GS.TS Furuta Motoo, nguyên Phó giám đốc Đại học Tokyo, Nhật Bản, trở thành hiệu trưởng Đại học Việt Nhật, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo VNU, sáng nay 13/4, Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội gặp hiệu trưởng Đại học Việt Nhật - GS Furuta Motoo - trao đổi về công việc thời gian sắp tới.
Giáo sư Furuta Motoo từng đảm nhiệm các chức vụ quản lý như Viện trưởng Viện cao học Văn hóa Tổng hợp, kiêm hiệu trưởng Trường ̣đại cương, Đại học Tokyo; Phó giám đốc thường trực Đại học Tokyo; Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Đông Nam Á.
Giáo sư Furuta Motoo.
Hiện tại, GS.TS Furuta Motoo là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt và Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Việt Nam.
Ngoài ra, ông còn là chuyên gia về lịch sử hiện đại và chính trị Việt Nam, người có nhiều đóng góp cho việc thúc đẩy ý tưởng thành lập Đại học Việt Nhật; đã nhận bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Thu hút học giả quốc tế
Theo PGS.TS Lê Quân, trường đang thực hiện chương trình thu hút học giả quốc tế, bao gồm các học giả Việt Nam đang sống và làm việc tại nước ngoài. Mục đích là tạo nguồn chất xám, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo nghiên cứu khoa học trong các đơn vị thành viên.
Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung xác định công việc, nhiệm vụ cần học giả quốc tế, từ đó làm rõ cần thu hút ai, tiêu chuẩn gì, quyền lợi và nghĩa vụ ra sao, cơ chế và điều kiện làm việc thế nào... Việc thu hút bắt đầu từ nhu cầu công việc chứ không bắt đầu từ đãi ngộ.
Theo ông Quân, Đại học Quốc gia Hà Nội chú trọng mời nhà khoa học có uy tín đóng vai trò kết nối các học giả khác cùng tham gia. Ngoài ra, hơn 500 cán bộ cơ hữu là tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài cũng đóng vai trò đại sứ để thu hút đồng nghiệp và giáo sư hướng dẫn về tham gia vào các hoạt động của trường.
Quan điểm của Đại học Quốc gia Hà Nội là không nhất thiết yêu cầu các nhà khoa học trình độ cao phải được tuyển dụng thành nhà khoa học cơ hữu, mà có thể tham gia với thời gian nhất định, hoặc gắn bó những công trình khoa học, đề tài cụ thể và có thể làm việc qua mạng.
Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân tặng Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật Furuta Motoo bức tranh Khuê Văn Các trong quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hình ảnh biểu tượng cho trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: VNU.
Chính sách đãi ngộ người tài
PGS.TS Lê Quân cũng cho rằng, trước khi thu hút người tài, cần chú trọng đổi mới sử dụng nhân lực tại chỗ. Do đó, công tác tổ chức cán bộ phải chú trọng đổi mới để đảm bảo nhà khoa học có cơ hội tiếp cận nguồn lực, có môi trường làm việc thuận lợi (đặc biệt về thủ tục hành chính), được đánh giá và đãi ngộ đúng.
Để thực hiện, giải pháp quan trọng là đổi mới cơ chế đầu tư, sử dụng nhân lực, sử dụng nhà khoa học trên cơ sở hợp đồng với cam kết sản phẩm đầu ra rõ ràng, hiệu quả.
Ông Quân nêu quan điểm, khi thu hút nhà khoa học, cần có bài toán cụ thể sử dụng vào việc gì, cam kết gì, cơ chế làm việc ra sao, quyền hạn và nghĩa vụ, nguồn lực cụ thể.
Nhà khoa học giỏi đôi khi không nhất thiết phải lương cao. Họ sợ nhất là được mời về nhưng không được đưa vào việc cụ thể.
Theo Ngân Giang/Zing.vn
Theo