(Xây dựng) - Mặc dù, được giao hàng nghìn m2 đất nằm trong quy hoạch đất nghĩa trang và một phần quy hoạch là đường hành lang đê điều thuộc địa bàn xã Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội); tuy nhiên, thời gian gần đây khu đất này đã bị “biến tướng” thành nơi xây dựng nhà xưởng sản xuất gỗ ván ép không phép, vi phạm trật tự xây dựng, gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, những vi phạm này đã tồn tại từ lâu nhưng chưa hề bị xử lý.
Xưởng sản xuất gỗ ván ép của Cty TNHH TTTK ngang nhiên xây dựng trên đất công.
Theo phản ánh của một số người dân sinh sống ở xã Yên Viên cho biết: “Trước đây, đất này chủ yếu là đồng ruộng, không khí trong lành, giờ đây các Cty, doanh nghiệp thi nhau xây dựng nhà xưởng. Trong quá trình hoạt động sản xuất liên tục xả khói bụi hòa lẫn với mùi keo hóa chất lan tỏa khắp nơi, khiến chúng tôi vô cùng bức xúc”.
Để hiểu rõ hơn vấn đề trên, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã mục sở thị tại địa bàn. Quan sát dọc theo bờ đê sông Đuống cho thấy, hàng chục nhà xưởng được mọc lên trái phép. Đặc điểm chung dễ nhận thấy ở đây là các doanh nghiệp thường dùng gỗ củi, gỗ vụn để đốt, thậm chí có cơ sở dùng vỏ gỗ đốt để làm than. Khói thải của các cơ sở này bốc mùi khét lẹt rất khó chịu, nhất là vào ban đêm và cuối giờ chiều. Đi một vòng trên đoạn đường đê sông Đuống, không khó để bắt gặp những ống thải khói đang thi nhau xả ra môi trường mà không có bất kì phương pháp xử lý khí thải nào. Chưa kể đến mùi keo dán gỗ rất nồng nặc.
Thời gian gần đây trên địa bàn xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, tình trạng xây dựng nhà xưởng trái phép trên đất công, nông nghiệp đang diễn ra rất rầm rộ. Điều đáng nói tình trạng này đã diễn ra nhiều năm qua nhưng chính quyền sở tại vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Cụ thể là xưởng gỗ thuộc Cty TNHH TTTK thôn Cống Thôn, xã Yên Viên, huyện Gia Lâm. Xưởng gỗ thường xuyên có tiếng ồn inh tai, nhức óc phát ra từ động cơ của hệ thống máy cắt xẻ gỗ, mùi nồng từ keo dán gỗ, các cột khói đen đặc vươn cao vài chục mét, bụi từ mùn cưa gỗ do xưởng của Cty sản xuất gỗ này xả ra hiện đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.
Tìm hiểu được biết, ngày 8/9/2014, ông Đào Văn Hồng - Nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã ký Văn bản số 23/HĐ-UBND về hợp đồng thuê đất tại khu nghĩa trang thôn Cống Thôn cho ông Nguyễn Công Thịnh để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, trồng cây ngắn ngày. Diện tích đất giao là 1,348m2 thuộc quỹ đất 5%, loại đất nông nghiệp do UBND xã quản lý, với thời hạn hợp đồng thuê đất là 5 năm, giá thuê 13.000đ/m2/năm (tính từ ngày 1/9/2014 đến hết ngày 31/8/2019).
Cụ thể, hợp đồng nêu rõ: “Ông Nguyễn Công Thịnh phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới, đúng vị trí và diện tích đất thuê; tổ chức sản xuất canh tác có hiệu quả; không được hủy hoại, làm giảm sút giá trị của đất; thực hiện các biện pháp bảo vệ đất; tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan...”.
Bỏ ngoài tai bản hợp đồng đã cam kết, nhiều năm qua ông Nguyễn Công Thịnh – Giám đốc Cty TNHH TTTK đã cho xây dựng nhà xưởng không phép, tổ chức sản xuất gỗ ván ép và kinh doanh trên hơn nghìn m2 đất công. Bất chấp những quy định của pháp luật.
Hàng ngàn m2 đất công xã Yên Viên bị “biến tướng” thành nhà xưởng.
Để rộng đường dư luận, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Chủ tịch xã Yên Viên. Tại buổi làm việc, bà Quyên thừa nhận: “Đất ở đây là đất quy hoạch một phần nghĩa trang, một phần quy hoạch là đường hành lang trên đê điều. Trước đây là đất quỹ của thôn cho thuê, người ta cho thuê để lấy tiền đầu tư, tu bổ cho nghĩa trang, được nhân dân đồng tình. Thực hiện theo công tác quản lý đất đai, xã cho thuê hàng năm. Đến năm 2016, xã thực hiện theo chỉ đạo của huyện. Xã đã có công văn, văn bản gửi cho huyện nhưng chưa nhận được sự chỉ đạo của huyện”.
Bà Quyên biện dẫn thêm: “Huyện cũng chưa có chỉ đạo về các diện tích đất công. Trên cương vị của xã tạm giao cho các doanh nghiệp, về việc này xã đã có công văn báo cáo lên huyện. Xây dựng nhà xưởng đây là do lịch sử để lại, thời điểm kế tiếp thì xã cũng đã lập biên bản về hiện trạng và trường hợp này nằm trong 34 điểm vi phạm. Hướng xử lý là tới đây sẽ giải phóng mặt bằng còn đâu báo cáo lên huyện xin ý kiến của huyện để báo cáo hàng năm”.
Sau nhiều ngày liên hệ với ông Nguyễn Công Thịnh - Giám đốc Cty TNHH TTTK nhưng không nhận được hồi âm. Ngày 14/11, phóng viên đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Hoàng Anh Tú - Chánh Văn phòng huyện Gia Lâm. Ông Tú cho biết: “Việc này, thành phố đã chỉ đạo huyện và đã giao cho bên tài nguyên môi trường kiểm tra, soạn thảo báo cáo lại thành phố. Hiện tại, báo cáo đó chưa hoàn chỉnh vì hôm qua mới báo cáo Ủy ban”.
Trước những vi phạm trong việc quản lý đất đai, trật tự xây dựng đang diễn ra tại xã Yên Viên, đề nghị UBND huyện Gia Lâm, UBND TP Hà Nội cho thanh, kiểm tra, xử dứt điểm những sai phạm nêu trên. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân đã buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều vi phạm, nhằm đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin.
Việt Khoa – Quang Dương
Theo