Thứ hai 13/01/2025 04:42 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Giá trị lịch sử, văn hóa và cách mạng của quần thể di tích đền, đình, chùa Đồng Kỵ

11:51 | 14/01/2014

Nằm soi mình bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, dưới những tán cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng, quần thể di tích đền đình chùa phường Đồng Kỵ thuộc thị xã Từ Sơn, có hàng trăm năm tuổi với những lớp mái ngói đao cay uốn lượn duyên dáng, cảnh quan đẹp tựa như một bức tranh thủy mạc khổng lồ, là nơi hội tụ và tỏa sáng bề dày lịch sử, văn hiến, yêu nước và cách mạng của con người và quê hương.


Cổng chùa Đồng Kỵ

Đồng Kỵ vốn xưa là một vệt làng Việt cổ gồm ba trang có tên nôm là Cời, Cọc, Cờ, nằm bên bờ sông Ngũ Huyện Khê.Truyền rằng, cả ba trang đều thờ chung Thành Hoàng làng là Đức Thánh “Thiên Cương” có công đánh giặc Ân vào thời Hùng Vương thứ 6. Về sau, cả ba trang hợp nhất thành một làng lớn lấy tên là “Đồng Kỵ” với ý nghĩa là “cùng giỗ” (thờ chung Thành Hoàng làng). Đến nay là một phường rất lớn thuộc thị xã Từ Sơn, dân cư đông đúc, giàu có, trù mật.

Với địa thế thuận lợi nằm bên bờ sông Ngũ Huyện Khê “trên bến dưới thuyền” và trục đường giao thông chính, nên từ rất sớm người dân nơi đây chịu thương chịu khó, năng động, sáng tạo. Đồng Kỵ không những nổi tiếng trong dân gian là đất buôn, đất làng nghề thủ công mộc mỹ nghệ, mà còn là quê hương yêu nước, cách mạng, được kết tinh, phản ánh ở quần thể di tích đền, đình, chùa cổ kính thâm nghiêm hàng trăm năm tuổi.

Quần thể di tích đền, đình, chùa Đồng Kỵ nằm ở phía Tây nam của làng, thành một dải dài bên bờ sông, rộng đến vài ha, bao quanh là ao, hồ, rừng cây cổ thụ như: đa, đề, si, sưa… cảnh quan đẹp tuyệt. Đền Đồng Kỵ vốn được khởi dựng từ lâu đời gắn với thuở khai ấp lập làng của người dân, là nơi Thần (Thánh) an vị hàng ngày, thờ Đức Thánh “Thiên Cương” có công đánh giặc Ân vào thời Hùng Vương. Trải nhiều thời, ngôi đền đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, dấu ấn còn lại là thời vua Tự Đức (trên câu đầu của tòa Đại tế còn nguyên dòng chữ Hán của năm trùng tu “Hoàng Triều Tự Đức tam thập ngũ niên”-1882). Ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ “Tam” với ba tòa nhà nằm sát nhau, làm theo kiểu “bình đầu bít đốc tay ngai”, phía trước là hồ nước tụ thủy, phía sau là vườn cây si, sưa cổ thụ xum xuê. Đền còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý là đồ thờ tự như ngai, bài vị, hương án, siêu đao, bát bửu, hoành phi, câu đối.

Đình Đồng Kỵ là công trình kiến trúc nghệ thuật của thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII) đẹp nổi tiếng còn bảo lưu được nguyên vẹn đến ngày nay. Trên câu đầu của Tiền tế còn nguyên dòng chữ Hán của năm dựng đình “Cảnh Hưng lục niên” (tức năm 1745). Ngôi đình có quy mô kiến trúc to lớn, kết cấu kiểu chữ “Công” gồm 3 tòa: Tiền tế 3 gian 2 chái, Thiêu hương 3 gian và Hậu cung 3 gian 2 chái, mái ngói đao vút  uốn lượn duyên dáng. Bộ khung bằng gỗ lim, hệ thống cột cái to khỏe vững chắc chu vi hơn 2,0 m, ván sàn, lòng giếng.

Trên tất cả các bộ phận kiến trúc như: vì nóc, cốn, bẩy, đầu dư đều được chạm khắc cầu kỳ các đề tài “tứ linh tứ quý” như: rồng bay, phượng múa, lân chầu… với những nghệ thuật chạm nổi, kênh bong và chạm lộng được kết hợp nhuần nhuyễn, tinh xảo, nghệ thuật.

Đặc biệt là gian giữa của Tiền tế được trang trí chạm trổ cầu kỳ, lộng lẫy: Phía trước cửa  cấm là hai bức cửa võng. Bức ngoài chạm kín từ đỉnh nóc xuống dần đến hai bên chân cột với các đề tài: Lớp trên cùng chạm nổi “Lưỡng long chầu nguyệt”, lớp dưới được chia thành ba khoang lớn chạm lộng “Rồng ổ” tầng tầng, lớp lớp điêu luyện, nghệ thuật. Hai bên diềm chạm phối cảnh rồng bay, phượng múa, lân chầu, quy đội thư… và có cả những hình ảnh con vật cây lá trong dân gian trông ngộ nghĩnh, sinh động. Phía trên đỉnh nóc là bức “màn giếng” chạm nổi đôi phượng đang múa và phụ họa xung quanh là long, ly, quy, phượng bay múa tuyệt khéo. Nghệ thuật chạm khắc tinh xảo cùng màu sơn son thếp vàng rực rỡ của bức cửa võng và màn giếng đã tạo cho ngôi đình có không gian thờ cúng đẹp lộng lẫy lại vừa tôn nghiêm, huyền bí.

Theo tục lệ, hàng năm cứ đến mồng 4 Tết Nguyên đán, đền đình chùa Đồng Kỵ được mở hội. Vào hội, dân làng tổ chức rước kiệu từ đình làng xuống đền xin kính cẩn rước Đức Thánh về đình tế lễ và mở hội và hết hội lại rước trở về đền để an vị, Hội Đồng Kỵ nổi tiếng với tục “rước pháo” và nhiều tục trò dân gian vui chơi giải trí khác như: thi vật, thả chim, tuồng chèo… náo nức mở đầu cho cả mùa lễ hội xứ Kinh Bắc-Bắc Ninh.

Chùa Đồng Kỵ có tên chữ là “Tây Am Tự” nằm liền kề với đình làng thành một quần thể di tích rất đẹp. Ngôi chùa được dân làng khởi dựng từ lâu đời để thờ Phật và đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, dấu ấn cổ còn lại là vào thời vua Khải Định. Chùa Đồng Kỵ, gồm nhiều công trình như: Gác chuông, Tam Bảo, Hậu đường, nhà Tổ, nhà Khách, vườn Tháp. Hệ thống tượng thờ của chùa cổ kính và phong phú.

Chùa Đồng Kỵ là cơ sở hoạt động cách mạng quan trọng thời kỳ Tiền khởi nghĩa (1940-1945) của Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Trung ương Đảng như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… Nhà khách của chùa nằm kín đáo sau ngôi Tam Bảo, từng là nơi diễn ra các hoạt động chỉ đạo cách mạng nước ta của các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng. Hoạt động cách mạng ở đây, các đồng chí đã được nhà sư Phạm Thông Hòa cùng với nhân dân địa phương hết lòng nuôi dấu, bảo vệ, che chở không để lộ trước sự lùng sục, càn quét khủng bố của quân địch. Cũng tại ngôi nhà khách của chùa, ngày 9-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp Hội nghị mở rộng và ra bản Chỉ thị lịch sử “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; sau đó để phòng bị động, Hội nghị đã được chuyển đến nhà thờ họ Nguyễn ở làng Đình Bảng (Từ Sơn).

Bản Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã xác định rõ kẻ thù trước mắt của cách mạng nước ta lúc đó là phát xít Nhật cần phải đánh đổ để giải phóng dân tộc. Thay khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật-Pháp” bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” và đưa ra khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của nhân dân”. Hội nghị đã quyết định một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước. Bản Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Trung ương Đảng đã làm kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào kháng Nhật cứu nước để đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ đó đến nay, quần thể di tích đền đình chùa cổ kính thâm nghiêm của làng Đồng Kỵ và hình ảnh các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng hoạt động cách mạng ở đây, cùng hào khí cách mạng hào hùng của những tháng năm Tiền khởi nghĩa vẫn luôn sống động, tỏa sáng, tự hào trong tâm trí mọi người dân Đồng Kỵ, cũng như nhiều người con của đất Việt khi về thăm quê hương Đồng Kỵ giàu truyền thống lịch sử, văn hiến yêu nước và cách mạng.

Một số hình ảnh đình Đồng Kỵ:


Toà Tam bảo.


Tượng Ngọc Hoàng thượng đế.


Tượng Hộ pháp.


Ban thờ Đức Địa tạng vương bồ tát.


Ban thờ Tổ.


Nhà thờ tổ


Lầu Quan Âm.

Theo Baobacninh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load