Nợ đọng trong xây dựng cơ bản (XDCB) tại các địa phương kéo dài từ nhiều năm nay, gây ra những hậu quả xấu cho doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế. Nhanh chóng giải quyết dứt điểm nợ đọng trong XDCB chính là biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người lao động cũng như góp phần xử lý nợ xấu, bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Nhiều công trình xây dựng cơ bản ở Kon Tum bị chậm tiến độ thi công vì nợ đọng trong XDCB quá lớn. |
"Ngồi chơi cho lành"
15 tỷ đồng là số tiền mà Công ty cổ phần xây dựng công trình giao thông 710 (CIENCO 710) bị chủ đầu tư các công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) nợ cho đến thời điểm này, dù nhiều công trình đã thi công xong, đưa vào khai thác. Con số 15 tỷ đồng tuy không nhiều so số nợ đọng của nhiều DN lớn trong ngành giao thông vận tải hiện nay (trung bình khoảng 500 tỷ đồng), nhưng với những DN nhỏ và vừa thì đây thật sự là gánh nặng. Phó Tổng Giám đốc CIENCO 710 Phạm Khắc Quyền bảy tỏ: "Chúng tôi đi đòi nợ nhiều lần, mất nhiều thời gian, công sức nhưng từ năm 2012 đến nay vẫn chưa thu được nợ một đồng nào. Trong khi đó, công ty lại thiếu vốn lưu động để thi công các công trình mới, vay ngân hàng lại càng khó hơn, hiện, công ty đang phải vay ngân hàng khoảng 7 tỷ đồng với lãi suất 12 đến 14%/năm".
CIENCO 710 chỉ là một trong số nhiều DN đang phải gánh khoản nợ đọng XDCB. Phó Tổng Giám đốc Phạm Khắc Quyền thẳng thắn cho biết: Với tình trạng này, chúng tôi thà "ngồi chơi cho lành" còn hơn nhận các công trình mới vì sợ "ôm vào" là "dính nợ". Tương tự, Công ty TNHH Ðầu tư xây dựng và Thương mại Tiến Dung (Kon Tum) cũng đang bị ngân sách địa phương nợ mười tỷ đồng từ năm 2010. Kế toán trưởng công ty Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, công ty không có vốn để thi công các công trình khác, cho nên buộc phải vay ngân hàng, mỗi năm phải trả lãi ngân hàng một tỷ đồng. Tình trạng nợ đọng kéo dài khiến các DN nhỏ và vừa như chúng tôi mất dần vốn.
Tại Công ty cổ phần công trình giao thông 60, Tổng Giám đốc Nguyễn Như Xuân cho biết, tính đến hết tháng 12-2012, các công trình sử dụng vốn NSNN còn nợ công ty này gần bảy tỷ đồng. Công ty thi công sửa chữa cầu Vàm Sát với giá trị sửa chữa ba tỷ đồng thì hiện còn bị nợ gần một tỷ đồng. Công trình cầu Cần Giờ (Cần Thơ) đã đưa vào khai thác nhưng công ty còn bị nợ hơn một tỷ đồng phí bảo hành. "Chúng tôi cứ chạy đi chạy lại từ TP Hồ Chí Minh xuống Cần Thơ liên tục để đòi nợ, chưa kể không ít công trình xây dựng cầu nợ công ty 5% phí bảo hành nhưng đến nay ban quản lý dự án đã giải tán, muốn đòi nợ cũng không đòi được". Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Như Xuân, bên cạnh việc kinh doanh không hiệu quả thời kỳ trước đây thì nợ đọng trong XDCB cũng là một trong những nguyên nhân đẩy công ty này đến bờ vực phá sản. Với số lỗ gần 54 tỷ đồng, công ty bị các con nợ vây quanh, thậm chí thời điểm đó, công ty phải làm việc vào ban đêm để trốn nợ. Ðến năm 2007, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC - Bộ Tài chính) tiến hành mua nợ đồng thời tái cơ cấu công ty và đến nay, công ty đã thoát khỏi tình trạng thua lỗ, dần phục hồi. Thế nhưng, nợ đọng trong XDCB vẫn cứ "đeo bám". Hiện, Công ty cổ phần công trình giao thông 60 chỉ nhận những công trình có vốn, kiên quyết không làm công trình chưa bố trí vốn.
Có thể nói, tình trạng nợ đọng trong XDCB không phải mới xuất hiện mà ngược lại, tình trạng này kéo dài từ nhiều năm nay và số nợ đọng tiếp tục tăng. Những năm gần đây, khi Chính phủ thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, siết chặt tín dụng, lãi suất ngân hàng bị đẩy lên cao thì nợ đọng trong XDCB càng trở nên nghiêm trọng hơn, khiến không ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính còn hạn chế, phải lao đao, chật vật, thậm chí phá sản, giải thể. Chủ đầu tư các dự án XDCB có vốn NSNN nợ tiền DN, đến lượt DN nợ lương người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ các DN khác... Tổng Giám đốc DATC Phạm Thanh Quang nhìn nhận, nợ đọng trong XDCB là khoản nợ xấu nhất, nếu không giải quyết được khoản nợ này thì sẽ để lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực: DN phá sản, người lao động thất nghiệp, ngân hàng bị nợ xấu, NSNN thất thu thuế, DN chiếm dụng vốn lẫn nhau, công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém, gây lãng phí, thất thoát vốn NSNN..., chưa kể những ảnh hưởng xấu tới an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế.
Xử lý nợ đọng gắn với tái cơ cấu đầu tư công
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, tính đến tháng 12-2012, tổng số nợ đọng trong XDCB trên địa bàn cả nước lên tới 85 nghìn tỷ đồng. Ðây là hệ quả của cả một quá trình đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong một thời gian dài, cùng sự buông lỏng quản lý và những bất cập về cơ chế, chính sách quản lý vốn đầu tư công. TSKH Võ Ðại Lược phân tích, từ năm 2006, phần lớn các dự án đầu tư công đều được phân cấp cho ngành và địa phương, vì vậy, việc quyết định đầu tư đã tách rời việc bố trí vốn. Không ít địa phương quyết định dự án đầu tư nhưng nguồn vốn đều được ghi là "xin vốn từ ngân sách trung ương", dẫn đến tình trạng dự án đầu tư do các địa phương quyết định quá nhiều, vượt khả năng cân đối vốn của địa phương, trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương lại hạn hẹp, cho nên không bố trí đủ vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện.
Trong khi đó, nhiều địa phương đua nhau đầu tư, khởi công rầm rộ các công trình, dự án mới. Còn nhà thầu thì ỷ lại, trước, sau sẽ được thanh toán do thi công các công trình, dự án của Nhà nước cho nên "làm liều", vay tiền ngân hàng để thi công. Khi Chính phủ thực hiện một loạt giải pháp thắt chặt tiền tệ và tài khóa, cắt giảm đầu tư công, siết chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát thì dòng vốn đầu tư từ NSNN càng ít đi, chủ đầu tư không được "bơm" tiền để thanh toán cho các nhà thầu, tất yếu các nhà thầu bị "vạ lây", số nợ đọng XDCB cứ thế lớn dần lên. Tại Kon Tum, theo báo cáo mới đây về tình hình nợ đọng trong XDCB trên địa bàn tỉnh này đến ngày 30-6-2012, tổng số nợ đọng là 353 tỷ đồng, trong đó đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ, số nợ đọng trong XDCB là 164 tỷ đồng. Còn đối với nguồn vốn ngân sách địa phương (chủ yếu ngân sách huyện, thành phố) thì tổng số 231 công trình đầu tư hoàn thành từ ngày 30-11-2012 trở về trước còn bị nợ 190 tỷ đồng. Nguyên nhân gây ra nợ đọng trong XDCB được tỉnh Kon Tum nhìn nhận là do các dự án đã hoàn thành nhưng chưa được trung ương bố trí đủ vốn để trả nợ khối lượng thực hiện. Bên cạnh đó, với số nợ đọng thuộc ngân sách cấp huyện, thành phố thì hầu hết các dự án còn nợ đọng khối lượng xây dựng được dự kiến bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất nhưng những năm gần đây, do nguồn thu này của các địa phương không đạt vì thị trường bất động sản đóng băng cho nên càng không có tiền để trả nợ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng nợ đọng XDCB chính là việc đầu tư dàn trải. Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 12-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách và vốn trái phiếu Chính phủ được coi là "cây gậy" để lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư XDCB, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải thời gian qua, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, thực hiện mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công. Thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg này, việc bố trí vốn đầu tư từ nguồn NSNN năm 2013 đã được các bộ, ngành, địa phương bố trí tập trung. 96,5% số vốn đã được kiểm soát tuân thủ theo Chỉ thị 1792/CT-TTg cho nên số dự án khởi công mới trong năm 2013 sẽ rất ít. Mặt khác, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội giao kế hoạch đầu tư NSNN ba năm 2013 - 2015 để các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn trên cơ sở cân đối số vốn được giao. Ðịa phương nào có số nợ đọng trong XDCB lớn, cần ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng trong XDCB tại các địa phương. Quan trọng là các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, đồng thời các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ thị.
Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng trong XDCB thì cần xem xét, khắc phục những bất cập nảy sinh trong việc thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ của các địa phương. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, nếu căn cứ vào Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì lãnh đạo địa phương có một trong những chức năng, nhiệm vụ là thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội... Chính vì quy định này, địa phương nào cũng muốn phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao, trở thành nền kinh tế công nghiệp. Và, để làm được điều đó thì đương nhiên, các địa phương đua nhau đầu tư dự án khu kinh tế, khu công nghiệp, sân bay, bến cảng... dẫn đến tình trạng đầu tư khó có thể tập trung, hiệu quả. Do đó, cần xem xét hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các địa phương nhằm khắc phục triệt để căn bệnh thành tích, "nghiện" dự án đầu tư để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hiện đang phổ biến ở nhiều địa phương.
Theo: ND
Theo baoxaydung.com.vn