(Xây dựng) - Con đường đất đỏ dẫn tôi đến những làng quê xa hút. Hơi lạnh tỏa ra từ núi đá như gợi đến những linh hồn. Tôi tin là đá núi cũng có linh hồn cũng như tôi tin nàng Tô Thị xưa kia đã làm nên hòn vọng phu mà tôi tha thiết gọi là mẹ. Mẹ - cái tiếng gọi thiêng liêng ấy gợi nhắc người ta đến với 2 chữ cội nguồn. Và tôi cũng đang hành trình tìm về cội nguồn của những niềm thương nơi tâm hồn người con đất Việt.
Tôi yêu sao đất nước này. Đất nước mà từ những hàng dừa, những dòng sông đã dệt nên 1 giai điệu đẹp ru lòng người vào cõi hư vô, làm tâm hồn trong hơn, thánh thiện hơn. Tưởng như cả không gian này được đan dệt bởi muôn ngàn sợi thanh âm trong trẻo. Và tôi, kẻ cố tìm kiếm một sợi tơ trời đang ngân lên giai điệu của lòng mình. Vâng - Việt Nam, đất nước của đẹp và thơ! Đất nước của những giai điệu ngọt ngào đến nao lòng...
Tìm về làng cổ Đông Sơn. Con đường mòn dẫn tôi đến với những cổng làng còn giữ dáng vẻ cổ xưa. Cái cổng đầu tiên mà tôi bắt gặp mở ra một con đường đất, mép viền đá xanh gợi một niềm hoài cổ, một niềm thương xa vắng. Một cái gì còn nguyên sơ đến thánh thiện như những con đường dẫn đến am mây cổ kính xưa. Vào đến cổng thứ 2, tôi lại bắt gặp con đường gạch đỏ, một ảnh hình gắn với làng quê, với những nét đẹp truyền thống. Những trang giấy sáng bừng sắc đỏ được ông đồ già nho nhã, những bậc túc nho thảo lên nét chữ thanh cao của thánh hiền. Cái bóng dáng của ông đồ xưa với “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay” giờ đã lùi xa vào quá vãng. Song thấp thoáng đâu đây, nơi ngôi làng cổ này. Những con người hiền hậu và cả cỏ cây đá núi cũng lành hiền đến lạ thường. Dư âm về một thời xa vắng dẫn tôi đến một ngôi đình cổ.
Tôi không biết có thể gọi là đình không nhưng đó là một khuôn viên rộng soi bóng xuống mặt hồ, ngoảnh ra núi. Những cây si già buông rễ xuống tạo nên một nét cổ kính và linh thiêng. Mặt hồ hình vòng cung bao quanh như gợi vẻ cao quý chốn thiền lâm. Và sen thật thanh cao. Chẳng thế mà những vị chân tu từng lấy cái vẻ cao quý ấy làm nơi tu hành. Cái lặng lẽ và thanh cao chốn này khiến tôi nghĩ đến những bậc túc nho, những “chén trà trong sương sớm” và những con người có thể “đối diện đàm tâm” thuở xưa. Chốn non nước thanh bình này từng níu giữ những bước chân thi nhân. Phạm Sư Mạnh với cái lộng lẫy như ngọc của hồ chùa, cái khí tiết quân tử của trúc và thông.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trãi xem đây như cảnh bụt, mà đã là cảnh bụt thì những giấc “mộng sơn trung” cũng hướng tới sự siêu thoát “mộng cưỡi hạc vàng lên cõi tiên”. Đâu đó vang lên tiếng sáo làm xốn xang lòng người: “Ba câu chài hát khói hồ mênh mông/ Một tiếng sáo trâu trăng trời cao vút”.
Triền miên trong niềm tôn kính bởi những hồn thiêng của sông núi. Tiếng sáo thoảng qua từng cơn gió và lan xa khắp cả không gian, “vắt vẻo” qua những dãy núi khiêm nhường nằm rải rác và miên man đưa đẩy tôi tìm về với những điệu hồn của dân tộc. Cái con đường mòn mà chúng tôi đi qua có những bụi tre mà trước kia là những thành những lũy của ngôi làng văn hoá cổ xưa này. Hình như tôi có đến sớm quá chăng? Cái không khí của ngày hội mồng 3/3 hằng năm vẫn chưa đến, hãy còn tĩnh mịch lắm. Những lá tre sắc nhọn như hàng nghìn con mắt đổ ra tứ phía. Nếu một vầng trăng khuyết mải rong chơi có vô tình mắc vào đó thì cái sắc nhọn, cái gái góc có lẽ tăng lên bội phần.
Vậy mà vẫn nên thơ. Bởi cái đất nước này, cái hình sông thế núi vốn dĩ đã nên thơ rồi chỉ còn chờ những con mắt thi nhân ghép lại thành giai điệu mà thôi. Tiếng lá tre như cọ xát vào hư vô và tiếng gió quất vào núi làm quấy loãng không gian như một vẻ huyền bí xa xăm mà đã có lần tôi lầm tưởng là tiếng sáo.
Vâng, cái thứ âm thanh trong trẻo ấy gợi nhớ gợi thương. Nó như lan ra, quện vào không gian, lúc gần lúc xa, khi vắt vẻo trầm ngâm, khi tha thiết, khi lại lảnh lót đến vui tươi. Tưởng như nó là một biến tấu của muốn vàn tiếng chim, tiếng lá trúc. Phải gắn bó với quê hương, phải yêu quê hương lắm mới nhận thấy những hồn cây đá núi. Không bồi hồi sao được khi một tiếng sáo cất lên giữa mênh mông đất trời.
Tưởng như đó là tiếng đồng vọng của ký ức - thiên nhiên - tâm hồn giữa ngút ngàn trời mây. Êm êm và phảng phất một nét buồn, một giai điệu xa vắng như một làn gió quen hay những thanh âm quen thuộc khiến người ta triền miên trôi theo dòng kí ức. Với phương đông tiếng sáo còn gợi một cõi tiên, Một cõi mơ và nơi ấy những vị chân tu đã đắc đạo và thoát khỏi bụi hồng trần đang phiêu du cùng âm hưởng của đất trời. Tôi ngờ rằng đâu đâu trên đất nước này cũng là trúc tiêu tương và ai ai cũng có thể là chàng Trương Chi với tiếng sáo diệu kỳ làm xao động lòng người. Hành trang của lãng du ca có lẽ cũng chỉ đến thế!
Con đường đá răm men theo chân núi dẫn tôi đến với mắt rồng, với viên ngọc tinh anh của trời đất. Tưởng đâu đây trên những tầng xanh diệu kỳ kia, những vị tiên núi chống gậy trúc bước ra, hay những tiên nương xiêm áo trắng tinh như dệt bằng sương và mây trời đang bay lượn nhịp nhàng. Và vẩn lên tầng không tiếng sáo du dương. Không gian ấy dễ gợi người ta đến với ý nghĩ thoát tục lắm, dễ tham mùi thiền lắm. Bởi cái dịu mát và ngai ngái của quê hương như thanh lọc tâm hồn đến với cái thánh thiện. Những bậc đá như những bậc hoa gợi đến một ngôi chùa trên núi, rải rác hoa đại. Tưởng như những gót chân tiên hay những xiêm y trắng sương từng lướt qua. Tôi không dám nghĩ tiếp nữa, bởi những viên ngọc, những mắt lá hay những mảnh pha lê không biết nữa nhấp nháy, lung linh đang gọi mời. Thấy yêu quá câu thơ Xuân Diệu: “Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá/Thu đến nơi nơi động tiếng huyền”.
Tiếng sáo gợi một cái gì bay bổng, một vẻ đài các hay thanh cao, huyền bí thì tiếng đàn bầu mới thực là giai điệu của quê hương. Có cái gì ru lòng người như tiếng đàn bầu? Con người Việt Nam lớn trên nôi với cánh cò bay cả vào chiêm bao và lớn dần theo lời ru của mẹ. Cái lời ru ấy như kết tinh từ tình yêu thương và da diết thành tiếng đàn bầu. Bởi vậy mà ai xa quê không từng một lần bồi hồi trước tiếng đàn yêu thương. Đó là giai điệu của quê hương. Nó day dứt như chắt lọc ra thành từng giọt từng giọt thanh âm. Tưởng như sợi thanh âm vô tình nào đó đang gõ nhịp vào tim. Có bồi hồi, có một niềm u uẩn, có nôn nao mà trầm ấm như những giọt linh hồn. Lại có những giây phút tưởng như trái tim đang lơ lửng trên không và một giọt thanh âm rỏ xuống như những ngọn gió vô tình đưa đẩy làm nó rùng mình, run rẩy. Nhịp tim bỗng thóp lại, như đứt tách, trơ vơ. Bồi hồi như cái bất ngờ của một người yêu bắt gặp một người yêu. Quê hương - tiếng đàn bầu. Khắp dải đất hình chữ S này là tiếng đàn bầu ngân lên bên chiếc nôi đưa vào những buổi trưa hè êm ảnh, hay da diết hơn, như bứt ra không trung từ những đêm khuya tĩnh mịch.
Đàn nhị và trống gợi đến nét đẹp cung đình. Tiếng đàn nhị cũng da diết lắm. Như kéo dài ra thành sợi nhớ giữa không trung vắng lặng. Nhưng không có gì khiến người ta bồn chồn hơn tiếng trống. Tưởng như sự tức nghẹn trong lồng ngực buộc phải trào ra. Những nhịp đập trái tim trở nên run rẩy hơn, dồn dập hơn.
Cả một dành thanh âm được dệt lại thành 2 tiếng Việt Nam, 2 tiếng quê hương. Yêu và thương làm sao những giai điệu ấy. Nó giản dị lắm, đôi khi chỉ một câu hò thôi mà mênh mang khắp cả vùng sông nước, tràn sâu vào nỗi nhớ, khuấy động cả cái làng quê tĩnh mịch ấy cũng quặn mình thành dáng hình xứ sở, thành những giai điệu du dương đến say lòng. Không bồi hồi sao được bởi đó là cội nguồn, là quê hương, là nơi bắt đầu niềm thương và niềm yêu trên thế gian này.
Mạc Lâm (Ảnh: Internet)
Theo