh Ninh Thuận. Xoay quanh vấn đề xây dựng nhà máy điện và sự đảm bảo an toàn an ninh năng lượng, an ninh cho con người, PV Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia của Cty TNHH phát triển năng lượng nguyên tử quốc tế JINED.
Các chuyên gia Nhật Bản trao đổi với PV Báo Xây dựng về vấn đề điện hạt nhân.
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi có 3 chuyên gia Nhật Bản là ông Yamamoto Fumiaki - Trưởng phòng, Cty Toshiba, ông Junichi Kawahata - Phó tổng giám đốc bộ phận dự án hạt nhân, Cty Năng lượng hạt nhân Hitachi-GE), ông Hiroki Takimoto - Trưởng phòng kỹ thuật, Cty Công nghiệp nặng Mitsubishi.
Xin các chuyên gia cho biết, sự khác nhau cơ bản giữa nhà máy điện hạt nhân và nhà máy nhiệt điện thông thường là gì? Và công nghệ xây dựng nhà máy điện nguyên tử có yêu cầu gì đặc biệt hay không?
- Giữa nhà máy điện nguyên tử và nhà máy nhiệt điện thông thường, điểm khác nhau cơ bản là phần nhiên liệu, một loại sử dụng nhiên liệu hạt nhân (uranium), một loại sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí), còn các phần còn lại của hệ thống phát điện là giống nhau. Kỹ thuật xây dựng nhà máy điện hạt nhân yêu cầu các trang thiết bị và vật liệu phải lớn hơn khi xây dựng nhà máy nhiệt điện thông thường là từ 2 - 3 lần. Độ chính xác về kỹ thuật của nhà máy điện hạt nhân có yêu cầu rất cao. Do vậy khi xây dựng cần quan tâm đến sự an toàn, quản lý chất lượng cũng như áp dụng những công nghệ tiên tiến để không xảy ra sai sót gì trong quá trình vận hành phát điện sau này.
Ví dụ, như cái ảnh chụp công trình xây dựng của nhà máy điện hạt nhân, các bạn có thể thấy cần cẩu có thể cao đến 100m và có khả năng nâng đến 1.000 tấn. Thêm nữa là các hạng mục công trình của nhà máy điện hạt nhân rất lớn, do vậy để tiết kiệm thời gian người ta thường lắp ráp thành các module lớn gần nhà máy, sau đó người ta sẽ mang các module này đặt vào khu vực xây dựng nhà máy thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tăng cường độ chính xác cao hơn. Các module được tạo ra là bê-tông có cốt thép bên trong, và tổng cộng có khoảng 500 module như vậy cho 1 nhà máy điện hạt nhân. Một module có đường kính khoảng 30m, trọng lượng khoảng 400 tấn. Chính vì vậy để tạo ra các module này, người ta phải có những cốt thép đặt trước để tạo ra chúng. Các module này phải đảm bảo chất lượng xây dựng rất cao.
Nhật Bản và Việt Nam đã có sự hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, năm ngoái đã có xảy ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, vậy thì các kế hoạch trước đấy có thay đổi gì hay không?
- Sự cố tại Fukushima năm ngoái gây ra bởi sóng thần rất lớn ngay sau động đất. Thông qua các báo cáo chi tiết, các đề xuất của Ủy ban Quản lý hạt nhân Hoa Kỳ (US-NRC) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đồng thời cân nhắc các quy định của Nhật Bản, các biện pháp phòng chống sự cố đã được đưa ra và sẽ được đưa vào thiết kế nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam để đảm bảo an toàn cao nhất.
Chính vì vậy, sự cố này không ảnh hưởng tới kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam rất tin tưởng vào công nghệ và thiết kế an toàn của Nhật Bản. Không những chỉ an toàn trong thiết kế mà trong quá trình xây dựng chúng tôi sẽ có những biện pháp để đảm bảo an toàn cao nhất, nên chúng ta hoàn toàn yên tâm. Để làm được việc này, giữa các Cty như Cty sản xuất thiết bị và Cty vận hành nhà máy điện hạt nhân đều đã có những biện pháp hợp tác với nhau chặt chẽ để đảm bảo an toàn tối đa cho nhà máy.
Phía Nhật Bản chúng tôi, tất cả các bên liên quan gồm các Cty kỹ thuật, các nhà sản xuất thiết bị, các Cty kiến trúc và xây dựng, các Cty điện lực hỗ trợ việc lập kế hoạch, xây dựng, vận hành và bảo dưỡng và các cơ quan chính phủ đều hình thành 1 đội để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng 1 nhà máy điện hạt nhân tốt nhất. Đặc biệt các kinh nghiệm của các Cty điện lực và kinh nghiệm xây dựng của các nhà sản xuất đều được áp dụng một cách hiệu quả nhất vào việc xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam.
Chúng tôi nhận thấy nguyên nhân tai nạn ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật năm ngoái mà nguyên nhân là do sóng thần quá lớn vượt qua cả những tính toán xây dựng trước đấy. Chính vì vậy, khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ được tính toán với mức an toàn tối cao như chọn những khu vực có địa hình cao, sóng thần không thể ảnh hưởng đến, cũng như có biện pháp che chắn để sóng thần hoặc động đất nếu có xảy ra cũng không làm ảnh hưởng đến nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay đã có những bài học quý báu từ thực tiễn ở Nhật Bản nên sẽ phòng tránh được tất cả những nguy cơ có thể xảy ra đối với nhà máy điện hạt nhân.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân được trưng bày tại Vietconstech.
Trong tất cả nhà máy điện hạt nhân phải chấp hành yêu cầu của IAEA (cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế). Ở Nhật, chúng tôi cũng có yêu cầu riêng cho mình. Chẳng hạn khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra sự cố, chúng tôi đã chấp hành nghiêm ngặt các nguyên tắc đảm bảo an toàn. Về sau, chúng tôi còn phải đảm bảo cao hơn nữa để phòng tránh tai nạn.
Có thể thấy rằng, công nhân Việt Nam chưa từng biết về quy trình xây dựng nhà máy điện nguyên tử, vậy giữa Nhật Bản và Việt Nam có một sự liên kết nào không trong việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử trong tương lai?
- Về việc đào tạo nguồn nhân lực cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong tương lai, chúng tôi đang lập kế hoạch với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đào tạo ra các nguồn nhân lực đảm bảo cho công việc này.
Trong thời gian trước đây chúng tôi cũng đã tổ chức rất nhiều các khóa học để nâng cao nhận thức về ngành điện hạt nhân. Thực tế trong 10 năm vừa rồi chúng tôi đã đào tạo được hơn 300 người Việt Nam đã được đưa sang Nhật để học. Một số hãng như Toshiba, Mitsubishi và Hitachi-Ge đã tham gia giảng dạy về điện hạt nhân ở các trường đại học của Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng việc phát triển nguồn nhân lực cho điện hạt nhân là rất cần thiết và chúng tôi đã đề xuất một kế hoạch hợp tác dài hạn về việc này. Ví dụ như những khóa học sắp tới đào tạo 2 năm bên Nhật cho những cán bộ quản lý chủ chốt trong tương lai, họ sẽ hiểu được về công nghệ như thiết kế, hệ thống, an toàn, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng… Đây là những việc rất quan trọng trong việc quản lý và đảm bảo an toàn của nhà máy điện hạt nhân.
Ông thấy những người dân Việt Nam đón nhận về thông tin xây dựng nhà máy điện hạt nhân như thế nào?
- Chúng tôi đã tham gia triển lãm thông tin về các nhà máy điện hạt nhân hơn chục lần kể từ năm 1998. Triển lãm Vietconstech 2012 lần này tập trung vào công nghệ xây dựng. Còn những lần khác mang chuyên đề về việc hợp tác, tính cần thiết và tính an toàn của nhà máy điện hạt nhân... Chúng tôi tổ chức nhiều địa điểm để người dân hiểu và nắm rõ về nhà máy điện hạt nhân, để mọi người có kiến thức và cập nhật thông tin mới nhất. Chúng tôi thấy người Việt Nam, nhất là những người có tri thức họ rất quan tâm đến điện hạt nhân, nên chúng tôi nghĩ rằng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ thành công.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I: Tháng 5/2010, Nga được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân I, với cam kết lâu dài sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý và xử lý chất thải hạt nhân, đồng thời xây dựng một chương trình quốc gia về vấn đề này. Nga đưa ra mức giá ở nhà máy mức công suất 2.000 MWh là gần 8 tỷ USD và đồng ý cho Việt Nam vay tín dụng xuất khẩu để triển khai dự án. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận II: Chính phủ Việt Nam đã ký các thoả thuận hợp tác xây dựng máy điện hạt nhân Ninh Thuận II với Nhật Bản. Tháng 9 / 2011, Nhật Bản cho tàu khảo sát địa chất đến Việt Nam khảo sát địa chất biển phục vụ dự án xây dựng nhà máy II. Các chuyên gia Cty Điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) đưa ra công nghệ và các đặc tính an toàn của các thế hệ lò phản ứng tiên tiến của Nhật có khả năng chống động đất và sóng thần cùng hướng khắc phục sau sự cố nhà máy điện Fukushima I. |
Ngọc Hà - linh Anh (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn