(Xây dựng) - Sau khi có kết luận của các nhà khoa học và chuyên gia, vụ việc di dời chất nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận chắc chắn sẽ tìm ra được giải pháp ổn thỏa. Và một điều đáng mừng qua vụ việc này là ý thức bảo vệ môi trường biển ngày càng được nhiều người quan tâm.
Kể từ khi vụ làm ô nhiễm môi trường mang tên “Formosa” đã khiến nhiều người sợ hãi, không chỉ ở tầng những người hiểu biết đôi chút về tác hại của nó, ở những người cầm cân nảy mực để phê duyệt nó mà càng khủng khiếp với những người ngư dân quê mùa đã phải trả giá vì nó. Nỗi ám ảnh ấy thật khó phai mờ theo thời gian.
Nghi ngờ, ấy là tâm trạng thường trực của hàng chục triệu người dân Việt Nam hiện nay mỗi khi động đến cụm từ “rác thải”, “nhà máy ven biển”, “ô nhiễm môi trường”… Nghi ngờ từ khi hình thành ý tưởng bất cứ dự án nào, rồi khi được phê duyệt, đến quá trình tư vấn, thi công, giám sát, nghiệm thu, và ngay cả đến khi vận hành.
Nay đến vụ việc của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 ở Bình Thuận thì cũng là điều dễ hiểu.
Sự việc ồn ào bắt đầu từ khi Bộ TN&MT đã quyết định cấp phép cho Cty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm hơn 918.500m3 chất nạo vét ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10/2017.
Sau khi thẩm định hồ sơ, lấy ý kiến nhiều bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Bình Thuận, Bộ TN&MT xác định đây không phải chất thải mà là vật liệu thu được sau quá trình nạo vét vũng quay tàu, phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân. Trong đó 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích... Loại vật, chất này bản chất đã nằm ở biển và nay được đưa lên để chuyển đi chỗ khác. Nó không chứa chất độc hại hay phóng xạ vượt chuẩn Việt Nam.
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, khối lượng trên không thể đổ lên đất liền vì có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường.
Đến đây, bài toán dường như chỉ có một đáp số, không chứa trên đất liền được, chắc chắn cũng không thể treo lơ lửng trên không được, vậy thì đành cho nó trở về đúng “quê hương” của nó là biển cả, chứ biết làm sao bây giờ? Mặt khác, nhiều nước trên thế giới cũng đã dùng giải pháp này.
Kết quả khảo sát mới đây cho hay, nơi dự định di chuyển vật liệu nạo vét có diện tích khoảng 36ha, nằm ngoài khu bảo tồn, cách đảo Hòn Cau tới 8km, trên một địa hình khá bằng phẳng và nghèo sinh vật biển...
Thôi, có thể cũng là thêm một điều mừng nữa cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và cho nỗ lực bảo vệ môi trường biển của nước nhà.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo