Thứ bảy 20/04/2024 10:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Duyên Phúc Tự - Mốc son văn hóa thương cảng Vân Đồn

12:28 | 29/01/2020

(Xây dựng) - Tết Canh Tý, bến tàu Vũng Đục thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) có nét khác thường, du khách tấp nập trên bến dưới thuyền ra đảo lễ phật cầu an. Tôi bèn nhập vào dòng người ra khơi, khám phá cái sự khác thường với suy nghĩ của mình nôm na là chùa chiền thường xây dựng ở trên bờ trên núi.

duyen phuc tu moc son van hoa thuong cang van don
Chùa Duyên Phúc, đền Tọa Sơn trên đảo Thẻ Vàng trùng tu, khôi phục lại năm 2015, trên khuôn viên 10.391m2.

Một bác cao niên bảo, đây là đường tắt ra di tích đặc biệt quốc gia vụng Cống Đông - Cống Tây (gọi chung là Cống Đông), còn đường chính từ cảng Cái Rồng ra đấy thì xa lắm và giải thích: “Cống Đông là tên cũ của xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn. Xã Thắng Lợi nghèo nhất huyện Vân Đồn, nhưng giàu nhất về trầm tích văn hóa, nơi trung tâm tôn giáo tam Triều”.

Nghe vậy, tôi càng quan sát và ghi chép kỹ hơn. Con tàu cập bến đảo Thẻ Vàng, một trong số 7 hòn đảo lớn của huyện Vân Đồn. Đảo rộng gần 800ha bạt ngàn một màu xanh cây rừng. Trên núi cao, văng vẳng tiếng chuông chùa Duyên Phúc. Tục truyền chùa Duyên Phúc là một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng sớm nhất ở vùng Đông Bắc, ngay những ngày đầu vua Lý Anh Tông mở đất xây dựng thương cảng Vân Đồn (năm 1149).

duyen phuc tu moc son van hoa thuong cang van don
Vụng Cống Đông có mật độ di tích dày nhất vùng hải đảo Đông Bắc.

Tục truyền chúa cảng Vân Đồn xưa hưng công xây dựng chùa Duyên Phúc và đền Tọa Sơn trên núi Thẻ Vàng, xây đền Vạ Giếng trên đảo Vạ Giếng. Đảo Thẻ Vàng và đảo Vạ Giếng sừng sững như hai vị hộ pháp trấn giữ cửa biển vịnh Bái Tử Long, luồng tàu sâu nhất vào cụm thương cảng Vân Đồn, đáp ứng nhu cầu tâm linh của thương gia, thương thuyền... hòng tàu bè ngược xuôi thuận buồm mát mái. Thời Trần triều hưng thịnh, vua tôi còn có sắc phong, hương hỏa xuân thu nhị kỳ giữ lễ cầu an cho dân vùng hải đảo tiền tiêu này.

Trải qua những biến cố của lịch sử chùa Duyên Phúc, đền Tọa Sơn, đền Vạ Giếng... thần tích, thần sắc thất truyền, nền đất chỉ còn ngắt đoạn móng chùa rêu phong, một tam tòa thánh mẫu nhỏ thờ thần vẫn như cột mốc văn hóa thương cảng. Danh thiêng bất hư truyền, tết lễ chùa Duyên Phúc, đền Tọa Sơn, đền Vạ Giếng vẫn nhang bay khói tỏa, đất vẫn ấm hơi người.

duyen phuc tu moc son van hoa thuong cang van don
Đền Tọa Sơn còn gọi là đền Trấn Hưng Linh Từ, tục truyền có từ ngày thương cảng Vân Đồn hưng thịnh.

Mặc dù được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt từ ngày 12/8/2009 nhưng nhiều người vẫn chưa biết đến nơi đây. Vụng Cống Đông là cửa lạch nước sâu rộng trên 100m, vùng biển lặng sóng, đôi bờ là hai hòn đảo dài và rộng, một bên gọi là hòn Cống Đông, một bên gọi là hòn Thừa Cống. Hòn Cống Đông, các nhà sử học xác định là bến cảng dài và rộng nhất trong cụm thương cảng Vân Đồn cổ. Hòn Thừa Cống dài 6km, rộng 1km (hiện là trung tâm xã Thắng Lợi), nơi có mật độ dày di tích lịch sử văn hóa nhất vùng hải đảo Đông Bắc.

duyen phuc tu moc son van hoa thuong cang van don
Ngày12/8/2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1272 QĐ-TTg xếp hạng vụng Cống Đông là di tích cấp quốc gia đặc biệt.

Xã Thắng Lợi tổng cộng có trên 10 di tích đã được xếp hạng và trong danh mục kiểm kê, phân loại bổ sung vào danh mục xếp loại di tích. Nhiều công trình tuy chỉ còn phế tích, nhưng ngàn năm bia đá thì mòn, dân gian truyền tục thì không mòn. Vùng Cống Đông xưa có ngôi chùa Lấm rộng 100 gian (xã Thắng Lợi đang lập dự án trùng tu khôi phục với kinh phí đầu tư 39,4 tỷ đồng bằng ngân sách xã hội hóa) và một tòa bảo tháp cao 14 tầng, hai công trình tín ngưỡng đồ sộ nhất và có niên đại sớm nhất ở vùng Đông Bắc.

Cống Đông, vùng hải đảo từng là thương cảng sầm uất ba triều đại phong kiến Việt Nam, các tầng văn hóa phát triển, danh thiêng “hữu xạ tự nhiên hương”, đầu xuân du khách tìm đến. Các di tích: Chùa Lấm, chùa cây Quéo, chùa Cát, chùa Trong, chùa Chuồng Bò, hang Quan, bảo tháp... chỉ còn là phế tích hoặc gạch mộc mái tôn dựng tạm. Đến Vạ Giếng sau “búa rìu” dư luận, sự kiện “biệt phủ” trên đảo năm trước, ai đó bị phỉ báng bực mình đã dỡ bỏ đường hành hương, bến nước không còn nơi cập tàu. Người hành hương khó nhọc rời tàu lên bờ bằng cây cầu “khỉ” bấp bênh, mà lòng se lại.

duyen phuc tu moc son van hoa thuong cang van don
Đến Vạ Giếng sau “búa rìu” dư luận “biệt phủ” năm trước, ai đó bực mình dỡ cầu tàu, nay cập bờ bằng cây cầu khỉ.

Chỉ con đường đưa chân du khách thập phương đến chùa Duyên Phúc, đền Tọa Sơn trên đảo Thẻ Vàng thì như rải thảm. Quần thể di tích được trùng tu, xây dựng lại năm 2015, trên khuôn viên 10.391m2, công trình tôn giáo khang trang. Nét đẹp ngày xuân, du khách bất luận xa gần, dù quen hay lạ cả ngàn người ra đảo, quãng đường biển quá giang dài gần 15km có đò miễn phí, bữa cơm chay trên đảo không mất tiền mua. Một không gian kỳ thú, hòn đảo xanh trong tiết xuân, người người đắm mình trong hơi thở ngàn năm của biển, vùng biển Bái Tử Long còn nhiều nét sơ khai.

Chùa Duyên Phúc, đền Tọa Sơn do Công ty Cổ phần Ngọc Long nòng cốt cùng những người thiện tâm xa gần hưng công xây dựng, chính quyền địa phương quản lý. Một cụm di tích văn hóa cổ đại nhưng khang trang trên ngàn trùng sóng nước, chùa Duyên Phúc, đền Tọa Sơn vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vừa là điểm du lịch sinh thái tâm linh trên vùng thương cảng cổ còn nhiều người chưa tỏ.

Chùa Duyên Phúc, đền Tọa Sơn tiếng mõ, tiếng chuông ngân nghe như tiếng người xưa vọng lại. Đời trước các cụ khai khẩn đảo hoang dựng thương cảng quốc tế Vân Đồn, đời nay con cháu mở cảng hàng không quốc tế, không hổ danh tiên đế.

duyen phuc tu moc son van hoa thuong cang van don
Chùa Duyên Phúc ngày xuân văng vẳng tiếng chuông ngân, ấm nét đẹp cột mốc văn hóa thương cảng Vân Đồn xưa.

Chùa trăm gian, chùa Duyên Phúc, đền Tọa Sơn, đền Vạ Giếng, bảo tháp... những mốc son văn hóa thương cảng Vân Đồn ở Cống Đông không phai mờ theo ý chí chính trị, vẫn tỏa sáng, niềm kiêu hãnh thủy tổ ngành cảng biển Việt Nam.

Bùi Ánh Hồng

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load