Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình Chính phủ mới đây đưa ra đề xuất đáng chú ý là giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 xuống 15 năm.
Cơ quan soạn thảo nhận định, giảm năm đóng tạo điều kiện cho lao động tham gia hệ thống muộn hoặc đóng không liên tục, đóng thời gian ngắn vẫn được hưởng lương hưu, qua đó giúp diện bao phủ của BHXH tốt hơn.
Luật hiện hành quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng.
Nếu vẫn giữ số năm đóng đủ là 20 năm thì rõ ràng, lực lượng tham gia BHXH sẽ bị hạn chế đáng kể. Nhiều trường hợp chưa tham gia BHXH sẽ ngần ngại và không tiếp cận được chính sách hưu trí. Bên cạnh đó, với một số người đang tham gia BHXH nếu cảm thấy khó theo đuổi và đáp ứng được điều kiện để hưởng lương hưu, họ dễ tính đến việc rút BHXH một lần, đây là điều mà cả bên tham gia lẫn cơ quan BHXH đều không mong muốn.
Người dân tham gia BHXH làm thủ tục tại TP Đà Nẵng (Ảnh: Khánh Hồng). |
Từ nội dung dự thảo Luật, tôi làm một cuộc khảo sát nhỏ với các tiểu thương ở khu chợ gần nhà thì cho thấy đa số ủng hộ. Các tiểu thương này cho hay mỗi ngày họ thu về khoảng 300.000-500.000 đồng, trừ đi tiền sinh hoạt gia đình và các chi phí phát sinh, mỗi tháng có thể dành dụm được 3-4 triệu đồng. Với số tiền này, các tiểu thương thường gửi tiết kiệm và cân nhắc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng chế độ lương hưu nếu chính sách thuận lợi.
"Tham gia BHXH tự nguyện sẽ yên tâm hơn khi về già, cũng hưởng lương hưu như người Nhà nước, nhưng tôi vẫn còn lăn tăn, ví như thời gian phải nộp bảo hiểm. Nay tôi 40 tuổi rồi, tham gia 20 năm thì phải đóng bảo hiểm tới 60 tuổi, còn nếu luật rút ngắn thời gian đóng thì tôi sẽ cân nhắc", một tiểu thương cho hay.
Có thể nói đề xuất giảm thời gian đóng BHXH sẽ là "một mũi tên trúng hai đích": Vừa mở rộng diện bao phủ của BHXH, lại vừa hạn chế được tình trạng rút BHXH một lần. Nhiều chuyên gia cho rằng, với cách tiếp cận trên, chúng ta có thể nghiên cứu giảm xuống mức 10 năm hay thậm chí 5 năm để thu hút hơn nữa người tham gia BHXH. Tất nhiên, việc trả lương hưu cho người lao động cần được tính trên cơ sở đóng càng nhiều hưởng càng nhiều và thời gian đóng càng dài thì lợi ích được hưởng càng cao.
Như bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) nói về việc thu hút người tham gia vào hệ thống BHXH. Từ kinh nghiệm quốc tế, miễn là người lao động tham gia BHXH thì đều có những chính sách hưởng số tiền đóng đó, giống như gửi tiết kiệm, có nhiều hưởng nhiều. Đây sẽ tạo cú hích để người dân tham gia BHXH nhiều hơn.
Bên cạnh đó, theo đề xuất thì điều kiện lao động nam đủ 61 tuổi 3 tháng, lao động nữ 56 tuổi 8 tháng, tương ứng với tuổi nghỉ hưu. Mỗi năm sau đó, tuổi hưởng lương hưu tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Với điều kiện về độ tuổi bắt đầu hưởng lương hưu tăng khiến nhiều người băn khoăn. Ví dụ, trong trường hợp người lao động năm nay đã 50 tuổi và đã đóng đủ thời gian tối thiểu để hưởng BHXH, tuy nhiên nếu người đó muốn nghỉ hưu thì vẫn phải chờ thêm 10-15 năm nữa mới được hưởng lương hưu, vậy trong thời gian đó họ sẽ sống bằng gì? Hoặc với những người lao động lớn tuổi và nằm trong diện cắt giảm lao động của doanh nghiệp, họ sẽ khó có thể tìm được công việc mới khi đã hơn 50 tuổi, tuy nhiên, ngay cả khi không có thu nhập thì họ cũng phải chờ nhiều năm sau mới được hưởng tiền lương hưu. Với những trường hợp như vậy, người lao động sẽ dễ có lựa chọn rút BHXH một lần. Đây là một trong những vấn đề mà cơ quan soạn thảo cần cân nhắc kỹ.
Dự án Luật BHXH (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 diễn ra tháng 10/2023; thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Từ nay đến đó, hy vọng dự thảo Luật sẽ được tiếp thu và hoàn thiện sửa đổi nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động cũng như hướng quỹ BHXH tới phát triển bền vững.
Người viết bài này cho rằng, khi những vướng mắc của người dân về BHXH được tháo gỡ, người lao động thấy được lợi ích thiết thực của BHXH, không còn tâm lý e ngại thì việc tham gia sẽ hoàn toàn theo hướng tự nguyện, tích cực. Lúc đó, những bài toán về hạn chế việc rút BHXH một lần hay duy trì, phát triển bền vững quỹ BHXH cũng sẽ được giải quyết.
Theo Bích Diệp/Dantri.com.vn
Link gốc: https://dantri.com.vn/tam-diem/giam-nam-dong-bhxh-mot-mui-ten-trung-hai-dich-20230307014120864.htm