Ngày 3/2, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha đã có cuộc trao đổi với phóng viên thông tấn, báo chí về các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
- Ông Nguyễn Văn Pha: Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân được thực hiện theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân năm 2015 có nhiều quy định mới. Một điểm mới có thể kể đến để các cấp Mặt trận lưu ý, chủ động thực hiện, đó là theo quy định của Luật, lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội.
Hiểu theo cách này có nghĩa là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giới thiệu cả “số dư” (ví dụ, một tỉnh được phân bổ để bầu 5 đại biểu Quốc hội ở địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dự kiến cho địa phương đó giới thiệu 10 người). Tuy nhiên qua trao đổi, được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn chỉ dự kiến số lượng đại biểu được bầu cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ giới thiệu số dư về phụ nữ và người dân tộc thiểu số; phần còn lại sẽ do Mặt trận cấp tỉnh hiệp thương để giới thiệu cho đủ "số dư" theo quy định.
Tương tự, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp chỉ giới thiệu cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu được bầu vào Hội đồng nhân dân cùng cấp. Phần còn lại sẽ do Mặt trận hiệp thương giới thiệu cho đủ số người ứng cử theo quy định.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia hướng dẫn kỹ vấn đề này để áp dụng thống nhất trong cả nước; có hướng dẫn các địa phương tuân thủ đúng quy định của Điều 8 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, sao cho số người ứng cử chính thức là phụ nữ đạt tối thiểu 35%, số người ứng cử chính thức là người dân tộc thiểu số ít nhất là 18%.
Dù cách hiểu có thể chưa thống nhất nhưng theo Điều 9 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp vẫn phải chủ động trao đổi, thống nhất với Thường trực Hội đồng Nhân dân cùng cấp để dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử tại địa phương mình.
- Mặt trận Tổ quốc các cấp có những thuận lợi, khó khăn gì trong việc triển khai công tác bầu cử, thưa Phó Chủ tịch?
- Ông Nguyễn Văn Pha: Thuận lợi là cơ bản. Hệ thống pháp luật đã rất đầy đủ, có thể kể đến là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng Bầu cử Quốc gia hướng dẫn một số điều của Luật bầu cử và các hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương. Các văn bản nêu trên đã hướng dẫn chi tiết để tiến hành cuộc bầu cử.
Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp có nhiều kinh nghiệm trong công tác bầu cử, nhất là công tác hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử từ nhiều cuộc bầu cử trước đây pháp luật đã giao cho hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện.
Qua đại hội Đảng các cấp vừa qua, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có thay đổi nhưng người có kinh nghiệm vẫn còn, nếu quán triệt tốt các Chỉ thị của Trung ương và các quy định pháp luật, công tác bầu cử sẽ được triển khai tốt.
Về khó khăn, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất sẽ diễn ra ngay sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Do vậy, ngay từ nay đến Tết Nguyên đán, các cơ quan hữu quan phải chuẩn bị hết sức khẩn trương, chu đáo, không để xảy ra sai sót, bị động để ra Tết những nơi chuẩn bị tốt có thể tiến hành hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ngay. Cái khó nữa là vấn đề kinh phí. Thông tư hướng dẫn về kinh phí cho bầu cử của Bộ Tài chính vừa ban hành nên khó có thể có kinh phí ngay, các địa phương cần phải chủ động khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ của mình.
- Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhấn mạnh công tác nhân sự là làm sao chọn được cán bộ có đức, có tài không tham vọng quyền lực, không tham nhũng, vi phạm. Vậy, Mặt trận Tổ quốc sẽ có những giải pháp gì để để chọn lựa được cán bộ, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, thưa Phó Chủ tịch?
- Ông Nguyễn Văn Pha: Việc giới thiệu người ứng cử là cả quy trình chặt chẽ, không riêng Mặt trận Tổ quốc làm được. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ làm bước sau cùng, cho nên Hội nghị hiệp thương phân bổ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị nào, cơ quan tổ chức, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm về người được mình giới thiệu và theo quy trình chặt chẽ để khi người đó đến Mặt trận đủ quy trình theo luật định. Với người ứng cử dự kiến làm đại biểu chuyên trách, là đảng viên, phải bảo đảm yêu cầu theo hướng dẫn của Đảng.
Với danh sách như vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan cuối cùng xem xét để lựa chọn đúng như quy định pháp luật về người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ này.
- Theo Phó Chủ tịch, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần có những biện pháp gì để thể hiện rõ vai trò của mình, tránh được những trường hợp một số đại biểu Quốc hội có sai phạm như trong nhiệm kỳ vừa qua?
- Ông Nguyễn Văn Pha: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phải làm đúng theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, theo đúng trách nhiệm của mình trong cuộc bầu cử. Cần nhấn mạnh là ngoài trách nhiệm được quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ, chủ động với cơ quan có thẩm quyền để bất kỳ những trường hợp phát sinh liên quan đến người ứng cử đều được xem xét, xử lý rõ ràng trước khi đưa vào danh sách chính thức.
- Xin cảm ơn Phó Chủ tịch.
Theo Phúc Hằng/Vietnamnet.vn
Theo