Hầu hết các nấm mồ cổ kính, rêu mốc đều nằm trong những ngôi nhà ở con ngõ này.
Kỳ 1: Cả xóm sống trong nghĩa địa
Một ngày cuối tuần, nhà tâm linh Lê Thái Bình (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiền Việt) rủ tôi đi xem lăng mộ, mà theo anh, đây là lăng mộ đá cổ lớn nhất miền Bắc. Đến nhiều lăng mộ, những khi nghe có lăng mộ đá lớn ở Hà Nội, lại là mộ cổ, tôi rất hào hứng, nên đi ngay.
Con ngõ 252 phố Sơn Tây người ra vào đông đúc, họp chợ tấp nập suốt dọc ngõ. Nhà cửa san sát, quán hàng như nêm. Thật khó tin, khi nhà tâm linh Lê Thái Bình bảo rằng, toàn bộ khu dân cư trong con ngõ này nằm trên một khu nghĩa địa của dòng họ ông tổng đốc Hoàng Cao Khải, là vị đại thần nhà Nguyễn.
Lê Thái Bình cho biết, anh đã đi khảo sát và phát hiện một chuyện kinh dị, là có hàng chục ngôi mộ lọt trong nhà dân. Hầu hết các nấm mồ cổ kính, rêu mốc đều nằm trong những ngôi nhà ở con ngõ này.
Ngôi mộ nào may mắn lắm thì nằm lọt khe giữa hai ngôi nhà, nằm ở phần sau chỗ lấy ánh sáng, rồi trong sân, còn lại đều nằm trong phòng khách, phòng bếp, thậm chí phòng ngủ của các gia đình.
Giờ đây, những ngôi mộ ấy coi như đã thất lạc, không còn ai chăm sóc, khói hương nữa. Nhiệm vụ khói hương là của những gia đình xây nhà lấn chiếm trùm lên mộ.
Lăng mộ đá của ông Hoàng Trọng Phu lọt thỏm trong nhà dân
Nhà tâm linh Lê Thái Bình tìm hiểu và biết rằng, nhiều gia đình trước đây đã chuyển mộ đi, chiếm đất xây nhà và đều gặp đại họa, không chết người thì cũng điên khùng, bệnh tật, làm ăn thất bát, sa sút. Chính vì thế, những gia đình chiếm đất xây nhà sau này không dám di chuyển mồ mả nữa.
Lúc đầu, họ chiếm đất trong khu nghĩa địa, dựng nhà ở cạnh mộ, ở lâu quen dần, không thấy sợ hãi nữa, trong đi tấc đất tấc vàng, nên quây lại chiếm hết, rồi xây nhà trùm luôn cả lên mộ.
Người đàn ông gầy còm, hom hem, ngồi bán nước ở ngay trước lăng mộ đá Hoàng Trọng Phu khá dễ gần, hay chuyện. Anh mặc chiếc áo phông, để lộ lấp ló trên cánh tay những hình xăm vằn vện.
Nhìn người đàn ông ấy, cũng biết từng có quãng đời "nghịch ngợm". Thật lạ là anh rất thích nói chuyện tâm linh, chuyện Phật giáo, chuyện nhân quả.
Anh H. bảo rằng, anh đã sống cạnh lăng mộ đá này 40 năm rồi và anh chính là người nắm rõ về ngôi mộ này nhất, cũng như tất cả những câu chuyện tâm linh kinh dị liên quan đến khu mộ của ông hai ông tổng đốc Hoàng Cao Khải và Hoàng Trọng Phu.
Hỏi chuyện người dân sống chung với mồ mả, người chết, anh H. khẳng định đó là thật.
Lăng mộ Hoàng Cao Khải biến thành trụ sở tuần tra nhân dân
Theo lời các cụ kể lại, trước đây, ông Hoàng Cao Khải là tổng đốc Hà Đông, là người giàu có, có thế lực mạnh nhất miền Bắc. Toàn bộ khu vực ấp Thái Hà thuộc sở hữu của ông.
Hồi còn sống, ông đã vời thầy địa lý từ bên Tàu sang chọn đất đặt mộ cho mình. Thầy Tàu đã cắm mảnh đất ở ấp Thái Hà, là chỗ đặt mộ bây giờ.
Để ngôi mộ có phong thủy theo lối tựa sơn đạp thủy, ông Khải đã cho người đào hồ, đắp đồi. Hồ nước bây giờ vẫn còn trong ngõ 252 phố Tây Sơn là di tích của cuộc đào bới lấy đất đắp đồi.
Ngôi mộ ông Khải được đặt trên quả đồi, nhưng bao năm mưa nắng mài mòn, rồi người ta đắp đất dựng nhà, nên giờ nó thấp lè tè, chỉ cao hơn nhà dân một chút.
Xây mộ cho mình xong, thì ông Hoàng Cao Khải quy hoạch luôn khu nghĩa địa cho gia đình, dòng họ của mình.
Phía sau ngôi mộ của ông Hoàng Cao Khải, là một của con trai ông, tức Hoàng Trọng Phu.
Ông Phu từng du học bên Pháp, có bằng kỹ sư, sau về Việt Nam, được nhà Nguyễn giao cho chức Tổng đốc Hà Đông thay cha.
Ông Phu cũng xây dựng cho mình một ngôi mộ đá khổng lồ, to hơn mộ cha, to nhất miền Bắc hồi đầu thế kỷ 20.
Trong nghĩa địa này, chỉ có mộ của con cháu, người thân của ông Hoàng Cao Khải. Theo các cụ kể lại, những người không được làm quan, thì chỉ có mộ nhỏ, là những nấm mồ nằm rải rác trước và sau hai lăng mộ đá khổng lồ.
Năm 1945, nhà Nguyễn bị lật đổ, thực dân Pháp về nước, thì con cháu ông Hoàng Cao Khải cũng sang Pháp hết.
Rồng đá của lăng mộ nằm ngay trước cửa nhà dân
Không còn ai ở đây, nên toàn bộ nghĩa địa bị bỏ hoang, hai lăng mộ đá khổng lồ của ông Khải và ông Phu cũng không có người trông nom, hương khói.
Anh H. nhớ lại: "Hồi còn bé, cũng phải hơn 30 năm trước, quanh khu vực này vẫn hoang vu lắm, cây cối rậm rạm, mồ mả âm u, ít người dám vào. Tuy nhiên, dân cư đã kéo đến xung quanh chỗ này cắm đất dựng nhà.
Hà Nội mở rộng, chỗ này thành đất vàng, nên dân tứ chiếng kéo về, người ở nội đô tràn ra. Đất nghĩa địa, hoang vu, chẳng ai quản lý, nên dân nhảy dù cứ thế kéo đến ở, mà không bị xua đuổi. Có lẽ, phải đến ngót trăm ngôi mộ đã bị các gia đình lấn chiếm, xây nhà đè lên cả rồi.
Bây giờ, tôi vẫn biết rõ, có khoảng chục ngôi mộ vẫn nằm lọt trong nhà dân. Nhà nào có mộ tôi đều biết cả, nhưng tôi chẳng nói làm gì. Cái chuyện người ta xây nhà chiếm đất mộ, đem mộ vào trong phòng ngủ, phòng bếp nhà mình nó nhạy cảm lắm, nên tôi chẳng kể ra làm gì.
Nhưng tôi khẳng định với chú, là những gia đình ấy sống thảm lắm, không có nhà nào ra hồn cả. Con cái cứ ngơ ngơ, cha mẹ cứ lầm lì, làm ăn không ra đâu vào đâu cả.
Đặc biệt, rất nhiều gia đình ở đây đều tuyệt tự, tức là không có con trai, và rất nhiều gia đình có con trai nhưng cả bố và con đều tù tội.
Phía bên kia ngõ 252, nơi không dính dáng gì đến nghĩa địa, thì nhà nào cũng khá giả, con cái sáng láng, đến con bảo vệ, công nhân cũng đỗ đại học, còn bên này thì kém lắm. Nhiều người bán nhà bỏ đi, người khác mua đến ở đều hối hận vì ham rẻ mà trúng quả đắng".
Còn tiếp…
Theo VTC News