Trong những năm vừa qua, sản lượng hành khách, hàng hóa và cất hạ cánh thông qua Cảng hàng không (CHK) quốc tế Nội Bài tăng trưởng “nóng” lên tới 15-20%/năm. Dự báo đến năm 2020, sản lượng hành khách, dịch vụ sẽ vượt quá năng lực khai thác hiện nay của sân bay này.
Toàn cảnh CHK Quốc tế Nội Bài. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.
Quy hoạch 50 triệu khách vào năm 2030 là không đủ?
Theo Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch CHK Quốc tế Nội Bài giai đoạn đến năm 2020 và định hướng sau năm 2020 nêu rõ:
Đến năm 2020, khu hàng không dân dụng của CHK Nội Bài có tổng công suất đạt 20 triệu hành khách/năm - 25 triệu hành khách/năm. Nhà ga hàng hóa công suất 260.000 tấn/năm và có diện tích dự phòng đảm bảo yêu cầu phục vụ.
Giai đoạn sau năm 2020, hoàn chỉnh nâng cấp khu phía Bắc của CHK Nội Bài (khu hiện tại-PV) đạt 25 triệu hành khách/năm; hhà ga hàng hóa tiếp tục mở rộng, nâng công suất đạt 500.000 tấn/năm.
Đặc biệt, ở giai đoạn này, Quyết định 590 có nêu rõ về việc mở rộng CHK Nội Bài về phía Nam (đối diện với khu hiện tại). Cụ thể, quy hoạch thêm đường cất-hạ cánh (CHC) số 2A song song và cách đường CHC 1B là 1.700m, kích thước 4.000m x 60m; xây dựng thêm nhà ga hành khách T3 (hoặc T3 và T4 nâng tổng công suất của CHK Nội Bài lên 50 triệu hành khách/năm.
Nhu cầu sử dụng đất phục vụ cho giai đoạn phát triển dài hạn là 1.353 ha. Trong đó, diện tích đất cho giai đoạn phát triển trung hạn là 696,8 ha; diện tích đất cần đền bù giải phóng mặt bằng là 656,2 ha.
Nhu cầu vốn giai đoạn đến năm 2020 là 13.743,3 tỷ đồng. Nhu cầu vốn giai đoạn định hướng sau năm 2020 là 43.069,3 tỷ đồng. Nguồn vốn sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau như: vốn ngân sách Nhà nước, vốn tự có của doanh nghiệp, vốn tư nhân...với các hình thức đầu tư tùy theo tính chất của mỗi dự án thành phần.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Dương, Phó giám đốc CHK Quốc tế Nội Bài, trong những năm vừa qua, sản lượng hành khách, hàng hóa và cất hạ cánh thông qua CHK Quốc tế Nội Bài tăng trưởng rất mạnh 15-20%/năm.
“Với tốc độ tăng trưởng như vậy, dự báo đến năm 2020, sản lượng hành khách, dịch vụ sẽ vượt quá năng lực khai thác hiện nay của Cảng Nội Bài. Vì thế, việc điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng nhu cầu phát triển các dịch vụ hàng không tại sân bay này là rất cấp thiết”, ông Nguyễn Huy Dương nói.
Dẫn chứng, tổng công suất sau khi cải tạo nhà ga T1, xây dựng giai đoạn 2 nhà ga T2 giai đoạn 2 đến năm 2020 là 30 triệu hành khách/năm. Thế nhưng, năm 2017, CHK Nội Bài đã phục vụ 23,8 triệu hành khách. Dự kiến năm 2018, Cảng sẽ phục vụ 26,1 triệu lượt khách, như vậy sẽ vượt qua công suất thiết kế của nhà ga nội địa.
Dự báo, vào năm 2020, sân bay Nội Bài sẽ đạt 34,5 triệu khách lưu thông, năm 2025 là 54 triệu khách/năm và tới năm 2030 là 65 triệu khách/năm.
“Kết quả dự báo chỉ ra rằng, việc quy hoạch CHK Nội Bài trong 2 giai đoạn được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2008 đạt công suất 50 triệu khách/năm vào năm 2030 không còn phù hợp với nhu cầu phát triển và tiềm năng phát triển của Nội Bài trong giai đoạn dài hạn”, ông Dương nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xem sơ đồ mở rộng CHK Nội Bài. Ảnh: VGP/Đoàn Bắc.
Vẫn mở rộng về phía Nam, điều chỉnh quy hoạch lên 100 triệu khách/năm
Tại cuộc họp ngày 12/10 với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nếu xây dựng đường CHC thứ 3 về phía Bắc và khu vực nhà ga, sân đỗ tàu bay đồng bộ phía Tây của CHK quốc tế Nội Bài, cách đường CHC 1B 1.035m sẽ đảm bảo công suất khai thác đạt 50 triệu khách/năm, kinh phí GPMB rất thấp, chỉ khoảng 11 nghìn tỷ đồng trên tổng kinh phí đầu tư 38,8 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu muốn nâng công suất Nội Bài lên 80 - 100 triệu khách, phải xây dựng đường CHC ở phía Nam, cách đường CHC 1A 1.700 m, cách đường CHC 1B 1.950 m, đảm bảo phương án hai đường hoạt động song song độc lập là 1A với đường số 3 (hoặc 1B với đường số 3).
“Phương án thêm đường CHC phía Nam là đẹp nhất. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là kinh phí giải phóng mặt bằng quá lớn. Theo tính toán của Cục Hàng không, nếu năm 2015 số tiền GPMB theo quy hoạch là khoảng 41.000 tỷ đồng thì thời điểm hiện tại có thể lên đến 60.000 tỷ đồng. Vì thế, với tình thế cấp bách hiện nay của Nội Bài và thực hiện mở rộng sân bay Nội Bài theo quy hoạch là mở rộng về phía Nam, TP. Hà Nội cần tiến hành giải phóng mặt bằng sớm chừng nào sẽ rẻ chừng đấy”, ông Thắng nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng cho rằng nhiều nội dung của Quy hoạch theo Quyết định 590 đã không còn phù hợp. Do vậy, cần phải khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, xem còn phù hợp thực tế hay không, tránh để đến lúc quá tải như Tân Sơn Nhất mới điều chỉnh.
“Trên cơ sở Quyết định 590, quan điểm của Bộ GTVT cho rằng, cần sớm nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch mở rộng sân bay Nội Bài về hướng Nam, đạt công suất 100 triệu hành khách/năm vào năm 2050”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Ngày 26/10/2018, VPCP chính thức phát đi Thông báo số 412 nêu rõ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc phát triển CHK quốc tế Nội Bài trở thành cảng hàng không hiện đại, xứng đáng là cửa ngõ quốc tế số 1 của Việt Nam.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ động làm việc với các nhà khoa học, các tổ chức tư vấn có năng lực, rà soát quy hoạch phát triển của CHK quốc tế Nội Bài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát Quy hoạch khu vực phía Bắc để nâng quy mô công suất khai thác đạt 50 triệu hành khách/năm; đồng thời, nghiên cứu phát triển về phía Nam, bảo đảm đến năm 2050 đạt 80 - 100 triệu hành khách/năm.
Bộ GTVT tiếp nhận nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Pháp theo đúng quy định để nghiên cứu phương án mở rộng và điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT quản lý quỹ đất cho đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo tầm nhìn Quy hoạch đến năm 2050, dự kiến phương án giải phóng mặt bằng, quỹ đất tái định cư; đồng thời, phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu Quy hoạch đô thị sân bay, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị TP.Hà Nội tiến hành cắm mốc giải phóng mặt bằng và quản lý quy hoạch theo Quyết định 590 trong thời gian sớm nhất để tiết kiệm chi phí bởi “chờ sau khi Tư vấn của Pháp hoàn thiện nghiên cứu sẽ có nhiều biến động nhưng việc mở rộng về phía nào đều dựa trên cơ sở quy hoạch đã ban hành”.
Song song với đó, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay của Pháp (ADPi) thuộc Aéroports de Paris Group (ADP) khẩn trương nghiên cứu lập lại quy hoạch theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ với nguồn kinh phí được Chính phủ Pháp tài trợ (khoảng 560.000 euro) để nghiên cứu lập quy hoạch này.
Bộ GTVT chủ động đề xuất nguồn vốn, khẩn trương sửa chữa hư hỏng tại khu bay CHK Quốc tế nội Bài Với tình trạng đường CHC 1B của CHK Quốc tế Nội Bài đang hư hỏng nặng, có nhiều điểm bị bong bật, nứt vỡ tấm bê tông xi măng, khe co giãn bong vật liệu chèn khe, bê tông xi măng bị lún… nhưng hệ thống đường CHC này đang tiếp tục phải khai thác vượt tải. Đầu tháng 9/2018, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về kiến nghị bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không. Dự kiến, cần gần 4.500 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp đường băng tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất, tránh việc phải đóng cửa đường băng sân bay. Do vướng mắc trong cơ chế quản lý khu bay tại các cảng hàng không nên Bộ GTVT kiến nghị Bộ Tài chính cho phép ACV sử dụng nguồn thu từ hoạt động khai thác kết cấu hạ tầng khu bay để sửa chữa ngay hệ thống sân đường khu bay, để đảm bảo hoạt động khai thác tại cảng hàng không được liên tục. Sau khi đi khảo sát hiện trường và nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhìn nhận, nếu không chủ động sửa chữa, nâng cấp kịp thời, sẽ có thể ảnh hưởng rất nặng nề về lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển của Hà Nội và cả nước. Do đó, trong Thông báo số 412 ngày 26/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT chủ động đề xuất nguồn vốn và chỉ đạo thực hiện, khắc phục ngay các vị trí hư hỏng tại khu bay CHK quốc tế Nội Bài. |
Theo Phan Trang/Baochinhphu.vn