(Xây dựng) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành y tế và các địa phương phải thực hiện việc giảm tải bệnh viện đi liền với nhu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Sáng 22/3, tại TPHCM, Bệnh viện Thống Nhất đã tổ chức lễ tổng kết giai đoạn 1 dự án xây dựng, cải tạo, mở rộng, nâng cấp bệnh viện và khánh thành khu điều trị kỹ thuật cao. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tới dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, các kết quả đạt được của các thế hệ cán bộ quản lý, bác sĩ, công nhân viên của Bệnh viện Thống Nhất xuyên suốt 40 năm qua trong sự nghiệp chăm sóc cán bộ và nhân dân khu vực phía Nam.
Đến nay, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, đội ngũ y tế đã có bước phát triển và cải thiện rõ rệt. Kết quả khám chữa bệnh của bệnh viện ngày càng tăng lên, xứng đáng là trung tâm khám chữa bệnh đầu ngành ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Ban lãnh đạo bệnh viện trong thời gian tới cần tiếp tục đầu tư trang thiết bị, nâng cao trình độ đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện và chất lượng khám chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân.
Đồng thời, với vai trò là một bệnh viện tuyến cuối ở khu vực phía Nam , bệnh viện không chỉ nhận khám chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân mà phải góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ y tế ở các bệnh viện tuyến dưới.
Liên quan đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu ngành y tế và các địa phương phải thực hiện việc giảm tải bệnh viện đi liền với nhu cầu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Một mặt phải đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giường bệnh, mặt khác phải tập trung đào tạo đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên tiếp cận với các trình độ chuyên môn đầu ngành, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Được biết, dự án cải tạo Bệnh viện Thống Nhất giai đoạn 1 gồm 2 toàn nhà chính với quy mô 7 tầng, gồm 500 giường bệnh và khu vực phòng khám được xây dựng với diện tích sử dụng trên 87.500m2, tổng kinh phí xây dựng là hơn 493 tỷ đồng.
Dự án đã nâng số giường điều trị nội trú của bệnh viện từ 700 lên 1.200 giường, đảm bảo bệnh nhân vào điều trị nội trú có đủ 1 người/giường, không để bệnh nhân nằm ghép hoặc chuyển tuyến vì thiếu giường, góp phần chia sẻ áp lực giảm tải các bệnh viện trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc xây dựng dự án cải tạo Bệnh viện Thống Nhất là một trong những nội dung thực hiện giảm tải của Bộ Y tế, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của bệnh nhân là cán bộ trung, cao cấp và dân dân trên địa bàn.
Đồng thời, tạo điều kiện cho bệnh viện có cơ sở thực hành việc chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới trong Đề án bệnh viện vệ tinh và Đề án 1816, cũng như chỉ đạo tuyến cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cho cán bộ trung, cao cấp khu vực phía Nam .
Bác sĩ Nguyễn Đức Công - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết hiện nay, Bệnh viện Thống Nhất đã triển khai rộng rãi nhiều kỹ thuật cao như mổ tim hở, phẫu thuật bóc mạc động mạch cảnh, phẫu thuật nội soi khớp… Đặc biệt, kỹ thuật chụp cắt lớp quang học nội mạch (OCT) và kỹ thuật vẽ bản đồ điện học trong tim (Ensite) lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam giúp điều trị các bệnh lý mạch vành và loạn nhịp phức tạp; phát triển các mũi nhọn chuyên môn về tim mạch và lão khoa, là trung tâm lão khoa hàng đầu khu vực phía Nam .
Với cơ sở vật chất hiện đại cùng sự tận tình của đội ngũ y bác sĩ, hiện nay số ngày điều trị bình quân của bệnh nhân còn 7,9 ngày/đợt điều trị, giảm 30% so với 12,1 ngày/đợt điều trị so với trước đây.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Thống Nhất tiếp tục lập kế hoạch cải tạo khu nhà trung tâm đã cũ và xuống cấp sau 40 năm sử dụng; xây dựng Trung tâm Tim mạch – Lão khoa kỹ thuật đã được thiết kế theo quy hoạch tổng thể.
Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại để bệnh viện hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao, trở thành trung tâm y tế hiện đại tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Chinhphu.vn
Theo