Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), chi phí cho điện sản xuất thép chiếm chỉ 5,5% trong giá thành. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện theo giá thị trường sẽ góp phần loại bỏ việc sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất thép.
Chủ tịch VSA, ông Phạm Chí Cường cho biết thêm, so với tác động tỷ giá và nguyên liệu đầu vào thì việc tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản xuất thép.
Công nghệ sẽ quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp thép -Ảnh: Chinhphu.vn
Trong 9 triệu tấn sản phẩm hàng năm của ngành Thép, sản xuất phôi là 4 triệu tấn, còn lại là gia công thép. Những năm qua, ngành Thép chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm gia công tiêu thụ điện ít như cán nguội, gia công, mạ. Tiêu thụ điện cho các khâu này chỉ chiếm 1,5% trong giá thành (trung bình chỉ từ 100-120 kWh/tấn).
Luyện phôi, thép phế tiêu tốn gấp 4-5 lần gia công thép, trung bình ở mức 600 kWh/tấn. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp (DN) nào sử dụng công nghệ tiên tiến thì mức tiêu thụ chỉ khoảng 350kWh/tấn.
Hiện nay, trong số 32 DN của Hiệp hội chỉ có 4 DN sử dụng công nghệ tiên tiến của thế giới; 10 DN có cải tiến công nghệ, còn lại là công nghệ cũ.
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng phương án điều chỉnh giá điện theo thị trường có lộ trình. Khi giá điện được tính đúng tính đủ, tỷ lệ chi phí cho điện sẽ chiếm đáng kể với những công nghệ thép lạc hậu. Ông Phạm Chí Cường kỳ vọng tăng giá điện hợp lý sẽ góp phần loại bớt những nhà máy vẫn sử dụng công nghệ luyện thép lạc hậu để kiếm lợi trong ngắn hạn.
Sợ thiếu điện hơn là sợ tăng giá điện
Theo quan điểm của Hiệp hội Thép, ngành Điện cũng là ngành sản xuất kinh doanh, nếu cứ bù lỗ giá thì ngành Điện cũng không thể phát triển.
Do vậy, “giá than, điện, xăng dầu được xác định theo đúng giá thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, góp phần minh bạch nền kinh tế, để nền kinh tế có lãi thực, không có tình trạng lãi, lỗ ảo. Ngành Thép sợ thiếu điện hơn là sợ tăng giá điện theo lộ trình như hiện nay”, ông Phạm Chí Cường khẳng định.
Trước mắt, để ứng phó với nguy cơ thiếu điện trầm trọng vào mùa khô năm nay, ngành Điện và ngành Thép đã thống nhất về chủ trương, kế hoạch và các giải pháp để đảm bảo cung cấp điện cho ngành sản xuất thép.
Theo đó, Hiệp hội Thép sẽ xây dựng danh sách những DN đủ điều kiện để được ưu tiên tiếp tục cấp điện cho sản suất. Đó là những doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hoặc đã có cải tiến để áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất thép tiết kiệm, hiệu quả.
Giá thép sẽ không tăng đột biến
Hiệp hội Thép dự báo, từ nay đến đầu tháng 3, do giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá thép trong thời gian tới được dự báo sẽ tăng từ 500-600.000 đồng/tấn. VSA cũng cho rằng đã có tình trạng DN găm hàng nghe ngóng.
Giá thép được dự báo sẽ tăng nhưng không đột biến. - Ảnh: Chinhphu.vn
Giá thép xây dựng xuất xưởng hiện đang là 16,5 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, ông Phạm Chí Cường nhận định DN thép không thể tăng giá đột biến vì lo ứ đọng hàng. Bởi với ngành Thép, không thể để tồn kho nhiều (dưới 300.000 tấn/ tháng) mới đảm bảo lãi, dự trữ phôi cũng chỉ mức 0,5 triệu tấn để không phải trả lãi ngân hàng cao. Thêm vào đó, nếu giá tăng cao quá người tiêu dùng sẽ không mua, các công trình xây dựng cũng sẽ dừng thi công để điều chỉnh dự toán hoặc chờ thép hạ giá.
Ngoài ra, hiện nay giá thép Trung Quốc và Đông Nam Á đã rẻ hơn thép trong nước từ 500-600.000 đồng/tấn, nếu tăng cao quá, chênh lệch giá sẽ càng lớn, người tiêu dùng sẽ dùng hàng nhập khẩu.
Nguyệt Hà - CP
Theo baoxaydung.com.vn