Thứ sáu 20/09/2024 22:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Dừng các dự án xây hồ chứa hiệu quả thấp

15:33 | 22/10/2013

Đây là một trong những nội dung được đề cập trong Chỉ thị 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 14/10) về việc tăng cường công tác quản lý, bảo đảm an toàn hồ chứa nước. Thủ tướng yêu cầu: Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến kháng chấn động đất trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Quản lý an toàn đập còn lúng túng

Hiện nay cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện (TĐ) đang hoạt động, các hồ chứa này đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các hồ chứa, nhất là các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ 30 - 40 năm trước, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế nên nhiều hồ đập không còn phù hợp với điều kiện mưa lũ cực đoan hiện nay. Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành hồ còn mỏng, nhiều nơi không có đội ngũ đủ năng lực chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng nên nhiều hồ đã bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ sự cố.

Công tác quản lý nhà nước về an toàn đập của các bộ, ngành, địa phương dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, bị động. Công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình xây dựng trong thiết kế, thi công một số hồ đập TĐ, thủy lợi nhỏ, nhất là công trình cho chính quyền cơ sở, các hợp tác xã, DN tư nhân làm chủ còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập của chủ đập chưa đầy đủ, nghiêm túc…

Bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn đập

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an toàn hồ chứa, để tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, TN&MT, KH&CN, KH&ĐT, Tài chính, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi có hồ chứa phải rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập; phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc quản lý đầu tư xây dựng các công trình hồ chứa; bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý an toàn đập; rà soát, quy định chặt chẽ về năng lực của tổ chức tư vấn, cơ quan quản lý dự án và nhà thầu thi công công trình hồ chứa để nâng cao chất lượng công trình; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với công tác quản lý đầu tư, xây dựng hồ chứa; Cập nhật, điều chỉnh quy trình vận hành để đảm bảo an toàn, phù hợp với điều kiện thực tế và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nói trên và các địa phương phải tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát các dự án chưa triển khai xây dựng (kể cả các dự án đã bố trí vốn), kiên quyết dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững; đồng thời củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn hồ đập, thường xuyên thực hiện đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý và vận hành hồ chứa.

Loại bỏ 424 dự án

Cũng trong tuần qua, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy hoạch tổng thể TĐ. Theo đó Chính phủ đã loại bỏ 424 dự án; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, trong tổng số 1.239 dự án đã được quy hoạch, hiện cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình TĐ, trong đó đang vận hành 268 dự án, đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, đối với các công trình TĐ lớn khoảng 90% số đập đã được kiểm định, 70% số đập đã được cắm mốc giới, 60% số đập đã có phương án bảo vệ, 80% công trình TĐ đã có phương án phòng chống bão lũ. Hiện nay các công việc này đang được tiếp tục triển khai.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội, công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão…

Để khắc phục những hạn chế trên, Ủy ban KHCN&MT thống nhất một số giải pháp mà Chính phủ đã nêu như sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07/5/2007 về quản lý an toàn đập; hướng dẫn trình tự, thủ tục và nội dung lập, thẩm định và phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp và tình huống vỡ đập để thống nhất áp dụng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí cho việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du; cơ chế phân bổ kinh phí giữa các công trình thủy lợi, TĐ trên cùng một dòng sông…

Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá, ban hành đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn công trình TĐ và tiếp tục đầu tư nguồn lực cho xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát, điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên...

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load