- Xót xa “mười năm trồng cây, một ngày đốn hạ”
- Chặt hạ cây xanh ở Hà Nội: Cần lắng nghe ý kiến của chuyên gia và người dân
- Chặt 6.700 cây xanh: Hà Nội có thể sẽ lâm vào cảnh ô nhiễm nặng
Cây xanh được thay thế mất 2-3 năm mới tạo được tán mát rộng 1,5-2 m. Trong thời gian đó, 190 tuyến phố của Hà Nội sẽ không có bóng mát.
Theo đồ án Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ Hà Nội đến năm 2030 do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, thành phố sẽ chặt hạ, thay thế 6.700 cây với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách thành phố và xã hội hóa.
Việc thay thế cây trên 190 tuyến phố được Sở Xây dựng lý giải là do cây không đúng chủng loại và mất an toàn, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Những cây thay thế, khi phát triển sẽ cao 6 - 8 mét, đường kính thân tối thiểu 10 cm. Chi phí cho mỗi cây này khoảng 10 triệu đồng.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng xác nhận, tỷ lệ cây xanh đô thị ở thủ đô còn thấp, có chỗ không có hoặc dưới 50 cây mỗi km2.
Hàng loạt cây xanh trên phố Nguyễn Chí Thanh đang bị chặt hạ, thay thế. Ảnh chụp chiều 19/3: Lê Hiếu.
TS Đặng Văn Đông, Bộ môn Hoa và Cây, ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhận định, các cây xanh được thay thế phải mất 2 - 3 năm mới tạo được tán mát rộng 1,5-2 mét. Như vậy, trong những năm tới, trên 190 tuyến phố của Hà Nội sẽ không có bóng mát.
Theo ông Đông, việc Hà Nội chọn trồng cây cao 6-8 mét có thể tạo bóng mát sớm. Tuy nhiên, khi trồng lại cây trưởng thành, rễ phải tái sinh nên khả năng bám đất kém hơn cây non. Đây có thể là nguyên nhân khiến cây dễ gãy đổ vào mùa mưa bão.
Trong khi đó, TS. KTS Phó Đức Tùng đặt vấn đề, mỗi cây lớn cần hàng trăm mét khối đất tự nhiên để phát triển khỏe mạnh nhưng hiện đường phố Hà Nội chật hẹp, đất bị nén chặt, đầy các loại ống nên thiếu không gian cho bộ rễ và cành lá.
"Ở các đô thị phát triển trên thế giới, người ta phải làm riêng hệ thống đường ống cho rễ cây phát triển để không ảnh hưởng hạ tầng. Giá thể trồng cây đô thị cũng đặc biệt, có khả năng chịu nén, và công suất cung cấp dưỡng khí, dưỡng chất gấp hàng trăm lần đất thường. Vì thế, chỉ cần vài mét khối là đủ cho một cây, nhưng họ cũng chỉ dám trồng cây tầm trung", ông Tùng nói.
Chuyên gia này lo ngại, cây xanh là nơi trú ẩn của nhiều loại sinh vật khác, nhưng khi nơi ở này mất đi, nguy cơ bùng phát côn trùng và sâu bệnh tại những khu dân cư là khó tránh khỏi.
Ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định, việc Hà Nội chặt gần 7.000 cây xanh không để kiếm chác hay có nhóm lợi ích mà dựa trên cơ sở cái gì có lợi cho dân thì làm. Về cơ sở pháp lý của việc thay thế cây xanh tại Hà Nội, ông Thảo cho biết, việc thay thế cây xanh đã được HĐND thành phố thông qua trên cơ sở quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh. Trong đó, cây thay thế chủ yếu là những cây sâu mục, già cỗi, cong nghiêng, không đảm bảo giao thông, có thể gây tai nạn chết người. Chủ tịch Hà Nội cũng phê bình các đơn vị triển khai vì thông tin kém, không rõ ràng, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ dẫn đến việc người dân không hiểu hết vấn đề. |
Theo Zing.vn
Theo