Thứ tư 24/04/2024 15:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Đua nhau "làm giá" nhà ở: Cần ổn định nguồn cung, tháo gỡ từ luật hiện hành

16:09 | 22/09/2021

Thời gian qua, giá nhà tại Việt Nam liên tục tăng dù số lượng giao dịch giảm mạnh. Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường đang diễn ra tình trạng nguồn cung khán hiếm do bị bó hẹp bởi những quy định tréo ngoe của luật hiện hành.

dua nhau lam gia nha o can on dinh nguon cung thao go tu luat hien hanh
Một thực tế đáng báo động thời gian qua, mặc dù lượng giao dịch xuống thấp, nhưng giá bất động sản vẫn tăng mạnh. Ảnh: Phan Anh

Giao dịch trầm lắng, giá nhà vẫn vùn vụt tăng?

Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý 2 năm 2021 của Bộ Xây dựng cho thấy lượng giao dịch bất động sản đã giảm mạnh. Tại Hà Nội giao dịch thành công chỉ bằng khoảng 20%, TPHCM chỉ bằng khoảng 87% so với quý 1 năm 2021. Dù vậy giá giao dịch căn hộ ở 2 thành phố lớn nhất cả nước vẫn tăng khoảng 5 - 7%.

Trong khi đó tại các tỉnh thành khác, bất động sản nhà ở riêng lẻ vẫn tăng nhưng không nhiều, bình quân khoảng 3% so với quý trước dù giao dịch cũng giảm mạnh. Đặc biệt Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Cùng chung nhận định, báo cáo của Công ty Savills VN cho thấy tại TPHCM trong quý 2.2021, lượng giao dịch đã giảm sâu 36% so với cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng giá bán trên thị trường thứ cấp tăng, trong đó ở Q.7 có mức tăng cao nhất lên đến 20% so cùng kỳ năm trước.

Tại thị trường Hà Nội, Savills cho biết giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2, tăng 7% so với quý 1 năm 2021 và tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

dua nhau lam gia nha o can on dinh nguon cung thao go tu luat hien hanh
Các công ty nghiên cứu thị trường khác như Colliers, LLS, DKRA VN, CBRE cũng đưa ra nhận định giá nhà đất vẫn tăng bất chấp giao dịch giảm mạnh. Ảnh: Phan Anh

Ách tắc nguồn cung, đua nhau "làm giá" nhà ở

Lý giải việc tăng giá bất chấp giao dịch giảm mạnh, các công ty nghiên cứu thị trường và cả Bộ Xây dựng đều nhận định do nguồn cung khan hiếm, cung không đủ cầu nên giá tăng.

Trong khi đó chia sẻ với PV Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là thị trường đang bị ách tắc nguồn cung vì một số luật hiện hành.

"Điểm c Khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 23 Luật Nhà ở 2014) đang cản trở sự phát triển bình thường của thị trường bất động sản, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, người mua nhà và làm sụt giảm nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản rất kỳ vọng các điều khoản này sớm được sửa đổi.

Đặc biệt việc không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại dẫn đến nhiều dự án không thể triển khai, không thể đưa đất vào sử dụng, lãng phí tài nguyên đất đai không phải do lỗi của nhà đầu tư".

dua nhau lam gia nha o can on dinh nguon cung thao go tu luat hien hanh
Giới chuyên gia nhận định thị trường đang diễn ra tình trạng làm giá nhà do nguồn cung bị bó hẹp. Ảnh: Phan Anh

Ông Châu cũng cho biết, có hiện tượng "làm giá" vì thị trường thiếu hụt nguồn cung: "Trong 5 năm 2015-2020, có khoảng 95% tổng số dự án nhà ở thương mại do không có 100% đất ở, nên không được công nhận chủ đầu tư, không thể triển khai thực hiện được dự án, nhưng nhà đầu tư đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn để tạo lập quỹ đất, bị “chôn vốn”, nên cực kỳ khó khăn, có thể bị “chết trên đống tài sản”, dẫn đến môi trường đầu tư trong lĩnh vực bất động sản thiếu minh bạch, thiếu công bằng và thiếu sự cạnh tranh lành mạnh.

Vì vậy thiểu số chủ đầu tư dự án có 100% đất ở chỉ chiếm khoảng không quá 5% tổng số dự án nhà ở thương mại, lại có lợi thế và điều kiện để chiếm lĩnh thị trường, có thể “làm giá” (thể hiện rất rõ qua xu thế giá nhà tăng liên tục trong những năm 2015-2020) và đạt được lợi nhuận rất cao, có thể đạt “siêu lợi nhuận”, ông Châu nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác đang đổ mạnh vào bất động sản tìm cơ hội đầu tư mua sắm, tạo áp lực tăng giá. “Nhưng một nguyên nhân không thể phủ nhận, giá bất động sản tăng là do bị đẩy giá”, ông Đính nói.

Chia sẻ với Báo Lao Động, ông Nguyễn Quốc Bảo – Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam (VREC), kiêm Chủ tịch CLB Bất động sản TP.HCM (HREC) cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện đang bị "chôn vốn" do sự vênh về các quy định của nhiều bộ ngành.

"Khi được tháo gỡ các vướng mắc (ví dụ vướng mắc về công nhận chủ đầu tư với dự án nhà ở thương mại) thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư hơn. Ngay cả về phía ngân hàng, nhà đầu tư cũng sẽ tiếp cận được những khoản vay tốt hơn, khi đó dòng tiền sẽ được bơm vào các dự án, nguồn cung sẽ tăng lên. Sửa đổi, bổ sung luật là điều nên làm.

Theo tôi, Nhà nước có thể cho phép công nhận chủ đầu tư, tuy nhiên có giới hạn, ví dụ là 50 năm. Hết thời gian Nhà nước có thể cho gia hạn lại, yêu cầu đóng thuế...", ông Bảo chia sẻ.

Bất cập những quy định tréo ngoe về công nhận chủ đầu tư nhà ở thương mại.

Theo TUẤN ANH/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load