Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ từ các khu nhà chung cư mini biến tướng, theo giới chuyên gia, giải pháp căn cơ là cần bố trí họng nước cứu hỏa tới từng ngõ, hẻm và có chính sách tốt về nhà ở xã hội.
Nhà ở riêng lẻ “hóa” chung cư mini “mọc như nấm sau mưa” tại nhiều quận nội thành ở Hà Nội. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Sau vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào đêm 12/9 tại chung cư mini ở ngách 29/70, phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân), Hà Nội đã tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn, đặc biệt là chung cư mini. Bộ Công an cũng yêu cầu rà soát chung cư mini trên phạm vi toàn quốc đối với vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn...
Đó là các biện pháp tình thế cần làm ngay sau vụ cháy vừa xảy ra.
Tuy nhiên, nếu không giải quyết được những tồn tại, bất cập trong vấn đề nguồn cung nhà ở bình dân cho số đông người lao động tại các khu đô thị lớn; không bố trí các họng nước cứu hỏa tại các ngõ, ngách mà xe cứu hỏa không vào được; và vẫn còn xử lý theo kiểu “rò đâu bịt đấy” - tức chạy theo sự vụ chứ không chủ động, không có giải pháp tổng thể, đồng bộ, thì rủi ro từ những khu nhà “hóa” chung cư mini sẽ không bao giờ hết bị đe dọa.
Lời giải từ nhà ở xã hội
Không phải ngẫu nhiên các báo cáo gần đây về thị trường nhà ở của nhiều đơn vị nghiên cứu như Savills, CBRE, JLL, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam và Bộ Xây dựng đều liên tục đề cập tới “cơn khát” nhà ở giá rẻ và trung bình. Lý do là trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về nhà ở đối với người người lao động nhập cư, có thu nhập thấp tại các tỉnh đổ về các thành phố ngày một lớn.
Tuy nhiên, với túi tiền eo hẹp, phần lớn người lao động xa quê cũng không có quyền đòi hỏi quá nhiều ở chất lượng nơi ở cũng như vấn đề đảm bảo an toàn. Điều họ quan tâm hàng đầu chỉ có thể là “mảnh đất cắm dùi” hay chỗ ở tạm để bám trụ lại đô thị.
Để giải tỏa sức ép trên, trong những năm qua, không ít chính sách tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp đã được đưa ra và triển khai tại một số địa phương, thế nhưng thực tế vẫn chưa thực sự mang lại nhiều hiệu quả.
Có “cầu” ắt sẽ tạo “cung” nên những nhà chung cư mini biến tướng từ nhà ở riêng lẻ, xây dựng sai phép, cơi nới, không đảm bảo an toàn tại các thành phố lớn đã “mọc lên như nấm sau mưa” ở ngay trong các ngõ, hẻm chật chội. Mặc cho, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, khả năng tiếp cận của xe thang, xe chữa cháy rất khó khăn.
Vụ cháy tòa chung cư mini ở ngách 29/70, phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân) làm 56 người tử vong vừa qua là minh chứng đau lòng, không chỉ là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn của loại hình nhà chung cư mini, mà còn lột tả rõ hơn thực trạng thiếu trầm trọng nhà ở bình dân đảm bảo an toàn tại các thành phố lớn.
Chung cư mini - nơi xảy ra vụ cháy. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Con số được Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) dẫn từ báo cáo từ thành phố Hà Nội, cho thấy trên địa bàn Thủ đô có hơn 300 chung cư mini đang sử dụng, nhưng có lẽ đây vẫn chưa phải là thống kê tổng thể. Bởi lẽ, rất nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã tự ý xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ theo kiểu nhiều tầng, nhiều căn hộ ở không đúng giấy phép, không đảm bảo an toàn.
Do đó, các chuyên gia cho rằng nếu làm tốt chính sách nhà ở xã hội thì nguồn cung nhà ở bình dân sẽ đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp ở đô thị. Đây cũng là giải pháp mang tính dài hạn, qua đó sẽ giúp hạn chế đáng kể sự phát triển tràn lan của loại hình nhà ở riêng lẻ “hóa” chung cư mini vốn được “hậu thuẫn” từ sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng địa phương từ khâu cấp phép, xây dựng, kiểm soát phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Các vấn đề căn cơ cần làm ngay
Trước sự mất mát, đau thương sau vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng trên, trong những ngày qua, thông qua mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng ngoài việc khởi tố chủ tòa nhà, tổng rà soát lại các chung cư mini, Hà Nội cần phải điều tra, xử lý nghiêm các cán bộ quan chức liên quan ở địa phương. Đây không chỉ là việc chấn chỉnh lại công tác quản lý mà còn để tránh những sự cố đau lòng có thể xảy ra.
Nêu quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng cần phải rà soát, đánh giá lại các khâu từ cấp phép, xây dựng cho tới công tác thanh, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại chung cư mini ở ngách 29/70, phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Theo ông Hạ, các cơ quan chức năng phải ngồi lại đánh giá xem chỗ nào chưa được, chưa đúng đồng thời rà soát lại các chính sách về chung cư mini hiện nay xem có “lỗ hổng” nào hay không. Nếu cấp phép sai phải chịu trách nhiệm. Trong vấn đề này, công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, trách nhiệm của từng người phải làm rõ, làm nghiêm, bởi nếu “cứ nói chung chung” thì không giải quyết được.
“Mỗi khi có vụ cháy ở karaoke gây thiệt hại lớn thì chúng ta tăng cường kiểm tra, rà soát, siết chặt quản lý karaoke chứ không có giải pháp tổng thể đồng bộ, mang tính lâu dài để phòng ngừa, giảm thiệt hại do cháy, nổ. Tức là chúng ta làm theo kiểu ‘rò đâu thì bịt đấy,’ chạy theo sự vụ chứ không chủ động, không có giải pháp tổng thể, đồng bộ,” ông Hà nhắc lại cách xử lý sự cố trong thời gian qua.
Cần có giải pháp đồng bộ trong việc phát triển nguồn cung nhà ở đảm bảo phòng cháy chữa cháy. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) |
Từ thực tế đó, ông Hạ nhấn mạnh bên cạnh các quy định chặt chẽ, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức chính trị, xã hội trong giám sát, kiểm tra phòng cháy chữa cháy để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa. Bên cạnh đó, người dân cũng rất cần được nâng cao kỹ năng, nhận thức về phòng cháy chữa cháy, nhất là ở những nơi như chung cư.
Đóng góp thêm giải pháp, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) - ông Bùi Trung Dung cho rằng để nâng cao hệ số an toàn cho nhà ở tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, cần ưu tiên nguồn ngân sách để xây dựng, triển khai quy hoạch phòng cháy chữa cháy từ cấp phường, tổ dân phố.
“Các vấn đề cần nghiên cứu làm ngay như bố trí các họng nước cứu hỏa tại các ngõ, ngách mà xe cứu hỏa không vào được. Triển khai thí điểm rồi tổng kết đánh giá việc mở rộng những ngõ, ngách hẹp dưới 3,5m lên thành trên 4m để xe cứu hỏa, phương tiện cứu hộ, cứu nạn có thể tiếp cận được hiện trường. Nếu kết quả tốt, cần có đề án mở rộng ra cả thành phố, thậm chí quy mô lớn hơn,” ông Dung nói.
Về khía cạnh chính sách, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết đơn vị này đã kiến nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét đề xuất Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Nhà ở 2014, nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng xây dựng “nhà chung cư mini biến tướng” để bán.
Theo ông Châu, việc cho phép “khoét lõm” xây dựng kiểu chung cư mini trong nội thành rất dễ xảy ra tình trạng căn hộ mini thiếu tiện ích, thiếu an toàn, góp phần làm tăng quá tải hạ tầng đô thị cục bộ và sẽ gây trở ngại, khó khăn cho công tác chỉnh trang đô thị, trước hết là các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Do vậy, quy định bất cập này rất cần được Quốc hội xem xét bãi bỏ./.
Theo Hùng Võ (Vietnam+)