Chủ nhật 15/09/2024 00:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc : Những bước phát triển nhanh

06:00 | 28/12/2016

(Xây dưng) - Những năm qua, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc bắt đầu phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất trường học được tăng cường ở tất cả các ngành học, cấp học.


Trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề tại các trường đào tạo nghề được đầu tư, xây dựng.

Khi mới được tái lập, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, hệ thống giáo dục mất cân đối, bộ máy quản lý xáo trộn... Từ năm 2000  đến nay, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng ở tất cả các ngành học, cấp học.

Về giáo dục phổ thông, năm 1997, Vĩnh Phúc mới chỉ có 165 trường tiểu học, 143 trường THCS, 23 trường THPT, đến năm 2016 đã có 174 trường tiểu học, 147 trường THCS, 39 trường THPT. Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học được tuyển vào THCS đạt 99,99%. Học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 PTTH đạt 73,9%… Chất lượng giáo dục đại trà ngày càng được nâng lên, chất lượng giáo dục mũi nhọn có bước tiến vượt bậc thể hiện số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia ngày càng nhiều.

Về giáo dục chuyên nghiệp, năm 1997, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 trường ĐH, 1 trường CĐ và 13 trường THCN và dạy nghề. Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có 15 cơ sở đào tạo (cả Trung ương và địa phương), gồm: 6 trường ĐH, 4 trường CĐ, 5 trường TC. Quy mô đào tạo ĐH, CĐ, TC trên địa bàn tỉnh tính đến tháng 6/2016 là 33.149 học sinh, sinh viên (ĐH 58%; CĐ 16%; TC 16%; TC, CĐ nghề chiếm 10%). Học sinh, sinh viên có hộ khẩu Vĩnh Phúc chiếm 26,3%.

Khi mới tái lập tỉnh đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu, lại mất cân đối giữa các bộ môn. Giáo viên ngành học mầm non đa số là ngoài biên chế, trình độ sơ cấp. Số người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ rất hiếm. Hiện nay, số lượng giáo viên ở tất cả các ngành học, cấp học cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu, đại đa số đã đạt chuẩn và trên chuẩn. Với phương châm “Mỗi nhà trường là một trung tâm bồi dưỡng giáo viên”, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc luôn chú trọng xây dựng và bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Nhiều năm trước, cơ sở vật chất trường học ở Vĩnh Phúc còn nhiều thiếu thốn. Tỷ lệ phòng học/lớp học mới đạt trên 60%, do đó việc triển khai học bán trú và học 2 buổi/ngày gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nghị quyết về cơ chế chính sách phát triển giáo dục - đào tạo giai đoạn 2007 - 2010 và một số cơ chế chính sách tăng cường cơ sở vật chất trường học đến năm 2015. Chính vì vậy, đến nay các trường phổ thông cơ bản đầy đủ phòng học (1 phòng/lớp). Bậc tiểu học đa số học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Các phòng học xây dựng kiên cố hiện chiếm 89,5%. Hầu hết các trường đều có thư viện, phòng đọc, phòng thí nghiệm; nhiều trường có phòng học chức năng như: Học ngoại ngữ, học vi tính, rèn luyện thể chất… Năm 2016, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc được UBND tỉnh giao thực hiện xây dựng mới 157 trường học cho 18 trường mầm non thuộc các xã miền núi, xã nghèo, khó khăn trên địa bàn tỉnh. Dự kiến đến hết năm 2016 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cho các trường mầm non thuộc các xã miền núi khó khăn.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay có 444 trường đạt chuẩn quốc gia (Mầm non 145/184 trường; tiểu học 170/174 trường; THCS 116/147 trường; THPT 15/39 trường). Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được sau 20 năm tái lập, ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc tiếp tục đi theo hướng tiên tiến, hiện đại, xây dựng Vĩnh Phúc thành một trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và chất lượng cao của cả nước.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load