Thứ hai 02/12/2024 18:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giao Thủy (Nam Định): Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong cả nước

11:48 | 29/11/2024

(Xây dựng) - Trong vài năm trở lại đây, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, là huyện tiên phong của tỉnh Nam Định được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Giao Thủy (Nam Định): Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong cả nước
Huyện Giao Thủy vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Huyện Giao Thủy tiến hành xây dựng nông thôn mới trong điều kiện còn nhiều khó khăn, xuất phát điểm là huyện thuần nông, kinh tế phát triển chậm, chủ yếu dựa vào trồng trọt, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên, từ khi huyện đề ra mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Giao Thủy đã bứt phá vươn lên với định hướng trở thành 1 trong 4 cực tăng trưởng của tỉnh Nam Định.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Giao Thủy đến nay đã đạt được những bước tiến vượt bậc, trở thành địa phương tiêu biểu trong cả nước. Từ cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường đến chất lượng đời sống nhân dân với những đổi thay tích cực là minh chứng rõ nét cho sự đồng lòng của chính quyền và người dân trong toàn huyện. Hiện Giao Thủy có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đặc biệt xã Giao Phong được chọn thực hiện thí điểm Mô hình xã nông thôn mới thông minh do Trung ương chỉ đạo thực hiện thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Trần Thị Ngát cho biết: Huyện xác định sản xuất nông nghiệp là nền tảng, thủy sản là mũi nhọn phát triển. Trong những năm qua, nhiều mô hình tiêu biểu được triển khai như sản xuất nông sản sạch, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản chủ lực theo chuỗi giá trị; du lịch sinh thái trải nghiệm… Chương trình OCOP của địa phương có sức lan tỏa mạnh, toàn huyện đã có 121 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao). Hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa với máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất đáng kể”.

Năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt 22.500 tỷ đồng, thu nhập thực tế bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng, tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều chỉ còn 0,77%. Đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh so với thời kỳ đầu thực hiện nông thôn mới, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người đạt 84,46 triệu đồng/người/năm (gấp hơn 4 lần so với năm 2010). Điều đáng mừng là người dân địa phương cũng tham gia tích cực chủ động và có những giải pháp bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Giao Thủy (Nam Định): Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong cả nước
Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại luồng gió mới cho huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Ông Phạm Viết Quý, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Giao Châu cho biết: Từ một xã khó khăn, Giao Châu đã có những thay đổi vượt bậc về cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường tại địa phương. Trong thời gian tới, Giao Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh các ngành nghề thế mạnh như đồ đông lạnh, sản xuất nước mắm truyền thống... nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đặc biệt quan tâm nâng cao đời tinh thần cho nhân dân. Phong trào văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao đều được đẩy mạnh, nhiều lễ hội truyền thống đấu vật, bơi chải có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Các loại hình văn hóa, thể thao mới được hình thành như: khiêu vũ, yoga, bóng chuyền, cầu lông… Nhiều trang thiết bị, dụng cụ thể dục hiện đại được lắp đặt tại các khu vui chơi ngoài trời phục vụ nhu cầu luyện tập, giải trí của người dân.

Một trong những điểm sáng của Giao Thủy trong xây dựng nông thôn mới là hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bài bản. Điều dễ thấy, các tuyến đường huyện, liên xã và đường trục chính nội đồng đều được mở rộng, quy hoạch làm mới; các tuyến đường cũng được đánh tên, biển báo và các chỉ dẫn giúp người dân thuận tiện di chuyển. Hệ thống chiếu sáng đèn led, dây điện ngầm trên các tuyến đường đạt 95%, tăng hơn 80% so với năm 2017. Các công trình như trường học, trạm y tế và nhà văn hóa xã được xây dựng mới hoặc nâng cấp mang lại diện mạo mới cho địa phương.

Ngoài ra, các dự án xây dựng khu đô thị mới, hệ thống giao thông vận tải cũng được chú trọng đầu tư trên địa bàn huyện. Giao Thủy còn có các cụm, khu công nghiệp với quy mô lớn, tiêu biểu là Khu công nghiệp Hải Long diện tích 1.100ha. Đồng thời, huyện cũng thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và đầu tư tạo động lực quan trọng để bứt phá kinh tế trong thời gian tới.

Giao Thủy (Nam Định): Điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong cả nước
Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền, Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Nông thôn mới ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định mang lại rất nhiều thay đổi tích cực tới cơ sở hạ tầng, công trình thủy lợi, cảnh quan môi trường và đặc biệt là cuộc sống người dân. Huyện đã có sự chuyển dịch đáng kể từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ tạo đà phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong thời gian tới, Giao Thủy có thể đẩy mạnh chuyển đổi và tái cơ cấu nông nghiệp tập trung vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, bền vững. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác trong quá trình sản xuất.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Hiền, để quá trình xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả “Cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong nông nghiệp, tăng cường kết nối thông tin giữa người dân, doanh nghiệp và người quản lý thông qua các nền tảng số.”

Nhiều hộ dân tại địa phương chia sẻ rằng nhờ chương trình nông thôn mới, họ được hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Một số gia đình đã mạnh dạn áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, từ đó tăng năng suất và thu nhập. Người dân cũng ý thức tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng từ việc bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan đến xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.

Chứng kiến những đổi thay từng ngày của quê hương, bà Lê Thị Xuyến, xã Giao Nhân chia sẻ: “Trước đây, đường sá nhỏ hẹp và lầy lội, đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Nhưng bây giờ, các con đường đều được bê tông hóa vừa sạch sẽ vừa thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Hai bên đường được trồng thêm nhiều cây xanh và hoa. Người dân chúng tôi cũng ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không còn tình trạng rác thải bừa bãi hay để cỏ mọc ở các khu đất trống”.

Với những thành tích nổi bật trong thời gian qua, Giao Thủy đã vinh dự nhận Cờ thi đua của Chính phủ trong việc hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023 của tỉnh Nam Định. Mới đây, huyện Giao Thủy tiếp tục được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất khi đạt thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2019 đến năm 2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Hành trình xây dựng nông thôn mới là hành trình không có điểm dừng. Mục tiêu xây dựng nông thôn Giao Thủy mới đến năm 2025, toàn huyện có 100% số xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực giáo dục. Trong thời gian tới, lãnh đạo địa phương và người dân sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng Giao Thủy trở thành một miền quê đáng sống với tiêu chí hạnh phúc được đặt lên hàng đầu, không ngừng nâng cao đời sống người dân cả vật chất và tinh thần.

Ngọc Trâm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load