Thứ năm 25/04/2024 19:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Gặp khó vì COVID-19, nhà đầu tư ngậm đắng sang nhượng khách sạn giá 0 đồng

15:43 | 06/04/2020

Trong tháng 3.2020, do ảnh hưởng của của dịch COVID-19, thị trường bất động sản chững lại, khối lượng giao dịch giảm mạnh, nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa. Trước khó khăn chung của thị trường đã đẩy nhiều nhà đầu tư vốn mỏng phải cắt lỗ, sang nhượng mặt bằng với giá bèo.

Sang nhượng khách sạn giá 0 đồng

Anh Lê Vinh - chủ hai khách sạn trên phố Hàng Trống và phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, không có nguồn tài chính dự trữ, nên anh cần sang nhượng hai khách sạn này với giá sang nhượng là 0 đồng.

Theo anh Vinh, hai khách sạn này của anh có diện tích lớn, khách sạn ở Hàng Trống có diện tích 200m2/tầng (gồm 13 tầng), có 55 phòng nghỉ, 1 nhà hàng và 1 khu spa; còn khách sạn ở phố Nhà Thờ có 18 phòng, 1 nhà hàng rộng, diện tích 150m2/tầng (gồm 9 tầng). Đây là khách sạn duy nhất trên phố Nhà Thờ, vừa được anh đầu tư nội thất 2 tỉ đồng. Cả hai khách sạn đều có trang thiết bị đồng bộ, có thể kinh doanh ngay khi dịch lắng xuống.

"Hai khách sạn này, tôi đặt cọc 3 tháng với tổng số tiền là 3,6 tỉ đồng, trung bình mỗi tháng 1,2 tỉ đồng. Do không kinh doanh được, không có tiền đóng tiền nhà nữa nên buộc phải sang nhượng. Tôi chỉ mong muốn lấy lại tiền đặt cọc với chủ nhà, không lấy phí sang nhượng và tiền đã đầu tư vào nội thất", anh Vinh cho hay.

gap kho vi covid 19 nha dau tu ngam dang sang nhuong khach san gia 0 dong
gap kho vi covid 19 nha dau tu ngam dang sang nhuong khach san gia 0 dong
Khách sạn của anh Vinh nằm ở vị trí đắc địa trên phố cổ.

Theo anh Vinh "đây là kèo rất thơm" vì Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt, ngày hôm nay (6.4) chưa ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 nào. Chính vì vậy, khi dịch lắng xuống, nhà đầu tư có thể kinh doanh ngay.

"Chúng tôi đang kinh doanh rất ổn thì gặp dịch. Nếu không có dịch thì chẳng ai sang nhượng mà không lấy phí sang nhượng cả", anh Vinh nói và cho biết, chủ nhà đã đồng ý giảm 3 tháng tiền nhà cho khách thuê để kích cầu.

Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, rất nhiều nhà phố thương mại, đặc biệt là các nhà phố thương mại cho thuê các ngành hàng ăn uống, mở văn phòng dịch vụ vé máy bay, tour du lịch… tại nhiều dự án đã đóng cửa.

Người thuê đều tính việc trả mặt bằng, hoặc đàm phán với chủ nhà để giảm giá thuê. Các thông tin rao bán nhà phố với các thông điệp như "cắt lỗ", "bán gấp" cũng xuất hiện nhan nhản trên các trang mạng bất động sản.

Một khu đất có diện tích 90 m2, tại phường Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội), mặt tiền 6 m đang rao bán 3,15 tỉ đồng (khoảng 35 triệu đồng/ m2). Tuy nhiên, chủ nhà chấp nhận bán nhanh với mức giá 3 tỉ đồng.

"Với mức giá bán 3 tỉ đồng là bằng với thời điểm tôi mua vào cuối năm 2018. Như vậy, mua đi bán lại, tôi không lời được đồng nào. Biết là lỗ nhưng vẫn phải chấp nhận mức giá đó nếu muốn bán nhanh”, chủ nhân mảnh đất này nói.

Giá nhà thuộc phân khúc trung bình không tăng, nhưng không giảm

Dự báo trong quý II.2020, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Thị trường căn hộ tại các đô thị như Hà Nội và TPHCM vẫn tiếp tục có giao dịch, nhưng số lượng không nhiều, phần lớn chỉ diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân vì nhu cầu ở của người dân vẫn ở mức cao.

Nguồn cung mới từ các dự án bất động sản đủ điều kiện gia nhập thị trường chắc chắn cũng không có nhiều. Ở mỗi địa phương có thể có tổng số dự án mới chỉ đạt ở mức một con số. Hàng hóa chào bán trên thị trường chủ yếu là hàng tồn từ trước.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời gian tới, giá nhà ở phân khúc trung cấp và bình dân không tăng vì lực cầu giai đoạn này vẫn yếu, nhưng cũng không giảm vì lượng hàng tồn không nhiều.

Giá căn hộ phân khúc cao cấp có thể giảm do lực bán chậm cả từ giai đoạn trước và sau thời điểm dịch bệnh. Bên cạnh đó, áp lực vốn cho các dự án cũng có thể là nguyên nhân buộc chủ đầu tư phải giảm giá.

Theo Cường Ngô/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load