Theo chuẩn nghèo "dựa trên nhu cầu cơ bản", tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 58% những năm 1990 xuống còn 10% vào năm 2010. Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức mới, tốc độ giảm nghèo hiện nay không còn cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế như trước…
Học vấn thấp,khó thoát nghèo
Theo báo cáo đánh giá tình trạng dân số nghèo Việt Nam năm 2012 của Ngân hàng Thế giới, năm 2010 Việt Nam có khoảng 20,7% dân số nghèo theo chuẩn nghèo mới (653.000đ/tháng) và 8% nghèo cùng cực (cá nhân có chi tiêu bình quân đầu người ở mức dưới 2/3 chuẩn nghèo). Nghèo vẫn là hiện tượng phổ biến ở nông thôn. Số liệu cho thấy có hơn 90% người nghèo và 94% người nghèo cùng cực sống ở khu vực này. Trong khi đó, tỷ lệ nghèo đô thị thấp hơn - 6%, đa số sống ở các thành phố và thị trấn nhỏ. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu định tính các hộ thành thị có thu nhập thấp dễ bị tác động bởi những yếu tố "phi thu nhập" như vệ sinh kém, điều kiện nhà ở tồi, độ bao phủ bảo hiểm xã hội thấp và tiếp tục dễ rơi xuống nhóm nghèo.
Ngay tại các đô thị, không nhiều trẻ em có điều kiện vui chơi, giải trí.
Phân bố nghèo theo vùng đã thay đổi qua thời gian. Đến năm 2010, tỷ lệ nghèo đã giảm trên phạm vi toàn quốc nhưng giảm nhanh hơn ở các vùng quanh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tiến bộ không đồng đều dẫn đến những thay đổi lớn về phân bố nghèo theo vùng, người nghèo còn lại chủ yếu tập trung ở vùng cao miền Bắc và Tây Nguyên.
Các thành viên thuộc 53 dân tộc của Việt Nam, không tính người Kinh, chỉ chiếm 15% tổng dân số nhưng lại có tới 47% tổng số người nghèo và chiếm 68% số người nghèo cùng cực. Tuy điều kiện sống của nhiều nhóm dân tộc thiểu số đã được cải thiện từ cuối thế kỷ XX nhưng tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong số người nghèo lại gia tăng đáng kể, từ 28% năm 1998 lên 47% năm 2010 đối với người nghèo và từ 43% lên 68% đối với người nghèo cùng cực. Trong khi đó, chỉ có 12,9% người Kinh vẫn nghèo và 2,9% sống dưới chuẩn nghèo cùng cực.
Các nhà nghiên cứu đánh giá, tình trạng nghèo có liên quan vấn đề học vấn thấp. Theo báo cáo, năm 2010, những cá nhân sống trong hộ gia đình mà chủ hộ chưa tốt nghiệp bậc tiểu học có tỷ lệ nghèo cao nhất (gần 40%, cao gấp đôi tỷ lệ nghèo toàn quốc), đồng thời cũng là nhóm có tỷ lệ nghèo cùng cực cao nhất (gần 19%). Mối liên quan giữa trình độ học vấn và nghèo ngày càng trở nên chặt chẽ. Năm 1998, các hộ có chủ hộ hoàn thành chương trình tiểu học hoặc có trình độ học vấn thấp hơn chiếm 55% số người nghèo; đến năm 2010, tỷ lệ này đã là 75%.
Mối lo mới: "Nghèo đa chiều"
Đã có lúc, 47,2% trẻ em sống dưới chuẩn nghèo (xét theo thu nhập và mức chi tiêu tại hộ gia đình) nhưng đến năm 2010, con số này giảm xuống còn 29,2%. Tuy nhiên, nếu tiếp cận theo khái niệm "nghèo đa chiều" (không được bảo đảm các nhu cầu phát triển như giáo dục, y tế, vui chơi giải trí) thì có khoảng 1/3 trẻ em Việt Nam, tương đương 7 triệu trẻ, được coi là nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm ở cả dân tộc thiểu số và người Kinh trong giai đoạn 2006-2010, nhưng tỷ lệ nghèo đa chiều ở trẻ em thuộc các hộ dân tộc thiểu số vẫn cao gấp gần 3 lần so với trẻ người Kinh. Điều này chứng tỏ sự khác biệt lớn giữa khu vực nông thôn và thành thị: Tỷ lệ nghèo đa chiều ở trẻ em vùng nông thôn cao gấp đôi so với trẻ em vùng thành thị. Song điều đáng nói trong khi tỷ lệ nghèo ở trẻ em vùng nông thôn có xu hướng giảm trong những năm gần đây, tỷ lệ nghèo đa chiều ở thành thị đang tăng. Xét thông tin chi tiết theo từng khía cạnh của nghèo đa chiều ở trẻ em trong năm 2010 thì y tế, nước sạch, vệ sinh và giải trí là những vấn đề đáng lo nhất. Khảo sát cho thấy có hơn 1/3 trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 4 (36,7%) không được tiêm chủng đầy đủ và không được đưa tới cơ sở y tế trong vòng 12 tháng trước đó; gần 2/5 trẻ em trong độ tuổi 0-15 (39,2%) sống trong điều kiện không bảo đảm vệ sinh hoặc không có nước sạch, trên 2/3 số trẻ trong độ tuổi từ 0 đến 4 không có đồ chơi hoặc sách, truyện.
Đáng lưu ý, độ bao phủ của các chương trình giảm nghèo và bảo trợ xã hội hiện nay còn hạn chế. Việt Nam có tới 20,7% số người nghèo theo chuẩn mới nhưng chỉ có 36% số hộ (thuộc đối tượng này) cho biết họ nằm trong danh sách hộ nghèo. Nhiều chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững xác định đúng đối tượng người nghèo nhưng độ bao phủ của các chương trình này khá thấp. Nhìn chung, chỉ có dưới 1/3 số người nghèo cùng cực được hưởng chính sách giảm nghèo này trong năm 2010.
Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, để tiếp tục giảm nghèo, Việt Nam cần có các biện pháp tăng trưởng kinh tế, mang lại lợi ích cho mọi nhóm người dân, chẳng hạn như hỗ trợ tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực nông thôn thông qua việc tăng tỷ lệ đầu tư công. Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cao và có lợi cho mọi nhóm người dân phải được hỗ trợ thông qua các chính sách bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội hiệu quả.
Theo Hanoimoi
Theo baoxaydung.com.vn