Chủ nhật 19/01/2025 04:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Đồng Tháp:

Ép dân bán đất cho quan!

10:06 | 23/08/2012

Hai đời chủ của kho cám vẫn thuê gần 150m2 đất của bà Hồ Thị Thọ (1935) ở khóm Tân Hòa, P.An Hòa, TX Sa Đéc (Đồng Tháp) để làm lối đi. Nhưng từ năm 2008 đến nay, người chủ kế tiếp là ông Phạm Lê Thăng (hiện là Phó trưởng Công an TX Sa Đéc) và vợ là bà Mai Thị Hạnh không những không trả tiền thuê gần 150m2 đất này mà đã tìm mọi cách ép bà Thọ phải bán đứt lối đi cho mình. Việc ép dân bán đất cho "quan" đang gây bất bình trong dư luận ở Đồng Tháp.


Hiện trạng con đường tranh chấp.

Bà Hồ Thị Thọ được Chủ tịch UBND TX Sa Đéc cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 00812-QSDĐ-T2T/QĐ 402/QĐ-UB ngày 24/7/1993, gồm 3 thửa có tổng diện tích 3.037m2. Ngày 02/8/1994, bà Thọ chuyển nhượng 900m2 cho ông Võ Việt Quân. Nhận thấy địa thế lô đất cặp bờ sông rất thuận tiện cho việc buôn bán tấm cám, nhưng muốn ra đường lộ thì phải đi qua đất bà Thọ nên ông Quân thương thảo với bà Thọ để ký hợp đồng thuê lối đi ra lộ ĐT 825. Hợp đồng được 2 bên ký ngày 30/5/1996 với nội dung: Bà Thọ dành lối đi trên phần đất của mình (ngang 5m - dài 50m) cho ông Quân sử dụng chung trong thời gian 15 năm. Đổi lại, ông Quân có nghĩa vụ trả cho bà Thọ số tiền 10 triệu đ/năm, đồng thời hỗ trợ tiền thuế đất trên diện tích làm đường; khi đường bị hư hỏng phải sửa chữa, ông Quân sẽ đóng góp 50% chi phí; các con của bà Thọ (có 2 kho cám liền kề với kho cám của ông Quân) được sử dụng chung con đường này. Thời gian hợp đồng là 15 năm kể từ ngày ký đến ngày 30/5/2011, hết hạn hai bên sẽ tiếp tục thương lượng tiếp.

Năm 2003, ông Quân bán kho cám cho Cty Lương thực cấp I Sài Gòn và đơn vị này tiếp tục kế thừa hợp đồng cũ về việc thuê lối đi. Năm 2007, ông Phạm Lê Thăng và vợ là bà Mai Thị Hạnh mua lại kho cám này và tiếp tục sử dụng lối đi cũ nhưng không trả tiền thuê lối đi. Biết ông Thăng là cán bộ "cỡ bự" ở TX Sa Đéc, còn gia đình mình là "thứ dân" nên bà Thọ nhẫn nhịn chờ đến ngày kết thúc hợp đồng (30/5/2011) mới dám "nhắc nhở" gia đình ông Thăng. Lúc này ông Thăng đưa ra yêu cầu: Bà Thọ phải bán đứt con đường này cho ông. Bà Thọ kiên quyết phản đối vì 2 người con của bà hiện cũng đang sử dụng con đường này để vào kho cám kế cận, nếu bán cho ông Thăng thì "giết chết cuộc sống các con mình". Vậy là "cuộc chiến pháp lý" dành quyền làm chủ con đường diễn ra giữa một bên quyết không bán và "Tư Thăng này nói được là làm được, bà chờ xem ai thắng"!

Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.( Bộ luật Dân sự).

Đúng như ông Thăng tuyên bố, kết quả của hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, TAND TX Sa Đéc và TAND tỉnh Đồng Tháp đều tuyên buộc gia đình bà Thọ phải bán đứt con đường cho vợ chồng ông Thăng mà theo bà Thọ "giá chỉ 1,8 triệu đ/m2, trong khi giá thị trường trên 5 triệu đ/m2". Có lẽ điểm khác duy nhất giữa bản án sơ thẩm và phúc thẩm là, án sơ thẩm tuyên bà Thọ chỉ phải bán cho ông Thăng diện tích 134,8m2 (bề rộng lối đi 2m) thì án phúc thẩm nâng lên thành 148,25m2 (bề rộng 2,5m). Điều khiến nhiều chuyên gia pháp luật và các luật sư đặt ra qua 2 bản án đã tuyên là việc tòa án đã vận dụng Điều 275 Bộ luật Dân sự để giải quyết vụ án này thực sự đã phù hợp, đúng đắn và khách quan hay chưa? Tại các biên bản hòa giải, bà Thọ luôn có thiện chí dành cho ông Thăng lối đi hiện hữu nhưng phải trả một mức giá tương đương 2 đời chủ trước đã thực hiện. Như vậy, bà Thọ không hề cự tuyệt yêu cầu mở lối đi cho ông Thăng. Hơn thế, khi bị dồn vào thế đường cùng vì ông Thăng quyết phải mua bằng được lối đi này, bà Thọ đã xuống nước: "Đồng ý cho ông Thăng sử dụng bề ngang con đường 1,5m và không phải thuê"; đổi lại, vì cuộc sống của 2 người con của bà, con đường này phải được sử dụng chung. Thiết nghĩ điều đó là hợp tình, hợp lý và có thể chấp nhận được. Nhưng tiếc là 2 cấp tòa đã không xem xét thiện chí này. Thêm nữa, việc tòa xác định đây là án "tranh chấp lối đi sử dụng đất" đã thực sự chính xác chưa, khi mà đất của bà Thọ sử dụng hợp pháp và điều đó ông Thăng cũng thừa nhận? Vậy làm gì có chuyện tranh chấp quyền sử dụng đất lối đi như tòa xác định? Có chăng, đây chỉ là việc tranh chấp về việc có trả tiền hay không và trả bao nhiêu tiền là hợp lý mà thôi.

Nhưng có lẽ điều sâu xa nhất  của vụ việc - theo đơn tố cáo của bà Thọ gởi các cơ quan chức năng và báo chí - chính là, khi kho cám của ông Thăng trở thành một mảnh đất độc lập và diện tích được tăng thêm gần 150m2 thì với vị thế của mình, ông sẽ "quan hệ" với ngân hàng để thế chấp vay một số tiền lớn. "Màn kịch" tiếp theo sẽ là việc ngân hàng phát mãi lô đất để thu hồi vốn. Vậy là ý đồ chuyển lô đất cần bán với giá 600 triệu đồng từ nhiều năm nay nhưng không có người mua, sẽ được ngân hàng "mua giúp". Bà Thọ cho biết, "màn kịch" này đang có những động thái đầu tiên khi xuất hiện một số người của một ngân hàng đến "đo đo đếm đếm" hiện trạng lô đất trong mấy ngày gần đây.

Được biết, bà Thọ đã có đơn kêu cứu gởi các cơ quan bảo vệ pháp luật của địa phương và trung ương. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc khi có kết luận từ cơ quan chức năng.

Bình Giang

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load