(Xây dựng) - Đoàn công tác số 11 do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức ra thăm quân dân quân quần đảo Trường Sa từ ngày 6 - 16/5/2017. Hành trình 10 ngày trên biển đã để lại nhiều trải nghiệm, cảm xúc sâu lắng trong mỗi thành viên khi hoàn thành chương trình đi thăm động viên quân và dân trên các đảo và Nhà giàn DK1/7.
Chuẩn đô đốc Đoàn Văn Chiều, Phó chủ nhiệm chính trị Hải quân làm trưởng đoàn cùng 208 thành viên thuộc các đơn vị: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân, Kho bạc Nhà nước, UBND tỉnh Kon Tum, Huyện ủy Mỹ Lộc (Nam Định), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn và các phóng viên báo chí Trung ương và địa phương. Hành trình 10 ngày trên biển đã để lại nhiều trải nghiệm, cảm xúc sâu lắng trong mỗi thành viên khi hoàn thành chương trình đi thăm động viên quân và dân trên các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Sinh Tồn, Len Đao, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Lát, Trường Sa và Nhà giàn DK1/7.
Các phóng viên báo chí tác nghiệp trên biển trong chuyến công tác.
Khó có thể nói hết được cảm xúc, tình cảm và sự tri ân đối với những hy sinh thầm lặng vượt qua khó khăn của thời tiết và thiếu thốn về vật chất của chiến sĩ nơi đảo xa, song điều mà chúng tôi ghi nhận được là vượt qua tất cả, các anh vẫn vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, vẫn kiên trung một lòng giữ đảo, giữ từng tấc đất biển, đảo quê hương.
Phút giây thiêng liêng giữa biển khơi
Trước khi tàu KN 491 rời cảng, đoàn công tác đã làm lễ dâng hương, hoa tưởng niệm các liệt sĩ Đoàn tàu không số năm xưa - đơn vị đã làm nên con đường huyền thoại lịch sử Hồ Chí Minh trên biển, đồng thời tưởng niệm những liệt sĩ thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân đã không tiếc xương máu hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trong không khí linh thiêng của buổi sáng mai, mọi người đều xúc động tưởng nhớ 121 cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn đã hy sinh anh dũng để bảo vệ tự do độc lập, cho hòa bình và sự phồn vinh của nước Việt thân yêu. Kính cẩn nghiêng mình, mọi người cầu mong các anh yên giấc ngàn thu phù hộ cho các thành viên trong đoàn công tác số 11 hải lộ bình yên.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đoàn tàu không số trước khi tàu rời cảng Cát Lái.
Sau 3 hồi còi tàu hú vang chào đất liền và hành trình hơn hai ngày lênh đênh trên biển khơi, con tàu KN - 491 đã dừng tại điểm đảo đầu tiên Song Tử Tây. Tại đây, đoàn công tác đã rời tàu bằng ca nô lên đảo trong sự chào đón thân thương, trìu mến của các chiến sĩ và các hộ dân. Ngay khi đặt chân lên đảo, cả đoàn tham dự cùng lực lượng Hải quân làm lễ chào cờ. Hòa trong tiếng gió và sóng biển, bài Tiến quân ca vang lên, vang vọng trầm hùng khiến mọi người trong đoàn đều trào dâng niềm tự hào về Tổ quốc thiêng liêng. Mọi người thành kính dâng hương trước Tượng đài Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn để tưởng nhớ vị Anh hùng dân tộc đã có công đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc, giữ yên bờ cõi đất Việt.
Lễ chào cờ và diễu binh tại đảo Song Tử Tây.
Trước khi vào đảo Len Đao, để tưởng nhớ những chiến sĩ đã thành hồn biển khơi… ngay trên boong tàu đoàn công tác đã tổ chức lễ thả hương hoa trên biển. Đây là một nghĩa cử thiêng liêng của những người trên đảo tưởng niệm những người đã hy sinh tại vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma.
Trong hương khói giữ trùng khơi và biển trời mênh mông vô tận của buổi sáng sớm khi bình minh vừa thức dậy, mọi người thành kính nghiêm trang phút tưởng niệm bắt đầu thì cơn mưa nặng hạt bất chợt đổ xuống. Chuẩn đô đốc Đoàn Văn Chiều giọng nghẹn ngào đọc điếu văn tưởng niệm hương hồn anh linh 64 cán bộ, chiến sĩ - những người đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền giữ vững bình yên tiền tiêu biển đảo. Trong giây phút thiêng liêng và xúc động giữa sóng gió biển khơi, nhiều người đã bật nên tiếng nấc… khi Chuẩn đô đốc nhắc đến tấm gương anh dũng hy sinh của Anh hùng Đại úy thuyền trưởng tàu HQ - 604 Vũ Phi Trừ và Thiếu úy Trần Văn Phương – Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma: trước sự tấn công của kẻ thù, đã quấn lá cờ tổ quốc quanh mình và động viên đồng đội với câu nói đầy khí phách trong cuộc chiến giữ đảo ngày 14/3/1988: “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân”.
Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ đảo Gạc Ma.
Gương hy sinh của 64 chiến sĩ hải quân đã trở thành tượng đài bất tử trong lòng mỗi người dân Việt Nam, các anh mãi mãi nằm đây hòa vào biển đảo quê hương. Trong không khí trang nghiêm và xúc động, toàn thể thành viên đoàn công tác cùng hướng mắt về phía biển - nơi các anh đã anh dũng hy sinh. Những nén hương thơm và những bông hoa được thả xuống biển đã nói thay lời tri ân nhờ dòng hải lưu gửi tới hương hồn các liệt sĩ hy sinh vì nền độc lập của dân tộc. Hơn lúc nào hết, câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khắc cốt ghi sâu trong mỗi trái tim chiến sĩ Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió
Các đảo Đá Tây, Len Đao, Đá Lát trước đây là các bãi san hô ngập dưới mặt nước. Trong quá trình bồi đắp tự nhiên và sự cải tạo của thế hệ cán bộ chiến sĩ đã dựng xây nên những dãy nhà kiên cố. Ở nơi đây không có cỏ cây, hoa lá, chỉ có nắng và gió biển với các căn nhà chòi dựng đứng chênh vênh trên mặt nước. Có đến nơi đây mới cảm nhận được sự gian khổ, thiếu thốn, nhất là thiếu rau xanh và nước ngọt nhưng các chiến sĩ nơi đây vẫn vững vàng trong gian khó, ngày đêm canh giữ biển trời.
Báo Xây dựng - món quà ý nghĩa, cầu nối giữa đất liền và biển đảo.
Đại úy Phan Văn Bình, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát cho biết: ngoài thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền và vận động ngư dân bám biển, khai thác hải sản tại khu vực quần đảo, cán bộ chiến sĩ đảo Đá Lát xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữ quân và dân. Năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, đã khám và cấp phát thuốc điều trị cho 211 lượt ngư dân, sơ cứu ban đầu và chuyển sang bệnh xá Trường Sa một ngư dân, cứu hộ một tàu cá bị nạn, bảo đảm an toàn về người. Mặc dù đời sống trên đảo dẫu còn nhiều khó khăn, được biết mỗi chiến sĩ chỉ được dùng 10 lít nước ngọt trong ngày cho sinh hoạt cá nhân nhưng đảo đã sử dụng tiết kiệm hỗ trợ 300 lít nước ngọt, 25 kg gạo, 65 kg rau quả hộp cho ngư dân.
Đảo Trường Sa nằm cách đất liền hơn 250 hải lý, là thủ phủ của huyện Trường Sa hiện nay, từ biển nhìn vào màu xanh của cây lá bao trùm lên đảo như một bức tranh đẹp. Đến với Trường Sa mới thấy hết được sức sống mãnh liệt của loài cây: Phong ba, bão táp, bàng vuông, cây nhàu, mù u cổ thụ và những chậu rau xanh bên cửa sổ. Mỗi một cây xanh được các chiến sĩ che chắn bằng những thiết bị tự chế để chắn nắng và hơi nước biển mặn.
Ngoài công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, công việc trồng rau xanh trên đảo để cải thiện bữa ăn được coi là một trong những tiêu chí thi đua của chiến sĩ. Trồng rau ở đảo giữa mênh mông trùng dương trong điều kiện nước ngọt khan hiếm mà vẫn có màu xanh rau trên đảo đúng là việc làm phi thường của lính đảo. Các anh đã tận dụng từng khoảng trống, chắt chiu từng giọt nước dành thời gian trồng rau, nuôi gia cầm, gia súc , đánh bắt hải sản cá tôm để nâng cao đời sống.
Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến sĩ tích cực trồng rau xanh cải thiện đời sống.
Tại nơi dừng chân đảo Trường Sa này, đoàn công tác đã có thời gian dừng lại lâu hơn để làm lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Đài liệt sĩ, dâng hương đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm chùa Trường Sa và thắp hương trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chùa và đến thăm hỏi động viên các hộ dân cùng anh em chiến sĩ.
Đoàn công tác thắp hương tưởng niệm tại Đài liệt sĩ đảo Trường Sa.
Điểm đến cuối cùng của đoàn công tác là đến thăm Nhà giàn DK1 nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Giống như một tổ chim được đặt trên hệ thống chân cột chìm sâu dưới mặt nước biển, Nhà giàn DK1/7 là một trong những cột mốc để xác định chủ quyền biển đảo. Mặc dù ở gần đất liền hơn so với quần đảo Trường Sa nhưng các chiến sĩ nhà giàn hàng ngày phải đối diện với hiểm nguy từ sóng to, gió lớn. Từ khi canh giữ vùng biển trời nơi đây, có lần nhà giàn bị gió bão và sóng biển xô xuống biển, đã có những tấm gương chiến sĩ anh dũng hy sinh. Với ý chí và lòng quyết tâm của toàn dân tộc và đặc biệt của các chiến sĩ nơi đây, nhà giàn vẫn được duy trì giữ vững cho đến ngày nay đã khẳng định được chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của đất nước.
Tàu KN - 491 đưa đoàn công tác số 11 đến thăm các chiến sĩ Nhà giàn DK1.
Những tấm lòng tri ân
Đến thăm Đảo Sơn Ca, Phó trưởng đoàn công tác Phạm Ngọc Linh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Ban Tuyên giáo Trung ương, sau khi động viên cán bộ, chiến sĩ, đã bày tỏ niềm tin tưởng và sự tự hào về những cống hiến hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Đồng chí Phạm Ngọc Linh nêu rõ: “Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của biển đảo để xây dựng đất nước; trực tiếp chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển đảo, góp phần chuyển biến ý thức và hành động của cán bộ và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; quan tâm thực hiện chính sách quân đội và hậu phương quân đội, tích cực ủng hộ, động viên cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo…”.
Vận chuyển cây xanh và quà từ tàu xuống ca nô đưa vào đảo Sơn Ca.
Trong hành trình đến thăm các đảo, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước, Ban Tuyên Trung ương, Bộ Tư lệnh Hải quân, UNND tỉnh Kon Tum đã trao tặng cán bộ chiến sĩ và nhân dân nhiều lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cũng như nhiều món quà ý nghĩa khác. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước đã tặng món quà của ngành Kho bạc cho Đảo Trường sa 3,5 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa; UBND tỉnh Kon Tum đã tặng 450 triệu đồng cho chiến sĩ và nhân dân đảo Trường sa. Tham gia Đoàn công tác, nhà báo Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây trao tặng thùng khăn lụa Hà Đông cho Hội phụ nữ và 20 triệu đồng cho quỹ khuyến học Trường tiểu học ở đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa.
Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng chuyển quà vào quỹ khuyến học của cán bộ, phóng viên Báo Xây dựng cho Hội Phụ nữ và Trường tiểu học trên đảo Sinh Tồn.
Tại tất cả các điểm dừng chân, các ca sĩ Đoàn văn công tỉnh KonTum đã mang đến những lời ca, tiếng hát gửi tặng chiến sĩ Hải quân món quà tinh thần vô cùng quý báu, động viên tinh thần, tiếp lửa cho những chiến sĩ ngày đêm bám biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đoàn văn công tỉnh Kon Tum giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ Nhà giàn DK1.
Trong sổ vàng lưu niệm tại Nhà giàn DK1/7, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ghi: “Cán bộ ngành Kho bạc bày tỏ lòng khâm phục và tri ân đối với toàn thể cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời tại Nhà giàn DK1/7. Chúc các đồng chí luôn dồi dào sức khỏe, bình an và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào công cuộc bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng”.
Đứng ở cầu cảng Trường Sa nhìn những hàng cây xanh ngút ngát nơi đây, chúng tôi thêm yêu quần đảo Trường Sa, thêm tự hào yêu quý mảnh đất thiêng liêng của tổ quốc mình, bởi các chiến sĩ và nhân dân đã và đang sống, chiến đấu nơi đầu sóng ngọn gió vì sự bình yên và giàu đẹp của đất nước. Phút chia tay bịn rịn và lưu luyến, những cái ôm, cái bắt tay siết chặt hẹn ngày gặp lại Trường Sa. Các chiến sĩ và nhân dân đưa đoàn ra tận cầu cảng, họ xếp thành hàng dài vẫy tay thật lâu chào tạm biệt đoàn trước khi tiếng còi tàu hú vang rời bến. Trường Sa ơi… Không xa, Trường Sa ơi!
Bài và ảnh: Khánh Hưng
Theo