Theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, tình hình triển khai thực hiện quy hoạch các khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh tại Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Khu xử lý Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội giai đoạn 1 có quy mô 83,4ha, tiếp nhận khoảng 3.000 - 3.500 tấn/ngày, chủ yếu là chất thải rắn sinh hoạt của TP Hà Nội. Ngoài ra còn tiếp nhận và xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại cho các địa phương trong vùng như Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc. Hiện nay trong khu xử lý chất thải Nam Sơn có thực hiện 2 lò đốt riêng biệt với chất thải y tế công suất 5 tấn/ngày và chất thải công nghiệp công suất 60 tấn/ngày.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đang tiếp tục công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng và mở rộng giai đoạn 2 với quy mô 146ha.
Khu xử lý chất thải rắn Sơn Dương, Hoành Bồ, Quảng Ninh quy mô 100ha xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải rắn nguy hại cho liên tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển vị trí khu xử lý sang địa điểm mới và đề nghị điều chỉnh quy hoạch khu xử lý chất thải rắn vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Khu liên hợp xử lý rác Tân Thành, Thủ Thừa, Long An quy mô 1.760ha hiện đang giao nhà đầu tư (Cty TNHH xử lý chất thải Việt Nam) triển khai lập quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư. Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, Củ Chi, TP.HCM: Hiện nay đang có 5 đơn vị xử lý chất thải rắn đang hoạt động. Do khu xử lý đang trong giai đoạn hoàn thành nên vẫn còn hiện tượng gây ô nhiễm môi trường (không khí, đất, nước thải…).
Khu liên hợp xử lý chất thải rắn này đã lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 và được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 5875/QĐ-UBND ngày 18/11/2005 với quy mô 822ha, trong đó quy hoạch 100ha để xử lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải rắn nguy hại cho vùng liên tỉnh.
Ngày 19/2/2013 UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô cho khu xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại khoảng 86ha (thay vì 100ha quy hoạch tại Quyết định số 1440/QĐ-TTg)
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Xây dựng nghiên cứu đề nghị của UBND TP.HCM. Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị báo cáo nội dung liên quan đến việc điều chỉnh.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL chưa tổ chức triển khai thực hiện.
Việc triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các khu liên hợp xử lý mang tính liên vùng này còn hạn chế vì chưa có cơ quan đầu mối chủ trì việc quản lý đầu tư xây dựng khu xử lý mang tính liên vùng (đây là một công việc mới). Chưa tổ chức lập quy hoạch xây dựng khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh để làm cơ sở lập dự án đầu tư. Thiếu các chính sách, cơ chế đầu tư hoặc cơ chế phối hợp giữa các địa phương trong phạm vi phục vụ của khu xử lý, cũng như các quy định có liên quan đến quản lý, vận hành sau đầu tư.
Báo Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ cho thành lập Ban Quản lý đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn mang tính liên vùng, trong đó có quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phù hợp giữa các địa phương trong vùng phục vụ của khu xử lý. Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư, tài chính và các quy định khác có liên quan trong việc xây dựng các khu xử lý chất thải rắn mang tính liên vùng. Bố trí kinh phí từ ngân sách để lập Quy hoạch xây dựng các khu xử lý vùng liên tỉnh làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng và kêu gọi đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn vùng liên tỉnh.
Thùy Anh
Theo baoxaydung.com.vn