Năm 2021, Chính phủ phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%, cao hơn kế hoạch năm 2021 mà Quốc hội giao là khoảng 6%. Do đó trong thời điểm dịch bệnh đang có nhiều phức tạp, con số GDP tăng trưởng 4,48% trong quý I cho thấy mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 là hoàn toàn khả thi và kết quả của các tháng đầu năm là bước đệm vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Trong quý I/2021 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%. Ảnh: Vũ Long |
Thể hiện sự điều hành, quyết liệt của Chính phủ
Tổng cục Thống kê mới công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2021. Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ 2020, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020.
Bà Hương cho rằng, với kết quả tăng trưởng quý I cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Do dịch bệnh vẫn đang còn phức tạp nên bên cạnh những kết quả đạt được, bước sang quý II, kinh tế - xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mức tăng 4,48% của GDP quý I/2021 là thấp. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, ít nhất một quý phải có tăng trưởng trên 7%.
Phân tích các động lực tăng trưởng, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn đáng kể so với mức tăng 2 con số đạt được ở những giai đoạn GDP tăng trưởng cao. “Điều này cho thấy sức tăng ở thị trường nội địa chưa rõ nét. Tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn cầm chừng do lo ngại những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài”, ông Phương chia sẻ.
Trong khi đó, mặc dù công nghiệp chế biến, chế tạo có sự phục hồi đáng kể với mức tăng 9,45% nhưng chỉ số này vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng 2 con số của cùng kỳ các năm 2018 và 2019. Cùng với đó, vốn đầu tư công vẫn chưa được đẩy mạnh vào nền kinh tế. “Vì vậy, động lực tăng trưởng những quý cuối năm vẫn chưa thực sự rõ nét”, ông Phương nhấn mạnh.
Nhiều tín hiệu tốt để tăng trưởng
Trao đổi với Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, qua con số báo cáo thì điểm sáng lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Nhiều địa phương như: Bắc Giang, Hải Phòng với kết quả thu hút dòng vốn FDI từ năm 2020 đã khiến ngành công nghiệp điện tử phát triển mạnh. Nhiều ngành có tăng trưởng cao như: Thép cán, điện thoại…
Theo ông Thịnh, khu vực dịch vụ trong quý I/2021 cũng tăng trưởng tích cực khi dịch được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết.
Về mức tăng trưởng 4,48%, vị chuyên gia này cho rằng, đây là con số không cao so với trước đây nhưng lại cao so với điều kiện hiện nay và so với năm ngoái. “Chúng ta có thể tự tin để nói rằng đạt được mục tiêu đề ra bởi lẽ có nhiều điều kiện, nhiều thành tựu đã và đang có. Trong quý I/2021, có hàng nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt là nông nghiệp, công nghiệp, chế biến chế tạo. Đại dịch như vậy và đặc biệt quý I là tháng Tết nhưng chúng ta vẫn giữ vững và đạt được như thế là rất tốt” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Song song đó, vị chuyên gia này cho rằng cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ thuế, phí xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước… Tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021; mở rộng đối tượng được gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8/4/2020.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời. Bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh...
Phân tích thêm về vấn đề này TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội cả nước, kết quả tăng trưởng quý I/2021 cho thấy sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, vận dụng kinh tế số hóa, thương mại điện tử hay chính phủ điện tử… sẽ giảm bớt chi phí đối với với doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm của Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao hơn.
“Như hiện nay giá nhiều mặt hàng của Việt Nam vẫn cao hơn hàng hóa của Thái Lan, Malaysia… với những nỗ lực của chúng ta hy vọng thời gian tới hàng hóa của Việt Nam sẽ cạnh tranh được bằng mức giá thấp hơn so với các nước trong khu vực. Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân một cách mạnh mẽ”, ông Doanh nói.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng các gói hỗ trợ Trong khi đó Tổng cục Thống kê đề xuất, ngoài việc kiểm soát, triển khai tiêm vaccine COVID-19 thì cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. |
Theo CAO NGUYÊN/Laodong.vn