Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm là dịp để người dân tưởng nhớ công lao các vị vua Hùng, đồng thời nhắc nhở người trẻ những bài học về lòng yêu nước và tinh thần tự lập.
Hùng Vương là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao của nhà nước Văn Lang. Theo “Thế thứ các triều vua Việt Nam” của tác giả Nguyễn Khắc Thuần, nước ta có 18 vị Vua Hùng. Năm 1917, dưới thời vua Khải Định, 10/3 âm lịch hàng năm chính thức được lấy làm ngày giỗ tổ Hùng Vương. Bác Hồ từng dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Đó là lời nhắc nhở về tinh thần uống nước nhớ nguồn cùng quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ.
Tương truyền, vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, rồi nở thành 100 người con. Sau này, 50 con lên rừng, 50 con xuống biển. Người con cả trở thành Hùng Vương. Truyền thuyết này lý giải nguồn gốc dân tộc với niềm tự hào con Rồng cháu Tiên, đồng thời nêu cao tinh thần đoàn kết, coi các dân tộc ở Việt Nam là anh em một nhà.
Truyền thuyết cũng kể rằng, ở một làng nọ, hai anh em mồ côi Tân và Lang rất yêu thương nhau nhưng khi lấy vợ, Tân không còn yêu thương em như trước. Lang buồn, bỏ nhà đi, ngồi nghỉ, chết bên cạnh dòng suối, hóa thân thành tảng đá vôi. Tân tìm em rồi chết, hóa thành cây cao bên tảng đá. Cô vợ đi tìm chồng, chết hóa thành cây trầu quấn lấy thân cau. Vua Hùng thứ tư đi qua, biết câu chuyện, lấy trầu ăn với cau, nhổ lên tảng đá thì hiện màu đỏ thắm. Ông truyền tập tục ăn trầu cho người dân. Câu chuyện trầu cau là bài học có ý nghĩa về tình nghĩa anh em và tình cảm vợ chồng thủy chung
Thời thơ ấu, nhiều trẻ em được cha mẹ kể chuyện Thánh Gióng. Đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng quê nọ, đứa trẻ lên 3 tuổi mà chẳng biết nói biết cười. Khi giặc Ân tràn xuống, cậu bỗng cất tiếng gọi mẹ và đòi gặp sứ giả rồi bỗng chốc vươn vai thành thanh niên cường tráng đi đánh giặc. Dẹp tan giặc, Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời. Ông là một trong bốn vị tứ bất tử, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ.
Sau khi dẹp giặc Ân, vua Hùng thứ sáu tỏ ý sẽ truyền ngôi cho người con dâng lên thứ hợp ý ông để thờ cúng tổ tiên. Hoàng tử thứ 18 - Lang Liêu - vốn thật thà, chất phác, nghèo khó, được thần mách bảo dùng gạo làm bánh hình vuông, hình tròn tượng trưng cho đất, trời. Hùng Vương rất ưng ý, đặt tên là bánh chưng, bánh dày và truyền ngôi cho Lang Liêu. Sự tích này không chỉ tượng trưng cho văn hóa lúa nước và quan niệm về vũ trụ của người Việt, mà còn nhắc nhở người trẻ về lòng hiếu thảo, cùng tinh thần sáng tạo, chăm chỉ trong lao động, sản xuất.
Khi vua Hùng thứ 18 kén rể, Sơn Tinh nhờ kiếm đủ sính lễ theo yêu cầu, lấy được Mỵ Nương. Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận, đem quân đánh Sơn Tinh. Nước dâng lên bao nhiêu, đồi núi lại dâng cao bấy nhiêu. Cuối cùng, Thủy Tinh thua trận. Hàng năm, Thủy Tinh đều dâng nước đánh nhưng luôn thất bại. Câu chuyện là bài học về sức mạnh vượt lên thiên tai nhờ tinh thần đoàn kết. Nó khuyến khích người trẻ kiên cường, không khuất phục trước khó khăn, thử thách của thiên nhiên, tạo hóa
Thời Hùng Vương thứ 18, hai cha con Chử Cù Vân và Chử Đồng Tử sống trong cảnh nghèo khó, dùng chung chiếc khố. Cha mất, Chử Đồng Tử nhường khố chôn cha. Một hôm, Tiên Dung, con gái Vua Hùng du ngoạn qua đây, Chử Đồng Tử vội vùi mình xuống cát. Thuyền vào bờ, Tiên Dung ra lệnh quây màn tắm đúng chỗ Chử Đồng Tử trốn. Hai người gặp, yêu nhau, quyết định nên duyên vợ chồng dù vua cha phản đối. Sau này, hai người học đạo rồi cùng về trời. Câu chuyện ca ngợi lòng hiếu thảo, nghị lực vươn lên cùng khát vọng tình yêu tự do. Qua đây, người trẻ cũng có thể học thêm về cách nhìn nhận người khác không mang theo định kiến giai cấp, giàu nghèo.
Đời Hùng Vương thứ 18, Vua Hùng rất trọng dụng Mai An Tiêm. Khi câu nói “Của biếu là của lo, của cho là của nợ” của chàng đến tai, nhà vua rất tức giận, đày 3 người nhà Mai An Tiêm ra đảo ở Nga Sơn, Thanh Hóa. Mặc dù sống ở nơi cô quạnh, khắc nghiệt, Mai An Tiêm vẫn lạc quan, ra sức lao động. Tại đây, ông trồng được dưa hấu, gửi về đất liền rồi được vua cha đón về. Câu chuyện nói về tinh thần tự lực cánh sinh, lao động vì bản thân mình, vượt lên khó khăn, chứ không dựa nhờ người khác.
Ngày Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra ngày 10/3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Trước đó hàng tuần, lễ hội đã diễn ra với nhiều hoạt động văn hoá dân gian và kết thúc vào ngày 10/3 âm lịch với Lễ rước kiệu và dâng hương tại Đền Thượng. Từ xa xưa, ngày Giỗ tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ hai (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Sau cách mạng tháng Tám (1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18/2/946 cho công chức nghỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc. Năm 1995, ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Ngày 2/4/2007, Quốc hội phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây, ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn - QUỐC LỄ. Công Khanh |
Theo Hữu Nhân - Nguyễn Sương/Zing.vn
Theo