Thứ bảy 20/04/2024 14:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giới nhà giàu Ấn Độ đổ xô tới Mỹ, UAE để tiêm vaccine mũi tăng cường

16:08 | 08/12/2021

Nhiều người giàu có ở Ấn Độ tìm kiếm mũi tiêm tăng cường vaccine COVID-19 ở Dubai (UAE), Mỹ và Anh do lo ngại biến thể Omicron thúc đẩy làn sóng đại dịch mới.

gioi nha giau an do do xo toi my uae de tiem vaccine mui tang cuong
Lo sợ biến thể Omicron, nhiều người giàu Ấn Độ bay ra nước ngoài để được tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường. Ảnh: Wiki

SCMP đưa tin, Ấn Độ vẫn đang nỗ lực triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 với 49% trong dân số 1,4 tỉ người được tiêm 2 liều đầy đủ. Theo Bộ Y tế, 8% nhân viên y tế, 30% người trên 60 tuổi và hơn 1/3 số người trong độ tuổi từ 45 đến 59 ở nước này vẫn chưa được tiêm đầy đủ.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron, được cho là dễ lây truyền hơn, đã làm gia tăng áp lực từ cộng đồng khoa học và ngành y tế lên chính phủ Ấn Độ về việc triển khai mũi tiêm tăng cường vaccine COVID-19. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng nào từ phía New Delhi.

Một số bang ở Ấn Độ đã có sự chuẩn bị của riêng nhằm đối phó một làn sóng ca nhiễm đáng sợ có khả năng gây ra bởi biến thể Omicron bằng cách đẩy nhanh tiêm chủng đầy đủ cho dân số thông qua chiến dịch tiêm tại nhà và tăng cường cơ sở hạ tầng y tế.

Trong khi đó, nhiều người giàu có ở Ấn Độ lựa chọn đưa cả gia đình bay ra nước ngoài để tiêm mũi vaccine tăng cường. Điểm đến phổ biến gồm Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), xa hơn là London (Anh) hoặc Mỹ. Các chuyến đi đã trở nên dễ dàng hơn sau khi cả Anh và Mỹ bắt đầu nới lỏng quy định du lịch.

CEO của một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Bangalore, Ấn Độ, đã cùng vợ và 3 con đến Dubai hồi tháng 11 để tiêm liều tăng cường. Ông cho biết: "Tôi đã tiêm 2 liều vaccine vào tháng 3 và 4. Xét nghiệm máu cho thấy số lượng kháng thể của tôi đã giảm khá mạnh. Chính phủ vẫn chưa đưa ra quyết định triển khai mũi tiêm nhắc lại, ở độ tuổi 60 tôi không muốn gặp phải rủi ro sức khỏe. Tôi cũng đã mất cha vì biến thể Delta vào tháng 5 năm nay".

Trước đó, vào khoảng tháng 5, khi làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai bao trùm Ấn Độ, giới nhà giàu nước này cũng từng tháo chạy ra nước ngoài trên những chiếc máy bay riêng hoặc thuê riêng. Với tình trạng thiếu hụt giường bệnh, ôxy và thuốc men ở Ấn Độ vào thời điểm đó, nhiều người giàu đã bỏ ra hàng chục nghìn USD tiền vé máy bay để lánh sang Châu Âu và UAE.

Thận trọng

Tiến sĩ Kirit Parekh, bác sĩ tại bệnh viện Fortis ở thủ đô New Delhi, nói rằng không cần phải hoảng sợ nhưng phải thận trọng khi phê duyệt liều tăng cường cho những người trên 60 tuổi và thanh niên bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh.

Ông Parekh mô tả một mũi tiêm tăng cường vaccine COVID-19 là một liều bổ sung được đưa ra sau khi hiệu quả bảo vệ của các mũi tiêm ban đầu đã suy giảm theo thời gian.

"Thông thường, một người sẽ được tiêm tăng cường sau khi khả năng miễn dịch từ liều ban đầu bắt đầu suy yếu sau 8 đến 10 tháng. Mục đích để duy trì mức độ miễn dịch lâu hơn. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy mũi tăng cường là có hại hoặc chúng mang lại hiệu quả bảo cao đến đâu. Cũng không rõ biến thể Omicron nghiêm trọng như thế nào hoặc các nhóm tuổi dễ bị tổn thương nhất" - Tiến sĩ Parekh nói. Nhưng ông cũng lưu ý rằng việc bổ sung hiệu quả bảo vệ có thể giúp ích trong trường hợp vaccine có hiệu quả không cao trong phòng ngừa COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo những người có hệ miễn dịch bị yếu nên tiêm mũi tăng cường. Hơn 36 quốc gia hiện đang triển khai mũi tiêm này, bao gồm Israel, Anh, Mỹ, Áo, Bỉ, Cộng hòa Czech, Pháp, Đức, New Zealand, Hungary, Lithuania, Luxembourg, Thụy Điển, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Italia và Chile.

Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy liều tăng cường có thể giúp bảo vệ những người dễ bị tổn thương chống lại biến thể Omicron. Tuy nhiên, lập trường của chính phủ Ấn Độ vẫn là những liều này vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng về mặt khoa học trước khi áp dụng. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya cho biết, các nhóm tư vấn đang cân nhắc và xem xét các bằng chứng khoa học liên quan đến liều tăng cường.

Tổng giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ Balram Bhargava cho rằng, đến nay không có bằng chứng khoa học nào cho thấy liều tăng cường sẽ bảo vệ những người đã tiêm chủng đầy đủ. Thay vào đó, theo ông, cần ưu tiên tăng tỉ lệ bao phủ 2 liều vaccine cho dân số, đặc biệt khi Ấn Độ đang chịu áp lực cung cấp vaccine cho các nước láng giềng.

Theo BẢO CHÂU/laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load