(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa có ý kiến trả lời Bộ Tài chính về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cơ chế cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Xây dựng thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, vì đây là nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và khoản 5 của Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2017.
Về một số nội dung của dự thảo Quyết định cần được hoàn thiện: Về cơ bản, Bộ Xây dựng thống nhất với các nội dung quy định tại Điều 3, Điều 5 và Điều 6 của dự thảo Quyết định về điều kiện, trình tự, thủ tục…để thực hiện việc cấp bù chênh lệch lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP. Tại các Điều này cần quy định cụ thể, chi tiết để triển khai, do vậy cần nghiên cứu tổng hợp thêm ý kiến đóng góp của các tổ chức tín dụng là các đơn vị thực hiện.
Đề nghị sửa lại quy định tại Điều 4 về mức chênh lệch lãi suất cấp bù trong dự thảo Quyết định theo hướng tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước chủ động lập kế hoạch cân đối nguồn vốn mà không bị động với biến động lãi suất thị trường, đồng thời bảo đảm sự hài hòa lợi ích các bên. Biên độ cấp bù lãi suất nên ấn định là 3%/năm, như vậy tại thời điểm hiện tại mức lãi suất các tổ chức tín dụng được hưởng sau khi cấp bù dự kiến là (4,5% đến 5%) + 3% = (7,5% đến 8%) vẫn thấp hơn mức lãi suất cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên (hiện là 9-10,5%) theo đề xuất của Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 184/TTr-NHNN ngày 21/12/2016 gửi Thủ tướng Chính phủ.
Bởi các lý do sau đây: Tại khoản 7 Điều 15 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định về lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như sau: Lãi suất cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị cho từng thời kỳ; lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định và công bố trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ.
Tại khoản 5 Điều 16 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định về lãi suất cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở như sau: Lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản trị cho từng thời kỳ; lãi suất cho vay ưu đãi tại các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho từng thời kỳ.
Như vậy, mức chênh lệch lãi suất cấp bù phải căn cứ vào mức lãi suất cho vay đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước quy định và mức cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ, chứ không phải căn cứ vào lãi suất cho vay tham chiếu tại các phương án do Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo.
Cũng liên quan đến mức lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 24/01/2017 Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản số 164/BXD-QLN gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Đề nghị bổ sung vào khoản 1 và khoản 2 Điều 6, khoản 4 Điều 10 về trách nhiệm của các tổ chức tín dụng như sau: Báo cáo kết quả thực hiện cho vay theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP cho Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hàng quý/năm.
Tuyết Hạnh
Theo