Công viên trên cao là minh chứng cho việc các thành phố chật chội có thể tận dụng những phần đất không dùng đến để phát triển không gian xanh.
Công viên mới được xây trên một đường tàu trên cao bị bỏ hoang tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Thomson Reuters Foundation/Rina Chandran. |
Công viên mới được xây trên một tuyến đường sắt bị bỏ hoang hơn 3 thập kỷ ở thủ đô Bangkok, Thái Lan có thể là hình mẫu cho việc biến những khu vực khác không dùng đến của thành phố này thành những không gian xanh, nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Công viên có tên là Phra Pok Klao Sky Park, kết nối các khu phố ở hai bên bờ sông Chao Phraya và dự kiến sẽ khai trương vào cuối tháng này.
Niramon Serisakul, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Thiết kế Đô thị, đồng thời là một chuyên gia tư vấn phụ trách dự án cho biết, công viên có thể không lớn nhưng là chất xúc tác quan trọng đối với việc tái tạo đô thị và có thể thay đổi cách nhìn nhận từ trước đến nay của người dân về các không gian công cộng.
Việc thiếu không gian xanh ở Bangkok và những thành phố đông đúc khác càng được các chính phủ quan tâm nhiều hơn khi đại dịch Covid-19 buộc cả thế giới phải phong tỏa, người dân phải ở nhà, dẫn đến làn sóng đổ xô đến các công viên để tập thể dục và nâng cao sức khỏe.
Nằm ở bãi bồi sông Chao Phraya, Bangkok được các chuyên gia khí hậu dự báo sẽ là khu vực đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong những năm tới.
Lũ lụt vốn là hiện tượng phổ biến khi Bangkok đón các đợt gió mùa, nhưng theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, gần 40% diện tích thành phố có thể bị ngập lụt do lượng mưa ngày càng tăng qua các năm.
“Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ rệt hơn, vì vậy chúng ta cần nhiều không gian xanh hơn”, ông Asawin Kwanmuang, thống đốc Bangkok phát biểu tại một buổi lễ trồng cây trước ngày khai trương công viên.
Công viên và những khu vườn trên sân thượng có thể làm giảm ô nhiễm không khí và khí thải độc hại, đồng thời hạn chế lũ lụt.
“Mục tiêu của chúng tôi là tăng diện tích không gian xanh ở Bangkok từ khoảng 6 m2 lên 9 m2 mỗi người. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn giảm số lượng ô tô để thành phố thông thoáng và dễ đi lại hơn”, ông nói thêm.
Cụ thể, chính quyền thành phố có ý định tái tạo lại dự án “thành phố 15 phút” của Paris, cho phép mọi người có thể đến nơi họ muốn trong vòng 15 phút dù là đi bộ, đạp xe hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Phra Pok Klao Sky Park có diện tích 2.240 m2, giúp cư dân dễ dàng tiếp cận các trường học, chợ và địa điểm thờ cúng gần đó.
Ở khắp các thành phố đông dân khác của châu Á, các nhà phát triển và quy hoạch đô thị đang chuyển hướng sang cải tạo những “vùng đất chết” bên dưới các cây cầu bắc ngang sông, cầu vượt và cầu cạn, giống như dự án ở Bangkok.
“Công viên trên cao đã chỉ ra rằng có thể tạo ra không gian xanh từ các cơ sở hạ tầng hiện có và đóng góp không nhỏ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, Kotchakorn Voraakhom, một kiến trúc sư tham gia vào dự án cho biết.
Theo Thảo Lê (Eco-Business)/Dantri.com.vn