(Xây dựng) - Cứ vào mùa nắng nóng, Hà Nội lại lâm vào nguy cơ quá tải điện. Để bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho Thủ đô, thì bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ thi công các trạm biến áp (TBA) điều quan trọng hơn cả là chính quyền TP Hà Nội, các quận, huyện cần vào cuộc tích cực, quyết liệt chỉ đạo chính quyền cơ sở sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án lưới điện, trên cơ sở tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyền lợi chính đáng của người dân.
Phó TGĐ EVNNPT Trần Quốc Lẫm đi kiểm tra tuyến những công trình trọng điểm thuộc địa bàn thành phố Hà Nội
Có điều nghịch lý hiện nay là thi công đường điện qua núi cao, rừng thẳm lại không gian nan như làm ở đồng bằng, nhất là ở khu vực như Hà Nội bởi lý do rất muôn thuở: Quy hoạch và giải phóng mặt bằng. Vừa qua, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVN NPT) đã đóng điện thành công ĐZ 220kV Hà Đông - Thành Công và vận hành TBA 220kV Thành Công. Đây là sự kiện quan trọng bởi lần đầu cấp điện áp 220kV đã được truyền tải vào vùng "lõi" của Thủ đô, cấp nguồn điện năng quan trọng cho hàng loạt các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân. Vai trò quan trọng của TBA 220kV Thành Công được khẳng định ngay khi chỉ ít hôm sau khi vận hành, lượng điện năng truyền tải qua TBA này đã đạt 80% công suất thiết kế. Chính vì mặt bằng của TBA 220kV quá chật hẹp, vốn được cải tạo từ TBA 110kV cho nên đơn vị buộc phải thiết kế thành cấu hình TBA GIS (cắt điện bằng khí SF6) hiện đại, tốn kém hơn rất nhiều so TBA thông thường.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (Ban AMB) thuộc EVN NPT: Dự án TBA 220kV Thành Công được triển khai từ năm 2007, theo kế hoạch lẽ ra đã phải đi vào vận hành từ năm 2010, nhưng chính vì vướng mắc quá nhiều về mặt bằng, nhất là hướng tuyến các ĐZ 110kV đấu nối vào trạm. Trong khi đó, ĐZ 220kV Hà Đông - Thành Công dài hơn 11,5 km, gồm 7,4 km ĐZ đi trên không và 4,1 km đi ngầm, bị chậm tiến độ do vướng mặt bằng vì thay đổi nhiều lần hướng tuyến ĐZ đi qua các khu đô thị, tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu), hết đi "ngầm - nổi" rồi lại "nổi - ngầm", cuối cùng vừa mới đóng điện vận hành. Dự kiến cuối năm 2014, EVN NPT sẽ lắp đặt tiếp một MBA 220kV - 250MVA và một MBA 110kV - 63MVA tại TBA Thành Công để đáp ứng công suất phụ tải ngày càng tăng cao.
Một dự án lưới điện khác quan trọng không kém, góp phần hoàn thiện lưới điện truyền tải cho Hà Nội là ĐZ 220kV Vân Trì - Chèm, dài 17 km, vốn đầu tư hơn 574,67 tỷ đồng, do AMB làm chủ đầu tư, cũng đang gặp khó khăn vì lý do mặt bằng. Theo lãnh đạo Ban AMB, công suất của Nhà máy Thủy điện Sơn La một phần được truyền tải qua TBA 500kV Hiệp Hòa, rồi truyền tải về TBA 220kV Vân Trì qua ĐZ 220kV Vân Trì - Chèm truyền tải cho TP Hà Nội, ước tính chiếm 25% công suất cho Hà Nội. Công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tăng cường cấp điện ổn định, an toàn cho Hà Nội, góp phần hoàn thiện, khép kín mạch vòng của hệ thống lưới truyền tải điện 220kV chung quanh Hà Nội. Phó Giám đốc Ban AMB Trần Kim Vũ cho biết, trong số các ĐZ 220kV quan trọng cấp điện cho Hà Nội thì hiện chỉ còn ĐZ 220kV Vân Trì - Chèm là chưa đóng điện. Phần phía bắc đã kéo dây được 7,5 trong tổng số 11,6 km, còn lại 3 km trên địa bàn ba xã thuộc huyện Đông Anh gồm Đại Mạch, Nam Hồng và Võng La chưa giải phóng xong mặt bằng, hoặc chưa thỏa thuận được phương án đền bù, cho nên chưa thể kéo dây ở các khoảng cột từ vị trí 4 đến 7; 7-8; 32-33; 34-35 và 35-37, trong khi, các nhà thầu đã dựng được 43 trong tổng số 44 vị trí cột ĐZ này.
Hiện, ĐZ này vẫn còn vướng 41 hộ có đất ở nằm trong hành lang lưới điện, trong đó xã Đại Mạch 8 hộ, xã Võng La 15 hộ và xã Nam Hồng 18 hộ chưa cho kéo dây. Trên thực tế, ở những khu vực hoàn toàn là đất nông nghiệp thì chính quyền địa phương đã linh hoạt, tạo điều kiện hết mức cho nhà thầu kéo dây trước. Trưởng thôn Đoài, xã Nam Hồng Nguyễn Văn Để cho biết, qua các kỳ họp tiếp xúc giữa UBND xã và thôn, các hộ gia đình đều có ý kiến đơn giá bồi thường đất ở theo quy định chưa sát với giá thị trường và kiến nghị được bồi thường theo giá thị trường hoặc có nguyện vọng xin tái định cư, di chuyển khỏi hành lang lưới điện. Đây cũng là một điều khó đối với chủ đầu tư bởi theo quy định mới (Nghị định 81/2009/NĐ-CP và Nghị định 14/2014/NĐ-CP), thì nhà ở dưới ĐZ 220kV hiện nay đủ các điều kiện kỹ thuật thì không phải di dời.
Tại xã Võng La, vẫn còn một vài hộ xây nhà trên đất nông nghiệp sau thời điểm ngày 1-7-2004, theo quy định của UBND thành phố thì cũng không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ khi nằm trong hành lang. Tuy nhiên, các gia đình vẫn yêu cầu phải hỗ trợ mới cho đơn vị thi công kéo dây. ĐZ này đi qua nhà xưởng của ba doanh nghiệp, nhưng khó khăn ở chỗ, theo các quy định của TP Hà Nội, đối với các nhà xưởng có công trình lưới điện đi qua, các doanh nghiệp này chỉ được bồi thường về cây, còn nhà xưởng và đất nằm trong hành lang lưới điện không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ. Đến thời điểm này, các xã Võng La và Đại Mạch chưa thực hiện xong công tác xác định nguồn gốc đất đối với từng hộ do chưa tổng hợp được tỷ lệ mất đất. Do vậy, địa phương chưa đủ cơ sở để phê duyệt phương án bồi thường. Khó khăn lớn nhất là theo quy định của UBND thành phố Hà Nội, giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ phải sát giá thị trường trong điều kiện bình thường đã khiến các địa phương đều lúng túng khi triển khai vận dụng...
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hà Văn Khanh khẳng định, huyện rất coi trọng Dự án ĐZ này và ý thức được rằng, dự án này góp phần quan trọng cung cấp điện ổn định, an toàn cho Thủ đô Hà Nội, cho nên, lãnh đạo huyện đã tích cực phối hợp Ban AMB, chỉ đạo hết sức tích cực, quyết liệt để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Đối với các hộ còn vướng mắc về phương án giá đền bù, huyện đã thống nhất trình và hy vọng TP Hà Nội sẽ sớm phê duyệt và khi đó, huyện sẽ tích cực triển khai ngay. Hiện tại, huyện Đông Anh đã chỉ đạo các đoàn thể, UBND ba xã trên phải tích cực tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu được ý nghĩa của dự án cũng như hiểu được những quy định trong các chủ trương, chính sách để đồng thuận cho phép nhà thầu kéo dây.
Phó Giám đốc AMB Trần Kim Vũ khẳng định, kinh nghiệm tại những địa phương mà AMB làm dự án lưới điện cho thấy, địa phương nào thật sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên nắm bắt tình hình, quan tâm, sâu sát thì nơi đó, chủ đầu tư sớm có mặt bằng sạch để thi công. Ông Tô Văn Đảm, Phó Chủ tịch Hội đồng đền bù dự án của huyện Đông Anh nhấn mạnh: Dự án ĐZ 220kV Vân Trì - Chèm có diện tích thu hồi đất nhỏ, nhưng ý nghĩa xã hội rất to lớn, cho nên huyện phải tập trung thực hiện quyết liệt để bàn giao mặt bằng. Chỉ khi áp dụng hết quy trình mà không có kết quả thì mới áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Theo Phó Tổng Giám đốc EVN NPT Trần Quốc Lẫm, lẽ ra, ĐZ này phải đưa vào vận hành từ năm 2008, nhưng do vướng ở khâu mặt bằng cho nên bây giờ vẫn chưa xong. Phấn đấu cuối tháng 6 hoặc chậm nhất đầu tháng 7, EVN NPT đưa vào vận hành ĐZ 220kV Vân Trì - Chèm phần phía bắc sông Hồng. Phó Tổng Giám đốc Trần Quốc Lẫm khẳng định, ĐZ 220kV Vân Trì - Chèm đi vào vận hành sẽ bảo đảm toàn bộ lưới điện phía tây Hà Nội vận hành tối ưu nhất, giảm tải cho các TBA 220kV Vân Trì, Chèm, Hà Đông. Điều quan trọng hơn cả, là khi đi vào hoạt động sẽ bảo đảm lưới điện Hà Nội đạt tiêu chí có dự phòng (n-1).
"Để hoàn thiện lưới điện truyền tải cho Hà Nội những năm tới, ngành điện cần phải gấp rút đầu tư các công trình lưới điện như các Trạm biến áp 500kV tây Hà Nội (Quốc Oai), Phố Nối (Hưng Yên), Trạm biến áp 220kV Sơn Tây, Tây Hồ, Long Biên... ".
Bảo Tùng
Theo