Thứ năm 23/01/2025 00:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 11/2013/NĐ-CP: Quản lý chặt các dự án phát triển đô thị

10:37 | 11/07/2013

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định số 11/2013/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là NĐ 11), Sở Xây dựng sẽ có trách nhiệm chủ trì, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị (ĐTPTĐT) trên địa bàn đã được chấp thuận, cho phép đầu tư trước ngày NĐ 11 có hiệu lực (ngày 01/3/2013), báo cáo UBND cấp tỉnh để có giải pháp xử lý chuyển tiếp phù hợp đối với từng dự án theo quy định.

Thành lập BQL khu vực phát triển đô thị

Theo Điều 13, Dự thảo Thông tư hướng dẫn, khu vực phát triển đô thị (KVPTĐT) tại các đô thị có đồ án QHC thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ sẽ phải thành lập BQL KVPTĐT. Đối với các KVPTĐT còn lại, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thể căn cứ theo nhu cầu phát triển đô thị tại địa phương để quyết định thành lập BQL hay không.

Ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết: Tùy thuộc nhu cầu phát triển ĐT, quy mô, tầm quan trọng của KVPTĐT và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương mà một tỉnh có thể thành lập một hoặc nhiều BQL KVPTĐT và một BQL có thể được giao quản lý một hoặc nhiều KVPTĐT.

BQL PTĐT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện KVPTĐT cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, nghiên cứu, đề xuất các chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù đối với hoạt động đầu tư xây dựng trong KVPTĐT. Đồng thời, lập kế hoạch lựa chọn chủ đầu tư dự án, theo dõi, giám sát việc thực hiện các dự án ĐTPTĐT theo đúng quy hoạch, kế hoạch…

Ngược lại, BQL KVPTĐT sẽ “chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ và đột xuất và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp của Sở Xây dựng để giải quyết các vấn đề liên quan trên địa bàn KVPTĐT” và chịu sự giám sát, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các Sở chuyên ngành thuộc UBND cấp tỉnh.

Đối với KVPTĐT thuộc địa bàn hai tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, sau khi có quyết định phê duyệt KVPTĐT của Thủ tướng Chính phủ và quyết định thành lập Ban điều phối KVPTĐT của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh đó sẽ quyết định thành lập BQL KVPTĐT để thực hiện quản lý đầu tư PTĐT trong phạm vi địa giới hành chính được giao quản lý. Các BQL này sẽ có trách nhiệm báo cáo Ban điều phối về tình hình đầu tư xây dựng tại KVPTĐT theo địa bàn được giao.

Xử lý chuyển tiếp đối với các dự án được chấp thuận đầu tư

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn, Sở Xây dựng sẽ có trách nhiệm chủ trì, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các dự án ĐTPTĐT trên địa bàn đã được chấp thuận, cho phép đầu tư trước ngày NĐ 11 có hiệu lực, báo cáo UBND cấp tỉnh để có giải pháp xử lý chuyển tiếp phù hợp đối với từng dự án theo quy định.

Theo đó, các dự án ĐTPTĐT phải điều chỉnh QHCT của dự án theo quy định tại Điều 49, 50 của NĐ 11, quy trình điều chỉnh QHCT được thực hiện theo quy trình điều chỉnh cục bộ QHCT đô thị. Đối với các dự án ĐTPTĐT cần điều chỉnh để đảm bảo thực hiện đúng tỷ lệ diện tích đất cho nhà ở xã hội hoặc điều chỉnh để phù hợp với QHCT của dự án mới được điều chỉnh, chủ đầu tư sẽ thực hiện việc điều chỉnh dự án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Các dự án phát triển nhà ở đã được chấp thuận đầu tư theo quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP và các dự án khu đô thị mới đã được cho phép đầu tư theo quy định tại Nghị định 02/2006/NĐ-CP trước ngày NĐ 11 có hiệu lực thi hành thì sẽ không phải thực hiện lại các thủ tục chấp thuận đầu tư theo quy định tại NĐ 11. Còn đối với các dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư trước ngày NĐ 11 có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cập nhật các dự án này vào danh mục dự án của các KVPTĐT dự kiến thành lập, đồng thời cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hồ sơ đề xuất để xin chấp thuận đầu tư theo các quy định tại NĐ 11, nhằm đảm bảo tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư trong khi chờ cấp thẩm quyền phê duyệt các KVPTĐT có liên quan.

Người dân phải cam kết việc xây dựng nhà ở

Theo Điều 11, Dự thảo Thông tư hướng dẫn NĐ 11, UBND cấp tỉnh sẽ quy định các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân (hộ gia đình, cá nhân) tự xây dựng nhà ở theo QHCT của dự án đã được phê duyệt, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng theo quy định tại khoản 7 Điều 4 của NĐ 11.

Các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định của quy hoạch đô thị  và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc của khu vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và nhu cầu về nhà ở của địa phương. Khu vực phải được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo QHCT đã được phê duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.

Vị trí các lô đất được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở  phải nằm ngoài “khu vực cần được kiểm soát về kiến trúc cảnh quan, các khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; dọc các tuyến đường cấp khu vực trở lên; dọc các tuyến đường cảnh quan chính”. Người dân khi được chuyển quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở cũng sẽ phải cam kết thực hiện việc xây dựng nhà ở theo đúng QHCT và thiết kế đô thị đã được phê duyệt.

Theo lãnh đạo Cục Phát triển đô thị, để hoàn chỉnh dự thảo Thông tư trước khi ban hành, Bộ Xây dựng đang tiếp tục xin ý kiến đóng góp của các cơ quan, doanh nghiệp… Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và Bạn đọc có thể góp ý kiến bằng thư điện tử và gửi về hộp thư: ttth@moc.gov.vn hoặc bằng văn bản gửi về Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng 37 Lê Đại Hành - Hà Nội trước ngày 20/7/2013.

Phạm Bùi

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load