(Xây dựng) - Con đường hiện đại nhất Việt Nam đi qua đã, đang và sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Hải Dương.
Đầu tháng 12-2015, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Con đường hiện đại nhất Việt Nam đi qua đã, đang và sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho Hải Dương.
Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tạo cơ hội phát triển mới cho Hải Dương Ảnh: Mai Anh
Rút ngắn khoảng cách
Đoạn đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng qua địa bàn tỉnh Hải Dương dài 40,2 km, đi qua 28 xã, thị trấn của các huyện Bình Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ và Thanh Hà. Tuyến đường kết nối Thủ đô Hà Nội và TP Hải Phòng, hai "đầu tàu" kinh tế của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc cũng như cả nước. Tại Hải Dương, điểm lên, xuống đường cao tốc được bố trí tại nút giao với quốc lộ 38B trên thị trấn Gia Lộc, cách TP Hải Dương 10 km, cách TP Hà Nội 48 km và cách TP Hải Phòng 50 km. Nếu trước đây, để đi từ Hải Dương đến Hà Nội hay Hải Phòng, mọi người luôn phải đối mặt với cảnh ùn tắc, tiềm ẩn mất an toàn giao thông trên quốc lộ 5 thì hiện nay, đi ô tô trên đường cao tốc chỉ hơn nửa giờ đồng hồ là đến nơi. Mức phí đường cao tốc được cho là còn khá cao nhưng những lợi ích mà nó mang lại cũng rất lớn. Hiện mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt phương tiện đi trên tuyến cao tốc này, phần nào “cởi trói” đáng kể cho quốc lộ 5 vốn đã quá tải nhiều năm nay. Theo ông Trần Anh Tú, Giám đốc Ban Quản lý khai thác đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, lượng phương tiện lên xuống tại nút giao giữa cao tốc với quốc lộ 38B đang tăng lên từng ngày. Đây cũng là một trong những điểm lên, xuống sôi động, lưu lượng phương tiện đông nhất toàn tuyến, chỉ sau hai đầu TP Hà Nội và Hải Phòng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành giao thông vận tải đang nghiên cứu, triển khai xây dựng đoạn nối đường 62m với nút giao tại quốc lộ 38B và đường cao tốc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía nam TP Hải Dương. Ông Văn Hữu Hòa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản Thành Đông cho biết: “Những vị trí mặt đường 62m kéo dài, chúng tôi đều đã quy hoạch các khu trung tâm dịch vụ, thương mại, là điểm nhấn của cả khu đô thị phía nam thành phố. Việc kết nối khu đô thị với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ là động lực để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của TP Hải Dương và khu vực lân cận”.
Trong tương lai, khi 2 nút giao với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại đường 390 (Thanh Hà) và 20A (Bình Giang) được xây dựng, tỉnh sẽ nâng cấp các tuyến tỉnh lộ, kết nối với hệ thống các quốc lộ 5, 18, 38 qua địa bàn tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn.
Nắm bắt cơ hội
Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đưa vào vận hành khai thác góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc. Tuyến đường này nối liền vùng thủ đô với cụm cảng biển lớn nhất miền Bắc và cũng nằm trên tuyến hành lang đường bộ châu Á, ASEAN, thuộc khuôn khổ hợp tác giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mở rộng và khuôn khổ hợp tác “Hai hành lang, một vành đai” Việt - Trung. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Để nắm bắt những cơ hội mới, những năm qua Hải Dương đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư khảo sát, lập quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) theo tuyến đường mới này. Với quy mô trung bình khoảng 200 ha, 3 KCN Gia Lộc, Hoàng Diệu (Gia Lộc) và Hưng Đạo (Tứ Kỳ) hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương gần nút giao với đường cao tốc. Ngày 29-7-2015, UBND tỉnh đã giao Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Nam Quang lập quy hoạch chi tiết KCN Gia Lộc. Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, với tiến độ như hiện nay, đầu năm 2017, việc xây dựng cơ sở hạ tầng KCN Gia Lộc sẽ được triển khai. Ông Phạm Minh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý quy hoạch, xây dựng và môi trường (Ban Quản lý các KCN tỉnh) đánh giá những KCN gần đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ rất thuận lợi cho những doanh nghiệp sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Lưu lượng phương tiện đi lại trên đường cao tốc lớn. Nếu làm tốt khâu quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, KCN sẽ có lợi thế trong việc thu hút những nhà đầu tư lớn. "Hiện nay, các KCN dọc quốc lộ 5 đã cơ bản được lấp đầy, nguồn lao động ở các huyện ven quốc lộ 5 cũng đã cạn. Do vậy, các KCN mới tại Gia Lộc, Tứ Kỳ sẽ thuận lợi hơn trong thu hút lao động tại chỗ và các huyện lân cận", ông Sơn cho biết.
Đón bắt cơ hội thuận lợi nhờ có nút giao lên xuống đường cao tốc, tỉnh đã yêu cầu lập quy hoạch khu công nghiệp Gia Lộc
Gia Lộc là địa phương trực tiếp hưởng lợi vì hiện tại là nơi duy nhất trong tỉnh có nút giao lên xuống đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Để khai thác những lợi ích mà tuyến đường mang lại, huyện đang tích cực triển khai những đề án phát triển kinh tế, trong đó chú trọng phát huy lợi thế giao thông. Các KCN, khu đô thị mới hình thành sẽ khiến quỹ đất nông nghiệp của huyện giảm 1.000 ha. Vì vậy, huyện đang triển khai quy hoạch và xây dựng vùng rau, hoa quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sản xuất sạch, xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Gia Lộc cũng thực hiện quy hoạch, xây dựng khu dịch vụ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm truyền thống của địa phương. Ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết: “Song song với việc phát triển kinh tế, huyện đang tăng cường công tác quản lý, quy hoạch mạng lưới đô thị. Chúng tôi quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, xây dựng kỷ cương, kỷ luật phục vụ nhân dân để thu hút các nhà đầu tư”.
Theo đại diện một số cơ quan chức năng và doanh nghiệp, có thể trước mắt tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chưa thể thay thế ngay được vai trò quan trọng của quốc lộ 5. Tuy nhiên, khoảng 5-10 năm tới, các KCN, các đô thị mới sẽ phát triển theo hướng chuyển dịch gần lại với đường cao tốc. Khi đó nút giao với đường cao tốc tại quốc lộ 38B qua địa bàn Hải Dương sẽ là trọng tâm, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực và toàn tỉnh. Đường lớn đã thực sự mở ra nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh ta.
PV
Theo