Thứ bảy 20/04/2024 09:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Giảm áp lực vùng lõi đô thị lịch sử

15:19 | 23/03/2021

(Xây dựng) - Để thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 26/7/2011 tại Quyết định 1259/QĐ-TTg), Hà Nội có tổng số 38 đồ án quy hoạch phân khu với tổng diện tích khoảng hơn 76.500 ha. Đến nay 86% số đồ án quy hoạch phân khu đã được triển khai thực hiện.

giam ap luc vung loi do thi lich su
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Tuy nhiên, còn 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử chưa được phê duyệt. Nguyên nhân được chỉ ra là quy hoạch các phân khu đặc biệt này bị trói buộc bởi nhiều quy định, trong đó có những quy định vượt thẩm quyền của thành phố.

Mặc dù đã triển khai thực hiện được 86% tổng số quy hoạch phân khu, nhưng những gì diễn ra trong 10 năm qua đã không được như kỳ vọng. Điểm đầu tiên dễ thấy là tình trạng phát triển quá nhanh của các chung cư cao tầng đã trực tiếp làm gia tăng dân số cục bộ, tạo áp lực lên hạ tầng đô thị, khiến tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị ngày một trầm trọng.

Theo các chuyên gia, 6 quy hoạch phân khu đô thị chậm được phê duyệt là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, dẫn đến mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất. Gia tăng nhà cao tầng trong vùng lõi nội đô lịch sử là sự phát triển không tương xứng với diện tích đất giao thông nội đô.

Theo Quyết định số 1259, nội đô lịch sử có dân số tính toán là 800.000 người, tổng diện tích khoảng trên 3.800 ha, với chỉ tiêu khoảng đất toàn đô thị 100 m2/đầu người. Tuy nhiên, theo các báo cáo hiện chỉ tiêu diện tích bình quân đất đô thị trên đầu người tại khu vực này chỉ đạt được khoảng 45 m2. Dân số nội đô hiện nay đã lên tới trên 1,3 triệu người. Tình trạng gia tăng dân số làm mất cân đối về cơ cấu sử dụng đất dẫn đến không đảm bảo về sự phát triển cân bằng giao thông nội đô, không gian công cộng trong đô thị bị thu hẹp, thiếu sân chơi, công viên...

Trong quy hoạch Hà Nội cũng chỉ rõ, điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Những khu đất phải giải phóng, về nguyên tắc là để làm không gian cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng phục vụ lợi ích cộng đồng.

Thế nhưng, những điều này dường như không mấy được thực thi trong suốt 10 năm qua. Thậm chí, có những “điểm nóng” giao thông cần được giải tỏa về áp lực dân số thì lại được chuyển đổi thành các khối nhà cao tầng, mà Bến xe Lương Yên là một minh chứng.

Ngay ở vùng lõi trung tâm, quy hoạch ngăn nắp trước kia cũng bị phá vỡ khi chính quyền cho phép xây dựng các cao ốc, dân số gia tăng khiến hạ tầng bị quá tải dẫn đến cống sập, cây xanh bị chặt hạ và các phương tiện giao thông bị “hút” vào.

Thực ra, tình trạng quá tải khu vực nội đô lịch sử cũng đã được các nhà quản lý Thủ đô nhận ra. Để “cứu vãn” tình thế này, năm 2016, Hà Nội đã ban hành Quyết định số 11/2016 về Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử của TP Hà Nội. Tại Quyết định trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo việc được phép nghiên cứu xây nhà cao tầng tại một số vị trí nhất định như: Các vị trí hai bên đường vành đai; tuyến phố hướng tâm, tuyến phố chính và các khu vực điểm nhấn đô thị… Đối với một số trường hợp khác nằm ngoài quy định trên, bao gồm nằm ngoài vị trí hoặc vượt quá quy mô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu rõ: “Sẽ do UBND thành phố báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định”.

Ngay sau đó, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Hà Nội chấn chỉnh lại quy hoạch đô thị, trong đó phải báo cáo làm rõ việc cấp phép xây nhà cao tầng tại khu vực nội đô, có thể gây quá tải về hạ tầng xã hội, giao thông, đặc biệt không được quy định trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong quyết định của UBND TP Hà Nội.

Những chậm trễ trong việc phê duyệt 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đã phần nào tạo nên hiện trạng khu vực vùng lõi Thủ đô ngày hôm nay.

Những lợi ích đang bị giằng xé bởi tại đây, đang thực sự là mảnh đất vàng. Do đó, không đáng ngạc nhiên khi người ta đã phải chi hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng để đền bù cho mỗi mét vuông.

Theo các chuyên gia, yếu kém này hiện thời chưa phải thật nghiêm trọng nhưng nếu không kịp thời xử lý thì việc cải tạo đô thị dễ trở nên rối loạn trước áp lực mạnh mẽ của thị trường BĐS. Và, đáng sợ hơn, khi những quyền lực vô hình chi phối.

Đáng mừng là, mới đây, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với 6 đồ án quy hoạch phân khu (1/2.000) nội đô lịch sử bao phủ 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, khu vực nội đô lịch sử sẽ có quy hoạch phân khu, làm căn cứ triển khai tổ chức đầu tư, xây dựng và phát triển đô thị, vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load