"Nên có quy chế đưa chính quyền địa phương vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ khi lo hậu sự cho người vừa mất. Tích cực khuyến khích người dân lựa chọn hỏa táng thay vì địa táng theo phương thức truyền thống. Cùng với đó, chúng ta cũng cần nghiên cứu cơ chế mang tính bắt buộc để hỏa táng trở thành hình thức táng chủ yếu trên cả nước, tránh hiện tượng người dân từ địa phương này đưa đến nơi khác địa táng vì không muốn hỏa táng...", ông Hoàng Thành Thái - Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội phát biểu trong Hội thảo chuyên đề về cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng hỏa táng do Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng tổ chức ngày 13/11.
Hiện nay, nhu cầu xây dựng nghĩa trang địa táng đang tạo áp lực rất lớn
nên quỹ đất nên cần được thay thế bằng hỏa táng.
Tỷ lệ sử dụng hỏa táng ở nước ta thấp
Địa táng đang đặt ra nhiều bài toán nan giải về vấn đề đất đai. Do diện tích có hạn nên quỹ đất cả nước đang phải chịu áp lực rất lớn từ nhu cầu xây dựng nghĩa trang, vì tỷ lệ người chết hàng năm không ngừng tăng lên. Theo số liệu của Cục Hạ tầng Kỹ thuật thì từ năm 1990 - 2004, diện tích đất dành cho nghĩa trang ở nước ta tăng từ 32.700ha lên 97 nghìn ha. Năm 2010, con số này đã tăng lên 101 nghìn ha. Tại Hà Nội, thì hầu hết nghĩa trang đều trong tình trạng hết đất, muốn địa táng thì cần phải mở rộng diện tích.
Ở nước ta hiện nay, bình quân diện tích đất dành cho chôn cất là 11 - 12m2/người. Để giải quyết bài toán khó khăn về quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang, thì việc sử dụng hình thức hỏa táng là lựa chọn tối ưu nhất, vì không phải sử dụng diện tích chôn cất. Không những tiết kiệm đất đai, việc sử dụng hỏa táng còn góp phần quan trọng vào bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng gỗ làm áo quan từ đó giảm áp lực lên tài nguyên rừng và giảm cả về chi phí xây dựng, bảo quản... Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ sử dụng hỏa táng ở nước ta còn rất khiêm tốn. Năm 2011, tỷ lệ này mới đạt ở mức 6% tổng số người chết trong cả nước.
Trong khi đó, rất nhiều nước trên thế giới đã đưa hỏa táng trở thành hình thức chính trong việc táng người chết. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ người dân sử dụng hỏa táng trong năm 2005 chiếm 52,5% số người chết, đến những năm 2010 - 2011 con số này lên đến 70%. Ở Nhật Bản, từ năm 1999, tỷ lệ người chết được hỏa táng đã chiếm 88%. Tỷ lệ này ở Trung Quốc là 53% trong năm 2005, còn Ấn Độ hiện nay là 90%.
Cần chú trọng đặc biệt đến tuyên truyền
Việt Nam có nhiều vùng miền, đa sắc tộc, đa tín ngưỡng và nhiều tôn giáo. Mỗi địa phương, mỗi dân tộc và mỗi tôn giáo có tín ngưỡng riêng đối với việc lo an táng người đã khuất. Chẳng hạn, người Lương thường sử dụng hung táng (sau một thời gian chôn cất sẽ tiến hành cải táng để sang cát) thì bà con công giáo lại chỉ chôn cất một lần... Quan niệm từ xưa: "Chết về với đất", "Nằm dưới Suối vàng"... đã đi vào tiềm thức của rất nhiều người. Vì vậy, cho dù tốn kém hay phải đi vay mượn tiền, không ít người vẫn lựa chọn hình thức địa táng cho người thân để tròn tâm nguyện. Thay đổi nhận thức căn cơ cố hữu này trong người Việt là chuyện không hề đơn giản. Do đó, việc tuyên truyền để người dân hiểu những tiện lợi của hỏa táng, cùng với các cơ chế chính sách khuyến khích người dân lựa chọn hình thức này là rất cần thiết đối với xã hội trong tương lai.
Bên cạnh đó, một số chính sách pháp luật chưa tạo ra được động lực, cơ chế kích thích người dân sử dụng hỏa táng. Trong các quy định quy hoạch nghĩa trang vẫn chưa bắt buộc phải xác định vị trí, quy mô của nhà hỏa táng. Thậm chí trong Nghị định số 35/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 25/3/2008 về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang cũng không có quy định riêng cho nhà hỏa táng. Việc khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng hỏa táng mới chỉ diễn ra ở từng địa phương khi mà cả nước hiện nay mới có 17 tỉnh, thành có nhà hỏa táng. Yêu cầu đặt ra cho các nhà hỏa táng là phải có các quy chuẩn nhất định về công nghệ bảo vệ môi trường, sự tiện lợi về giao thông và cũng cần đặt vị trí gần khu vực có mật độ dân cư lớn.
ThS Hoàng Đình Giáp - Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn: Hoàn toàn có thể chuyển đổi những nghĩa trang địa táng ở nội đô thành các đài hỏa táng. Trong trường hợp đó, cần chú trọng xử lý thật tốt vấn đề môi trường. Chúng ta nên có những chính sách khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng các đài hỏa táng, như miễn thuế nhập khẩu thiết bị, miễn một phần thuế... để kích thích doanh nghiệp tham gia lĩnh vực đang có nhu cầu bức thiết này. |
Trần Đình Hà
Theo baoxaydung.com.vn