Giá điện năm 2012 lần đầu tiên có có cơ hội giảm 120 đồng/kW nếu EVN trung thực trong đăng ký phân bổ chi phí với các cơ quan quản lý.
Đáng tiếc điều này đã không xảy, hay nói đúng hơn là vì sự hồn nhiên “quên” đăng ký của EVN với các cơ quan chức năng ra nên giá điện vẫn mãi duy trì “chỉ tăng, không giảm”.
Thực tế, những lùm xùm về khoản lãi bất thường của EVN năm 2012 đã được nhắc đến và bàn luận khá nhiều tại phiên họp Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua.
Thời điểm đó, khi khoản lãi hơn 8.000 tỷ đồng của EVN “nhờ 2 lần tăng giá điện’ và “hưởng chênh lệch tỷ giá” được đưa ra, dư luận đã rất bất ngờ, nhưng còn mơ hồ chấp nhận đó là nhờ EVN “gặp may” do biến động tỷ giá và vì ‘tăng giá’ để bù lỗ.
Nhưng, sự thật không chỉ như vậy!
Ảnh minh họa
Báo cáo kiểm toán năm 2012 vừa được công bố sáng 25/7 chỉ rõ những sai phạm nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh của EVN, trong đó đáng chú ý là việc phân bổ doanh thu không đúng, việc cố tình “quên” đăng ký với các cơ quan quản lý phần phân bổ chênh lệch tỷ giá mà nhờ đó EVN đã lãi lớn.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2012, EVN lãi 8.814 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên sau một số năm EVN có lãi do thông qua 2 lần tăng giá điện.
Kết này đã bao gồm xử lý chênh lệch tỷ giá được kết chuyển vào kết quả kinh doanh năm 2012 là 10.535 tỷ đồng, lỗ những năm trước phân bổ vào năm 2012 là 10.482 tỷ đồng. Như vậy, 2 khoản phân bổ vào kết quả sản xuất kinh doanh của năm 2012 khoảng 21.000 tỷ đồng gồm phân bổ chênh lệch tỷ giá và phân bổ lỗ.
“Khoản chênh lệch này tính đến 31/12/2011 là trên 26.000 tỷ đồng, đã được Thủ tướng cho phép bù vào giá điện trong các năm 2012–2015, trung bình mỗi năm 6.600 tỷ đồng”, ông Nguyễn Hồng Long, Kiểm toán trưởng KTNN Chuyên ngành 6 thông tin.
Số tiền chênh lệch tỷ giá cũng được ông Long giải thích là do trong 10 năm qua, các đơn vị thuộc EVN đã phải đi vay ngoại tệ để sản xuất, từ thời điểm 1 USD bằng 13.000 đồng nhưng nay đã lên trên 21.000 đồng.
Ông Long còn cho biết, dù khoản tiền trên 26.000 tỷ này không quy định rõ mỗi năm phải phân bổ vào giá điện cụ thể bao nhiêu, nhưng khi xây dựng giá điện hàng năm EVN phải có tính toán để đưa vào.
“Trên thực tế EVN đã đăng ký đầu năm một đường nhưng cuối năm lại ra một kết quả khác. Ví dụ năm 2012 đăng ký 9%, song cuối năm lãi lớn nên tập đoàn đã bổ sung lên 30%. Việc phân bổ như vậy là thiếu nhất quán và EVN đã không đăng ký với các cơ quan chức năng”, đại diện Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
“Thiếu nhất quán” hay “quên đăng ký” thực chất là các chiêu trò của ông lớn EVN nhằm thu về lợi nhuận cho tập đoàn mình. Sự phân bổ không hợp lý này đã giúp EVN có lãi, trong khi nhờ “quên” đăng ký với cơ quan quản lý đã giúp ngành điện không cần giảm giá thành dù có cơ hội.
Thực tế, chính đại diện kiểm toán Nhà nước đã phân tích “nếu không tính toán chi phí phát sinh thì giá thành điện năm 2012 đã giảm 12.660 tỷ đồng, tương đương giá thành giảm đi 120 đồng/kWh”.
Cơ hội giảm giá điện hiếm hoi đã bị bỏ qua, trong khi những sai phạm của EVN đã được chỉ ra rõ ràng. Đáng tiếc, trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước không có phần kiến nghị xử lý những sai phạm của tập đoàn này.
Sai phạm của EVN đã được chỉ rõ, nhưng việc xử lý những sai phạm kiểu này gần như chưa từng có tiền lệ. Sự minh bạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tính toán giá thành của EVN vẫn luôn là điều xa xỉ. Người dân lại thấp thỏm chờ một cơn tăng giá mới của ngành điện, bởi điều đó hoàn toàn có thể xảy ra với lý do “tăng giá để bù lỗ cho EVN”.
Đáng chú ý, hiện chi phí đầu vào của EVN còn đang được nhà nước trợ giá, EVN vẫn luôn lỗ và đòi tăng giá. Vậy khi không còn được hưởng chính sách này, giá than tăng theo giá thị trường, EVN sẽ còn lỗ lớn hơn và “giá điện sẽ còn tăng mạnh hơn trong thời gian tới”.
Theo Lan Uyên/vtc.vn
Theo