Thứ tư 22/01/2025 08:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước

15:22 | 17/12/2011

Chiều 16/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, phiên họp thứ 4 của UBTV QH khóa XIII đã họp phiên bế mạc. Trước đó, UBTV QH đã cho ý kiến, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); thông qua chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2012 của các cơ quan của QH...

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được các đại biểu QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 của QH. Tại phiên họp hôm qua, ba vấn đề chính được các thành viên UBTV QH tập trung thảo luận là phạm vi điều chỉnh, quy hoạch và thẩm quyền lập, phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu và nhiều thành viên UBTV QH cùng yêu cầu cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự luật xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đó, nhất trí cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước phải bao hàm cả nước biển, để đảm bảo ý nghĩa chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, cần nghiên cứu làm rõ hơn về giới hạn vùng nước biển nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật, đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế về Luật biển và thống nhất với các Luật liên quan khác. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nói: "Luật Tài nguyên nước mà chỉ có đất liền, chỉ có một phần tư tài nguyên nước cần bảo vệ thì sẽ rất thiệt hại, gây thiệt hại rất lớn cho chúng ta sau này. Vì tài nguyên nước sau này theo tôi là tài nguyên nước trên biển. Điều này cũng phù hợp với chiến lược phát triển biển mà Ban chấp hành Trung ương đề ra.”

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Phan Xuân Dũng cho rằng, dự án Luật đã đề cập tới việc quản lý thượng lưu và hạ lưu. Tuy nhiên, theo ông Dũng thượng lưu nhiều con sông như sông Hồng, Mê Kông không nằm trong lãnh thổ Việt Nam, do đó dự án Luật cần bổ sung làm rõ việc quản lý nước trong lãnh thổ Việt Nam có liên quan tới các quốc gia khác và có thể bổ sung một điều riêng về hợp tác quốc tế. "Đây là luật gọi là nước. Ta tưởng chỉ ở trong nước ta nhưng thực ra nó có mối quan hệ vô cùng mật thiết với các nước xung quanh ta có cùng dòng sông, biển, nguồn nước. Do đó, hợp tác quốc tế có vai trò quan trọng. Đề nghị các dự án Luật có một điều riêng liên quan hợp tác quốc tế vì nội dung này rất quan trọng, ông Dũng nói.

Đồng quan điểm với Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung một số khái niệm pháp lý, quy định chi tiết hơn về hoạt động hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K'sor Phước nhận xét, dự thảo luật còn nhiều điều khoản, nội dung mang tính định hướng, chính sách. Vì vậy ban soạn thảo cần nghiên cứu chỉnh sửa lại theo hướng cụ thể và rõ ràng hơn. "Hiện nay nhiều nơi sử dụng tài nguyên nước rất lãng phí, gây ô nhiễm. Để bảo vệ nguồn tài nguyên nước, đề nghị dự thảo Luật ghi rõ các đối tượng gây ra ô nhiễm phải có trách nhiệm phục hồi nguồn nước do hành vi của mình gây ra và xử lý nghiêm khắc”, ông Ksor Phước đề nghị.

Kết luận phiên thảo luận dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của UBTV QH, báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của QH để điều chỉnh lại dự thảo luật. "Cơ quan soạn thảo cần tập trung nghiên cứu làm rõ hơn về phạm vi điều chỉnh của luật; bổ sung các điều luật liên quan đến hoạt động hợp tác quốc tế; quy định chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân, đơn vị tham gia quản lý, sử dụng và khai thác nguồn nước; đồng thời tiếp tục nghiên cứu và đưa ra phương án xây dựng luật trong việc quy định hoạt động quy hoạch tài nguyên nước theo vùng, lưu vực sông hay quy hoạch liên tỉnh”, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

PV

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load