Thứ bảy 20/04/2024 18:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Gạch ốp lát Ấn Độ đổ bộ, doanh nghiệp Việt âu lo

09:51 | 09/05/2023

Ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng do hàng Ấn Độ chất lượng không ổn định, giá rẻ tràn vào. Nỗi lo thị trường rơi vào tay những nhà nhập khẩu từ Ấn Độ lớn hơn bao giờ hết, đẩy nhiều DN nội vào thế khó.

Hàng Ấn Độ tràn vào

Từ năm 2022 đến nay, ông Nguyễn Ngọc Hùng, điều hành hệ thống cửa hàng vật liệu xây dựng ở Xuân Thành, Thanh Hóa, mệt mỏi vì phải nhận nhiều lời quảng cáo về gạch ốp lát Ấn Độ.

“Từ cuối 2022 đến nay tôi phải để chế độ spam hết những lời quảng cáo này vì quá nhiễu thông tin và mệt mỏi”, ông Hùng nói với PV. VietNamNet.

Theo ông Hùng, trước đây gạch Ấn Độ chỉ được bán ở một số showroom lớn, các thành phố lớn thì đến nay đã xâm nhập vào tận các showroom nhỏ lẻ ở tuyến huyện.

Gạch ốp lát Ấn Độ đổ bộ, doanh nghiệp Việt âu lo
Gạch ốp lát Ấn Độ gia tăng hiện diện ở Việt Nam

“Trước đây, chỉ đơn vị lớn mới nhập khẩu gạch Ấn Độ. Nhưng sau Covid-19, một số DN chỉ làm công tác xuất nhập khẩu cũng đi tìm kiếm khách hàng. Tôi liên tục được nhận các cú điện thoại, quảng cáo trên facebook, Internet, thậm chí họ tiếp cận trực tiếp để chào mời cơ hội hợp tác, sản phẩm dịch vụ nhập khẩu của họ. Nếu đồng ý, tôi chỉ việc chọn mẫu, nhà máy, giá cả,... còn lại các thủ tục khác họ làm hết. Việc nhập khẩu gạch quá thuận lợi”, ông Hùng giãi bày và cho rằng đó là lý do khiến gạch Ấn Độ tăng trưởng mạnh trong 2 năm qua.

Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về vật liệu xây dựng ở Yên Bái cũng cho hay: "Một số đơn vị mời nhưng tôi vẫn phân vân nên chưa đồng ý nhập. Giá chào của họ cũng cao hơn hàng trong nước".

“Cùng kích thước 60x60 hoặc 80x80, giá gạch trong nước lần lượt là 130.000 đồng/m và 150.000-170.000 đồng/m. Còn hàng Ấn Độ thì họ chào giá hơn 200.000 đồng/m”, vị này cho biết.

Qua những lần tiếp xúc với những lời mời chào, ông Nguyễn Ngọc Hùng thấy rằng hàng Ấn Độ đang “loạn giá” ở Việt Nam.

“Khách hàng cũng thấy bất an về giá. Cùng một kích thước, màu sắc về xương, men nhưng nhiều đơn vị bán giá khác nhau. Ví dụ gạch 1,2mx1,2m men bóng, sơn granite, có đơn vị bán lẻ ra là 350 nghìn, nhưng có đơn vị bán 450 nghìn, có đơn vị bán 550 nghìn, có đơn vị bán 650-750 nghìn. Đánh giá bằng mắt thường thì cơ bản giống nhau, tất nhiên giá khác nhau thì phải phân tích chất lượng men, bề mặt, thương hiệu, làm giá thành khác nhau. Nhưng người tiêu dùng không thể phân biệt được, không biết chọn thế nào cho đúng”, ông Hùng bộc bạch và cho rằng hàng Ấn Độ đang đánh vào tâm lý “sính ngoại” của một bộ phận khách hàng.

Người dùng cũng lạc vào “ma trận” gạch Ấn Độ khi không thể biết sản phẩm thuộc hàng thấp cấp, trung cấp hay cao cấp. Đó là những thông tin rất khó kiểm chứng.

“Phần lớn khách hàng chỉ có thể tiếp nhận thông tin từ người bán hàng, nên rủi ro rất nhiều”, ông Hùng khuyến cáo. Trong khi với hàng trong nước, ông sẵn sàng đưa khách lên tận nhà máy để tham quan, kiểm chứng sản phẩm.

Nhiều chủ cửa hàng nhận định: Chất lượng gạch Ấn Độ không đồng đều. Các cửa hàng nhỏ lẻ tự nhập khẩu qua các hãng logistics nên chất lượng dở khóc, dở cười mà không tìm được người giải quyết.

Nỗi lo mất thị trường trong nước

Ông Trần Tuấn Đại, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Á Mỹ (AMY GRUPO), thừa nhận với PV. VietNamNet rằng ông đang cảm nhận được sức ép rất lớn từ gạch ốp lát Ấn Độ.

“Mọi nơi, mọi ngõ ngách đều có hàng Ấn Độ. Họ cử người đi bán rong, mời chào từng cửa hàng. Ngày xưa nói giá hàng Trung Quốc đã sợ rồi, nay hàng Ấn Độ nhiều chủng loại còn rẻ hơn”, ông lo ngại.

“Năm ngoái gạch ốp lát Ấn Độ nhập vào Việt Nam tăng 240%, dự kiến năm nay tăng vài lần”, ông Đại ước tính.

Gạch ốp lát Ấn Độ đổ bộ, doanh nghiệp Việt âu lo
Ngành gạch ốp lát Việt Nam đã có chỗ đứng thứ 4 thế giới.

Giải thích nguyên nhân hàng Ấn Độ vươn lên, ông Đại nói: Trước đây hàng Trung Quốc chiếm 50% thị phần toàn cầu. Nhưng khi gặp rào cản thương mại từ châu Âu, Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông,... thì thị phần giảm còn 25%. Nắm được thời cơ này, Ấn Độ gia tăng đầu tư. Họ có khoảng 2.800 nhà máy gạch ốp lát, trong khi Việt Nam chỉ có hơn 80 nhà máy.

“Hàng Ấn Độ chất lượng không ổn định, nhưng với giá rẻ nên chiếm thị phần khắp các nước, tăng trưởng nhanh và sốc. Do đó, một loạt quốc gia đã tiến hành điều tra, thiết lập rào cản”, ông Đại kể.

Điển hình như 8 nước vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, UAE,... đã áp thuế phòng vệ thương mại với hàng Ấn Độ. Châu Âu cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá gạch ốp lát Ấn Độ, dự kiến sẽ áp thuế trong năm 2023. Indonesia áp thuế phòng vệ thương mại với gạch ốp lát các nước, trong đó có Ấn Độ, để bảo vệ ngành gốm sứ.

“Chúng tôi đánh giá việc hàng Ấn Độ vào Việt Nam có một số dấu hiệu cạnh tranh không công bằng. Ở Ấn Độ, có nhiều nhà máy nhỏ, manh mún, công nghệ trung bình, số ít công nghệ cao, dựa vào nhân công lao động rẻ, điều kiện về an toàn môi trường lỏng lẻo nên sản phẩm có giá thành thấp. Trong khi DN trong nước phải đầu tư mạnh để đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam cũng như thế giới, nên giá thành không thấp được như vậy”, lãnh đạo AMY GRUPO chia sẻ

Việc thuế nhập khẩu gạch ốp lát Ấn Độ, theo Hiệp định ASEAN - Ấn Độ chỉ là 5% cũng là lý do khiến hàng Ấn Độ có giá cạnh tranh tràn vào Việt Nam.

“Ngành xây dựng đang khó khăn nên tổng cầu từ năm 2022 đến nay bị tổn thương. Cộng với sự xâm lấn của hàng Ấn Độ, nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ chạy 50% công suất”, ông Đại lo lắng.

Nếu không có giải pháp ứng phó, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát lo ngại thị trường trong nước sẽ rơi vào Ấn Độ và Trung Quốc. Còn DN trong nước sẽ lâm cảnh thua lỗ, ngừng hoạt động. Ngành gạch ốp lát Việt Nam đang đứng thứ 4 thế giới, đây là một lợi thế để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc để một ngành có vị thế như vậy bị tổn thương sẽ rất đáng tiếc khi Việt Nam đang cần nhiều ngành nghề có chỗ đứng trên thế giới.

Trước tình hình gạch ốp lát Ấn Độ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng đột biến, ngày 7/4, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam đã triệu tập hội nghị với các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát lớn trong ngành để bàn biện pháp bảo vệ sản xuất và thị trường nội địa.

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội, cho biết: Các công ty của Ấn Độ đã sang chào hàng tận các đại lý vật liệu xây dựng với đa dạng chủng loại và kích thước sản phẩm có giá bán rất thấp, thậm chí chỉ bằng một nửa so với giá bán của gạch ốp lát Việt Nam cùng loại trên thị trường nội địa. Lượng nhập khẩu sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

“Các doanh nghiệp đều nhận định ngành sản xuất gạch ốp lát của Việt Nam sẽ bị đe dọa nghiêm trọng, không thể phát triển được nếu không khẩn trương tìm ra giải pháp ngăn chặn gạch nhập khẩu từ Ấn Độ”, lãnh đạo Hiệp hội cảnh báo.

Theo Lương Bằng/Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục
  • Thừa Thiên – Huế: Tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản

    (Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa có Công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng một số đối tượng lạ mặt xuất hiện tại các phiên đấu giá, có dấu hiệu bảo kê, đe dọa, can thiệp vào quá trình đấu giá…

  • Bắc Giang: Tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản

    (Xây dựng) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích vừa ký ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và triển khai các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

  • Cần Thơ: Tích cực tìm nguồn cát xây dựng các tuyến đường giao thông nhưng vẫn còn thiếu

    (Xây dựng) – Ngày 19/4, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức họp cơ quan báo, đài định kỳ quý I năm 2024. Tại họp báo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cát để xây dựng các tuyến đường giao thông.

  • Cao Bằng: Tăng cường hiệu quả quản lý khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Cao Bằng ban hành Văn bản số 591/UBND-CN về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường sau khi được cấp phép.

  • Đồng bằng sông Cửu Long: Tìm cát cho công trình

    (Xây dựng) – Từ ngày 15/4, nhà thầu thi công tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng vui mừng khi chứng kiến những chiếc sà lan chở cát đến công trình. “Hơn 10 tháng kể từ ngày khởi công, công trình nào cũng “đói” cát. Sợ chậm tiến độ, chúng tôi phải thi công cầu, dọn dẹp mặt bằng, bóc đất hữu cơ… chờ cát. Giờ cát có rồi nhưng không biết cầm chừng được bao lâu, bao giờ, dân công trình hết nỗi lo thiếu cát”, ông Nguyễn Tất Đạt - Chỉ huy trưởng gói thầu 11 (thuộc Tập đoàn Định An) đoạn qua địa phận thành phố Cần Thơ lo âu.

  • Vĩnh Phúc: Khan hiếm vật liệu san lấp, nhiều công trình lo chậm tiến độ

    (Xây dựng) - Tiến độ nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi nguồn đất san lấp ngày một khan hiếm. Đặc biệt là với các dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm cần khối lượng sử dụng lớn thì vấn đề đáp ứng nguồn đất san lấp mặt bằng ngày càng trở nên cấp thiết.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load