Chiều 2/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đa số các đại biểu đề nghị cần làm rõ quy định về kê khai tài sản trong dự án luật.
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) tại buổi thảo luận ở tổ chiều 2/11. Ảnh. XH.
Đại biểu Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) dẫn chiếu các quy định về xác minh tài sản, thu nhập đối với cán bộ công chức cần chặt chẽ hơn nữa bởi hiện chưa quy định ai là người đi xác minh tài sản, thu nhập của ông Thủ trưởng cơ quan? Ai chịu trách nhiệm giám sát, theo dõi tài sản của ông Thủ trưởng đó?
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề cập đến tính khả thi của dự án khi đi vào cuộc sống. Theo Chủ tịch, việc các đại biểu có quyền đối với việc giám sát phòng, chống tham nhũng của các bộ, ngành, địa phương như thế nào để tăng cường vai trò của đại biểu, trách nhiệm của QH đến đâu, như thế nào trong tình hình phòng, chống tham nhũng hiện nay. Hiện chưa có đại biểu nào nói về điều này. Việc sửa đổi phải khả thi, đưa ra điều luật nào thì chắc điều ấy chứ đã thấy không khả thi thì nhất quyết không đưa vào. Ví như chọn ai để kê khai, kê khai với ai và có người xác nhận đúng sai với người kê khai và chịu trách nhiệm về kê khai của mình? Quy định, kê khai tài sản của con cái thì liệu con cái có khai thật với bố mẹ không?
Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, Ban chỉ đạo chống tham nhũng cần trực thuộc Ban chấp hành T.Ư hoặc QH để Ban chỉ đạo có vị thế tương đối độc lập. Việc kê khai tài sản phải công khai là để có cơ chế kiểm tra, giám sát xem kê khai có đúng hay không? Có liên quan đến quyền sở hữu tài sản của công dân theo quy định của Luật Dân sự không?. Việc công bố công khai tài sản ở cơ quan đang làm việc là tốt, rồi việc cán bộ không trung thực trong kê khai tài sản thì tổ chức xử lý như thế nào.
Đại biểu Minh đặt câu hỏi, việc thành lập cơ quan độc lập theo dõi, giám sát, điều tra việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên thì giao ai làm? Đại biểu Minh cho rằng, nên giao cho QH thành lập cơ quan lâm thời điều tra độc lập về vấn đề này. Với những vụ việc nổi cộm, bức xúc thì cơ quan này của QH phải vào cuộc, như giá xăng dầu có lợi ích nhóm, tiêu cực không? Thuỷ điện “ngốn” 20 ngàn ha rừng đã gây ảnh hưởng thế nào? “Việc mở rộng phạm vi đối tượng kê khai tài sản đối với đảng viên là không cần thiết. Cán bộ đảng viên đã nghỉ hưu chỉ có đồng lương hưu, không có chức vụ thì tham nhũng cái gì?”, ông Minh nói .
Đại biểu Minh đề nghị, cần ghi rõ Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng T.Ư thuộc Ban chấp hành T.Ư, điều này thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng. Thành lập Uỷ ban giám sát về phòng, chống tham nhũng do Chủ tịch QH đứng đầu.
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, nên thành lập Ủy ban lâm thời để thẩm tra, điều tra những vụ việc liên quan đến tham nhũng do đại biểu QHi yêu cầu.
Về vấn đề kê khai tài sản, đại biểu Phúc cho rằng, việc kê khai tài sản chỉ áp dụng đối với những người có chức vụ, phạm vi kê khai nơi công tác của cán bộ đó. Ví dụ, khi cử tri yêu cầu, thắc mắc về cán bộ nào đó trước khi bầu cử, ứng cử vào HĐND hay đại biểu QH thì MTTQ địa phương đó yêu cầu cán bộ phải kê khai tài sản để cho cử tri biết.
Ông Phúc đề nghị, đối tượng kê khai tài sản nên tập trung vào những đối tượng cán bộ có chức vụ, từ cấp phó phòng trở nên.
Infonet
Theo baoxaydung.com.vn