(Xây dựng) - Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện sẽ sớm khắc phục được những bất cập còn tồn tại về hoạt động kinh doanh BĐS. Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất quy định không bắt buộc giao dịch thông qua sàn bất động sản.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, kết hợp với kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu. |
Đề xuất này hiện vẫn là chủ đề nóng nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, các nhà quản lý. Hầu hết đều cho rằng, việc nên hay không nên tồn tại sàn giao dịch bất động sản chỉ là vấn đề thời gian, mấu chốt vẫn là cần có biện pháp siết chặt quản lý đối với các sàn này và công khai minh bạch mọi thông tin bất động sản đến với người mua.
Theo một số chuyên gia, việc công khai mọi thông tin liên quan đến giao dịch bất động sản như quy hoạch, công năng, chất lượng, hạ tầng, tính chất pháp lý… sẽ giúp cho thị trường trở nên minh bạch hơn, cũng như bảo vệ được quyền và lợi ích của các bên liên quan khi có vấn đề phát sinh.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, Tổng hội Xây dựng cho rằng, dù có quy định mua bán qua sàn thì cũng không thực hiện được và cũng không minh bạch hơn.
Bởi vì, sàn cũng giống như cửa hàng bán bất động sản. Bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt và cần có người môi giới dẫn đi xem, hoặc xem mô hình, bản vẽ thiết kế... Người mua cần tìm hiểu về nguồn gốc đất đai, vấn đề môi trường xung quanh và nhiều thứ khác nên cần có người môi giới.
Bên cạnh đó, cũng cần chuyên nghiệp hóa hoạt động của các thành phần trong lĩnh vực bất động sản như chủ đầu tư tập trung xây dựng, phát triển dự án. Sàn giao dịch bất động sản nâng cao chất lượng môi giới, tư vấn giải đáp để làm cầu nối người dân đến với sản phẩm…
Bởi thực tế cho thấy, sàn giao dịch bất động sản chủ yếu là do bên bán mở, nghĩa là nó sẽ hoạt động chỉ vì lợi ích của bên bán chứ có phải vì lợi ích của bên mua nên nếu bắt phải đến giao dịch ở đấy thì vô lý.
Vì vậy, theo ông Liêm, muốn minh bạch được thị trường bất động sản có sự tham gia điều tiết của cơ quan quản lý một cách hiệu quả, trước tiên các quy định của pháp luật cần rõ ràng, tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Cũng như khi muốn các sàn giao dịch bất động sản tham gia vào thị trường như một công cụ giúp kiểm soát, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đúng hướng thì các quy định luật pháp liên quan đến lĩnh vực này cũng cần được chuẩn hóa trước tiên.
Để minh bạch thêm cho thị trường bất động sản, theo một số chuyên gia bất động sản, điều quan trọng nhất là cần đưa lợi ích của khách hàng lên hàng đầu để có những điều chỉnh, điều tiết, quản lý các bên tham gia một cách hài hòa, phù hợp; siết chặt trách nhiệm chủ đầu tư, đơn vị môi giới để tránh gây rối loạn thị trường.
Đối với chủ đầu tư cũng cần đưa ra những yêu cầu bắt buộc về thông tin phải công khai, rõ ràng, cụ thể trên phương tiện truyền thông rộng rãi để người dân tiếp cận sản phẩm…
Đặc biệt, người dân phải chủ động, sáng suốt tìm thông tin, lựa chọn những sản phẩm hợp lý và chất lượng bởi với bất động sản, không ai có thể khẳng định chỉ nhờ vào yếu tố không bắt buộc giao dịch qua sàn là có thể minh bạch thị trường…
Linh Linh
Theo