(Xây dựng) – Hiệp hội mía đường Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị giải pháp tiêu thụ mía đường niên vụ 2017 – 2018 nhằm tìm ra giải pháp tiêu thụ mía đường bền vững cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Ngành mía đường đang gặp khó khăn trong niên vụ 2017 - 2018
Đường mất giá liên tục, tồn kho hơn nửa triệu tấn
Theo kế hoạch sản xuất niên vụ 2017/2018, cả nước có 37 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế là 162.300 tấn/năm.
Diện tích mía có hợp đồng bao tiêu là 248.930ha, năng suất bình quân là 66 tấn/ha, chữ đường bình quân là 10 CCS, sản lượng mía ép là 15.174.000 tấn, sản lượng đường đạt 1.475.000 tấn (trong đó đường tinh luyện khoảng 50%).
Tuy nhiên, các diễn biến thời tiết thất thường và tác động tiêu cực của thị trường trong nước, thế giới đã khiến nhiều nhà máy, công ty vào vụ chậm, hoạt động không liên tục, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Tính đến ngày 15/5/2018, cả nước mới có 18 nhà máy kết thúc vụ, ép được 13.456.637 tấn mía, sản xuất được 1.275.987 tấn đường, bao gồm 434.124 tấn đường RE.
Về cơ bản, giá mía nguyên liệu vẫn được các nhà máy vẫn duy trì mức giá phổ biến 850.000 - 1.000.000 đồng/tấn 10CCS tại ruộng, tương đương niên vụ 2016/2017. Riêng một số nhà máy ở khu vực miền Bắc – Bắc Trung Bộ thì mua trên 1.000.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, giá đường lại đang giảm liên tục kể từ đầu vụ. Hầu hết các nhà máy đã phải bán đường với giá gần sát giá đường lậu của Thái Lan. Một số nhà máy thậm chí còn phải phải bán bằng, hoặc thấp hơn giá thành và đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Giá bán đường liên tục giảm kể từ đầu mùa.
Tính đến giữa tháng 5/2018, giá đường tinh luyện chỉ khoảng 2.000 đồng/kg và đường trắng là 2.800 - 2.900 đồng/kg.
Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đạt mức 670.000 tấn, tăng gấn 200.000 tấn so với 2 tháng trước. Đây là năm thứ hai có lượng đường tồn kho cao so với cùng kỳ các năm gần đây.
Lượng đường tồn kho tại các nhà máy đã gần cán mốc 700.000 tấn.
Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân chính khiến lượng đường tồn kho tăng cao là đường lậu, gian lận thương mại và hàng giả không giảm so với năm 2017 mà lại có xu hướng gia tăng, công khai, thách thức cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra, hoạt động nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm đang có xu hướng gia tăng, trong khi các doanh nghiệp dùng đường cho sản xuất vẫn có tư tưởng chờ đợi ý kiến của Chính phủ về việc gia hạn thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường của Hiệp định thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA).
Lối đi nào cho ngành Mía đường Việt Nam?
Trước tình hình khó khăn của ngành Mía đường trong nước, Hiệp hội mía đường Việt Nam có đề xuất một số giải pháp nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp.
Trước hết, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến về thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường cửa Hiệp định thương mại hàng hóa các nước ASEAN (ATIGA).
Về phía Bộ Công thương, Hiệp hội đề nghị Bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ gia hạn thí điểm các cửa khẩu phụ ở các tỉnh biên giới, dành riêng một số cửa khẩu cho xuất khẩu hàng hóa, nông sản, trong đó có mặt hàng đường, và điều chỉnh giá điện đồng phát tại các nhà máy đường.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng phải chỉ đạo Cục phòng vệ Thương mại, Cục quản lý Thị trường tổ và Tổ công tác đặc biệt 334 triển khai các biện pháp phòng vệ đối với đường lỏng (HFCS) nhập khẩu vào Việt Nam, đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng đường.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ xây dựng hàng rào kỹ thuật và kiểm soát chất lượng đường theo quy định về chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và đăng ký hợp quy sản phẩm phù hợp với Luật An toàn thực phẩm; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành Mía đường đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đăng ký xây dựng Nghị định sản xuất kinh doanh mía đường và quyết định thành lập quỹ phát triển mía đường.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại đề nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt có đường, xem xét điều chỉnh, bổ sung thuế suất đối với đường lỏng (HFCS) mã HS 1702.6010, 1702.6020 và xem xét áp dụng mức thuế trong hạn ngạch 5% không chỉ trong khu vực ASEAN để tăng tính cạnh tranh của nguồn cung, tránh tạo ra độc quyền nguồn cung từ Thái Lan khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải mua với giá cao.
Ngành Mía đường rất cần sự giúp đỡ từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền để vượt qua khó khăn trước mắt.
Về phía các nhà sản xuất, Hiệp hội đề nghị các công ty, nhà máy đường cần dự báo chính xác sản lượng đường trong vụ và báo cáo các Bộ, ngành để dự báo chính xác cung cầu hàng năm, từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất ổn định.
Từng công ty, nhà máy đường phải xây dựng, củng cố hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm của đơn vị, chú trọng khách hàng truyền thống và có chính sách chăm sóc khách hàng bảo đảm 2 bên cùng có lợi, giữ chữ tín trong kinh doanh thương mại.
Các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt trong kế hoạch giao hàng và điều chỉnh giá cả nhằm đảm bảo lợi nhuận của 2 bên và xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của đơn vị, cung cấp cho Hiệp hội hoặc thông báo trực tiếp cho các công ty thương mại dịch vụ, doanh nghiệp dùng đường làm nguyên liệu để cùng hợp tác tiêu thụ sản phẩm đường.
Dịch Phong
Theo