'Việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ cao, như CPTPP và EVFTA sẽ tăng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với các đối tác trong các hiệp định thương mại.'
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Synopex Việt Nam, tại Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Với một nền kinh tế quy mô nhỏ như Việt Nam, việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết sẽ có tính thúc đẩy quan trọng đến quá trình hội nhập và phát triển của đất nước, từ đó tạo ra điểm đến đầu tư hấp dẫn, cạnh tranh trong khu vực và mở ra cơ hội lớn trong thu hút vốn ngoại vào Việt Nam.
Đi được nửa chặng đường của 2019, báo cáo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) đăng ký và góp vốn mua cổ phần đạt 18,47 tỷ USD, bằng 90,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các dự án đầu tư trực tiếp giải ngân là 9,1 tỷ USD và tăng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp cận thị trường
Về điều này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng chỉ ra, sau những thành công của năm 2018, kinh tế Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh với tốc độ tăng GDP trên 7%, là sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những con số ấn tượng được biết đến với mức kỷ lục trên 131.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1,4 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng trưởng rất mạnh trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu có nhiều biến động, đạt mức 36,3 tỷ USD vốn đăng ký và 19,1 tỷ USD vốn thực hiện, đây là mức cao nhất trong 10 năm qua.
Tuy nhiên sang năm 2019, tình hình kinh tế trong và ngoài nước có nhiều diễn biến phức tạp với những khó khăn, thách thức đan xen. Cụ thể, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng chậm, thêm vào đó những mối xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục gia tăng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cộng thêm những thách thức từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng khắc nghiệt.
Bối cảnh đó đã tạo ra những yếu tố khách quan đồng thời tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong nửa đầu của năm.
Cụ thể về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng, tổng số vốn đăng ký cấp mới, tăng vốn đạt 10,35 tỷ USD và giảm 36,3% so với cùng kỳ, song tổng vốn thực hiện 6 tháng là 9,1 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, cả nước có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị 8,12 tỷ USD và tăng đến 98,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Khi đánh giá về môi trường đầu tư, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tin tưởng và chỉ ra những lợi thế của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI: “Yếu tố chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không phải là quan trọng nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bởi trên thế giới đang hình thành các xu hướng ‘Thái Lan +1, Trung Quốc +1,’ có nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài cần mở rộng thêm một cơ sở đầu tư bên ngoài Thái Lan, Trung Quốc nhằm đa dạng hóa thêm cơ sở đầu tư và tránh những rủi ro về chuỗi giá trị. Và tất nhiên, chiến tranh thương mại sẽ là yếu tố để họ đẩy nhanh hơn quá trình này. Thêm vào đó, Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ cao (như CPTPP và EVFTA) sẽ tăng cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với các đối tác trong các hiệp định thương mại.”
Một yếu tố tích cực khác đã được ông Dương đề cập, so với các nước trong khu vực, Việt Nam mặc dù không phải là môi trường cạnh tranh nhất nhưng môi trường cạnh tranh đang được cải thiện nhanh nhất, do đó khi nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam lợi thế trong tương lai sẽ gia tăng nhanh. Về yếu tố quản lý pháp luật, Việt Nam hiện đang đứng thứ tư trong khu vực, ngang hàng với Thái Lan và chỉ sau Singapore, Malaysia, do Chính phủ Việt Nam có sự cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với môi trường chính trị ổn định.
Cơ hội từ EVFTA có dễ dàng trở thành hiện thực?
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EVFTA được ký kết mở ra cơ hội trong phát triển kinh tế của Việt Nam trong dài hạn.
Theo tính toán từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng khoảng 20% vào năm 2020 và thậm chí là tăng 42,7% (năm 2025) và 44,37% (năm 2030) đồng thời góp phần tăng GDP từ 2,18% - 3,25% ( giai đoạn 2019-2023) và tăng 7,07% - 7,72% ( giai đoạn 2029-2033).
Hoàn toàn đồng tình với những con số trên, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lý giải, Việt Nam có quan hệ thương mại lớn với EU nên khi EVFTA ký kết thành công sẽ tạo điều kiện cho các ngành xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam (như dệt may, da giày, thủy sản) hưởng lợi lớn. Thêm vào đó, các ngành khác trước đây vốn được bảo hộ mạnh thì nay sẽ mở cửa và tạo sức bật mới cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
“Đối với kinh tế Việt Nam, xuất khẩu hiện đóng góp tỷ lệ lớn vào trong GDP, do đó khi EVFTA giúp đẩy mạnh xuất khẩu sẽ đồng thời đóng góp vào tăng GDP,” bà Trang nói.
Tuy nhiên để hiện thực hóa những cơ hội này, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI là không phải dễ.
Ông Lộc quan ngại, với tốc độ ký kết song phương và đa phương như hiện nay, độ mở của nền kinh tế là rất cao trong khi năng lực hội nhập Việt Nam còn thấp. Và dẫn chứng, chỉ số năng lực cạnh tranh do Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng, Việt Nam đang đứng thứ 77/ 140 nền kinh tế thế giới, do đó nếu muốn hiện thực hóa những cơ hội từ EVFTA mang lại cần một quá trình với nhiều nỗ lực cả từ hai phía các nhà quản lý và hệ thống doanh nghiệp.
Xưởng hàn khung xe ôtô tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ford Việt Nam, tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Thay đổi cục diện
“Bối cảnh thương mại quốc tế liên tục thay đổi và môi trường kinh doanh có nhiều biến động và thách thức, nhưng thách thức mang tính toàn cầu này cũng đồng nghĩa với cơ hội,” và ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia cấp cao, Việt Nam, Lào, Campuchia - Tổ chức Tài Chính Quốc tế (IFC) Hiệp định tự do thương mại này sẽ làm thay đổi cục diện, không chỉ góp phần tăng tính ổn định và các lợi ích từ việc tăng trưởng thương mại quốc tế, mà nó còn thúc đẩy những cải tổ để phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả trong và ngoài nước, qua đó tăng năng suất lao động giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế hiện đại, số hóa và có thu nhập cao.
Về vấn đề thu hút nguồn vốn FDI, theo ông Kelhofer, Việt Nam cần chuẩn bị một lực lượng lao động trình độ cao phân bổ nguồn lực hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực, từ cơ sở hạ tầng đến tài chính để phục vụ nền kinh tế số hóa và tăng hiệu quả hoạt động của các khu vực kinh tế mũi nhọn đáp ứng vai trò thúc đẩy phát triển.
Song để làm được những điều này, môi trường kinh doanh tại các địa phương sẽ phải tăng cường để tạo ra các cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong nước có thể gia nhập các chuỗi giá trị toàn cầu với giá trị FDI đang ngày càng tăng.
Nhìn thẳng vào vấn đề, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức từ nội tại và chưa thể giải quyết triệt để trong ngắn hạn, do đó chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm, thiếu bền vững đồng thời năng suất lao động, năng lực cạnh tranh thấp khiến cho khu vực kinh tế trong nước chưa tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất toàn cầu.
“Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP và EVFTA là áp lực lớn đối với yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng, hiệu quả sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam,” ông nói.
Để khắc phục những tồn tại này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, quyết tâm cải cách của Chính phủ với việc đổi mới toàn diện nền kinh tế theo hướng nâng cao năng lực nội tại và khả năng chống chịu của nền kinh tế, củng cố sự ổn định của kinh tế vĩ mô đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học và tận dụng hiệu quả cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)