Thứ sáu 29/03/2024 08:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giảm công suất và thời gian khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng

21:20 | 26/05/2020

Theo tính toán, nếu kết hợp với việc tạo nguồn, đẩy mặn, xổ phèn, chống ô nhiễm cho sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, mực nước lòng hồ Dầu Tiếng sẽ xuống trung bình khoảng 10 cm/ngày.

giam cong suat va thoi gian khai thac cat trong ho dau tieng
Hoạt động khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. (Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN)

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa ( Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giảm thời gian và công suất khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng để đảm bảo chất lượng nguồn nước cung cấp cho các địa phương đến hết mùa khô năm 2020.

Cụ thể, kể từ 0 giờ ngày 25/6 đến 30/7/2020, các đơn vị khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng chỉ được phép hoạt động từ 7 giờ đến 12 hằng ngày, đồng thời giảm 30% công suất khai thác tương ứng với số lượng tàu, thuyền đã được đăng ký, cấp phép hoạt động.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa quản lý, giám sát và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Sau thời gian trên, tùy thuộc vào diễn biến mực nước và chất lượng nguồn nước hồ, Công ty Dầu Tiếng-Phước Hòa sẽ họp bàn với các địa phương để triển khai các giải pháp tiếp theo để bảo vệ môi trường nước; cần thiết sẽ báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Nhân dân các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Tổng cục Thủy lợi và các cơ quan, đơn vị liên quan cho tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản cát xây dựng trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Trước đó, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa đã họp bàn cùng với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước để bàn giải pháp bảo vệ nguồn nước trong lòng hồ Dầu Tiếng từ nay đến hết mùa khô 2020.

Tham dự cuộc họp có đại diện Tổng cục Thủy lợi, Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an). Sau khi nghe báo cáo của công ty về tình hình nguồn nước, chất lượng nước, hoạt động xả thải, khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng..., các đơn vị đã thống nhất các giải pháp nêu trên để tránh nguy cơ nguồn nước trong hồ bị ô nhiễm.

Theo ông Trần Quang Hùng, quyền Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng-Phước Hòa, kết thúc mùa mưa năm 2019, hồ Dầu Tiếng chỉ tích nước đạt cao trình 23,74m, ứng với dung tích hữu ích là 964,44 triệu m3, ít hơn so với thiết kế 146,36 triệu m3.

Tính đến sáng 26/5, mực nước hồ Dầu Tiếng đạt cao trình 18,75 mét, thấp hơn so với năm 2019 là 65cm. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước trong hồ Dầu Tiếng đang xuống trung bình 4-6 cm/ngày.

Theo tính toán, nếu kết hợp với việc tạo nguồn, đẩy mặn, xổ phèn, chống ô nhiễm cho sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông, mực nước lòng hồ Dầu Tiếng sẽ xuống trung bình khoảng 10 cm/ngày.

Hiện nay, lòng hồ Dầu Tiếng có 15/17 doanh nghiệp đủ điều kiện khai thác cát, với tổng công suất khoảng 579.100 m3/năm; trong đó tỉnh Tây Ninh cấp 12 giấy phép, tỉnh Bình Dương cấp 2 giấy phép, Bình Phước cấp 1 giấy phép./.

Theo Lê Đức Hoảnh (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load