Thứ sáu 29/03/2024 20:32 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Dù có đổ bệnh, tôi cũng phải hoàn thành bài viết này”

19:19 | 20/06/2021

Đối với các nhà báo trên toàn thế giới, đại dịch COVID-19 là một câu chuyện thời sự chưa từng có trong cuộc đời làm nghề. Dòng chảy tin tức diễn ra không ngừng, họ lao đi tác nghiệp ở tâm dịch - “tiền tuyến” của trận chiến trước một kẻ thù vô hình - virus. Tất cả những điều đó khiến COVID-19 trở thành một trong những câu chuyện tác nghiệp khó quên nhất của các nhà báo.

du co do be nh to i cung phai hoan thanh bai viet nay
Tranh: Variety

Khủng hoảng

Không may mắn được như vậy, các nhà báo tại Ấn Độ, quốc gia vừa trải qua những ngày tháng 4-5.2021 tồi tệ với hàng trăm nghìn người chết và hàng triệu người nhiễm bệnh. Tính đến tháng 6.2021, hơn 300 nhà báo nước này đã nhiễm virus và không thể qua khỏi, theo India Today.

Barkha Dutt - phóng viên truyền hình nổi tiếng của Ấn Độ - đang vội vã ghi lại hình ảnh vất vả của người dân tại các bệnh viện và khu hỏa táng trong đợt bùng phát dịch thứ 2 ở nước này, thì cô nhận được tin người cha 80 tuổi của cô đang hấp hối vì COVID-19. “Bản thân tôi đã là một câu chuyện và chính xác đó là trải nghiệm của tất cả những gì tôi đã tường thuật cho mọi người. Như thể bây giờ tôi đang ở phía bên kia máy quay vậy” - Barkha Dutt nói.

Tương tự, khi Suhasini Raj - nhà báo làm việc cho New York Times ở New Delhi - đang đi tác nghiệp, cô nhận được cuộc gọi từ gia đình rằng, bố chồng cô đổ bệnh và mức ôxy của ông đang giảm rất nhanh. “Trong khi theo dõi và đưa tin về dịch bệnh cho độc giả, tôi liên tục chạy đi khắp nơi để chăm nom, sắp xếp giường bệnh, bình dưỡng khí cho bố”.

Có vô số câu chuyện cho thấy, sự tuyệt vọng của các nhà báo Ấn Độ khi vừa cố gắng phản ánh thông tin trong làn sóng chết người của đại dịch vừa lo lắng chính bản thân và gia đình mình.

Nhưng rồi các nhà báo cũng học được cách thay đổi

Khi đại dịch ập đến, các nhà báo đã thường xuyên đưa tin về dịch bệnh. Họ phải nhanh chóng thích ứng với các quy tắc tác nghiệp mới, giao tiếp an toàn, các biện pháp giãn cách hoặc lệnh phong toả. Một số phải cách ly và tác nghiệp hoàn toàn không bước ra khỏi nhà trong tình hình phong toả. Những nhà báo, phóng viên ảnh, quay phim khác đã bổ sung thiết bị bảo vệ cá nhân, đồ phòng hộ vào “kho vũ khí báo chí” của họ và ra hiện trường.

Mohammad Rakibul Hasan - phóng viên ảnh, nhà làm phim tài liệu và nghệ sĩ hình ảnh của Bangladesh - cho biết: “Đôi khi tôi cảm thấy mình đang tham gia một bộ phim và chúng tôi đang chiến đấu chống lại kẻ thù vô hình và nó ở khắp mọi nơi. Tôi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm túc để đảm bảo an toàn cho bản thân, các nguồn tin và gia đình của mình”.

Ba đứa con của anh được gửi đến ở với ông bà nội. "Đứa lớn nhất của tôi là con gái 7 tuổi, nó biết rằng cha nó là một nhà báo. Một ngày nào đó, nó sẽ tự hào rằng cha của nó đã ở tuyến đầu, chiến đấu hết mình trong vấn đề này vì toàn nhân loại" - Rakibul Hasan cho hay.

Không thể ngồi yên

“Tôi cảm thấy mình có thể đóng góp một cách chuyên nghiệp nhất vào thời điểm này so với tất cả những gì tôi từng làm trong đời” - Erin Burnett, người dẫn chương trình “OutFront” vào 19h tối hàng ngày của CNN, cho biết.

“Sự đánh giá của tôi đối với các phóng viên hiện trường cũng chưa bao giờ cao như vậy. Bây giờ, việc báo cáo thực địa đó rất quan trọng. Nó giúp mọi người thấy được đại dịch đang ảnh hưởng đến các vùng khác nhau của đất nước theo những cách khác nhau như thế nào. Qua những hình ảnh đó, chúng ta có thể thấy, cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng đã nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế" - Ruhle nói.

Lúc đầu, khi đại dịch này còn quá mới, biên tập viên Nancy Vogt của Tạp chí Pine and Lakes Echo nhận thấy, việc rời khỏi nhà đi chụp ảnh và phỏng vấn người dân trong cộng đồng là một điều hơi lo lắng. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các buổi phỏng vấn, cô trở về nhà, ngay lập tức tắm rửa, thay quần áo và lau sạch mọi đồ đạc tác nghiệp bằng khăn lau khử trùng, đặc biệt là sau khi chứng kiến thấy không phải ai cũng duy trì khoảng cách xã hội thích hợp.

Khi đại dịch ngày càng diễn biến nghiêm trọng, các nhà báo cũng càng trở nên “tháo vát” hơn. Phóng viên của WDAY đã nghĩ ra một cách để các phóng viên phỏng vấn mọi người từ khoảng cách 2m bằng cách gắn chiếc micrô vào một cây sào và đứng từ xa để phỏng vấn. Các phóng viên đeo găng tay và khẩu trang chuyên dụng. Để tránh tất cả điều này, họ cũng cố gắng sử dụng Skype, Zoom và Facebook cho các cuộc phỏng vấn càng nhiều càng tốt.

Yves Herman - Trưởng nhóm phóng viên ảnh của Reuters tại Bỉ, Hà Lan và Luxembourg - đã đưa tin về đại dịch gần như hàng ngày trong vài tháng, chụp những hình ảnh từ các bệnh viện, nhà hưu trí, dịch vụ tang lễ và nhà xác trong bộ đồ bảo hộ. “Bất chấp những rủi ro, tôi cảm thấy đây là một chủ đề thực sự quan trọng cần phải thông báo đến công chúng và tôi chuẩn bị đồ phòng hộ đầy đủ. Theo hiểu biết của tôi, đó là câu chuyện có ảnh hưởng tuyệt đối đến mọi người” - anh nói với UNRIC.

“Đại dịch” tin giả

Ngoài cường độ đưa tin về virus, các nhà báo còn phải đấu tranh với những gì Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là một “bệnh dịch”. Thông tin sai lệch, fakenews và tin đồn có thể lan truyền nhanh chóng và rộng rãi trong tình hình khẩn cấp liên quan đến sức khỏe.

Tuy nhiên, theo khảo sát của tờ Guardian của Anh, mặc dù nhiều người dân Anh truy cập mạng xã hội mỗi ngày, chỉ 10% nói họ tin tưởng "rất nhiều" vào các thông tin trên Facebook về đại dịch. Các nhân viên y tế tuyến đầu của Anh cũng nói rằng, không tin tưởng mức độ đưa tin về đại dịch trên Facebook và Twitter, thay vào đó họ tìm đến báo chí chính thống.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xuất bản báo chí dựa trên bằng chứng và các chuyên gia của mình, yêu cầu những người nắm quyền chịu trách nhiệm về hành động của họ, giúp độc giả của chúng tôi tiếp cận được thông tin mới và mang lại sự đồng cảm và nhân văn cho câu chuyện của những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch” - Katharine Viner, Tổng Biên tập Guardian News & Media, cho biết.

Niềm hy vọng và báo chí xây dựng

Khi ngày càng nhiều người trong chúng ta tìm kiếm thông tin về đại dịch, các phương tiện truyền thông chính thống như NOS của Hà Lan đã chứng kiến ​​số lượng khán giả tăng đột biến. Tuy nhiên, công chúng cũng có nguy cơ bị bão hòa và cảm thấy các thông tin toàn là tiêu cực. Vì vậy, các nhà báo đã cố gắng hướng công chúng đến những điều tích cực hơn mà vẫn không chủ quan trước virus.

Nhiếp ảnh gia Yves Herman lan toả cách cư dân của một viện dưỡng lão ở Bỉ cố xoa dịu những “tác dụng phụ” của lệnh giãn cách bằng những cái ôm với những người thân yêu của họ qua một tấm nhựa trong suốt. Việc này cho phép người thân trong các gia đình gặp lại nhau và ôm nhau lần đầu tiên sau nhiều tháng.

Người dẫn chương trình Leslie Rijmenams - đồng sáng lập Hiệp hội Báo chí New6s của Bỉ - giải thích: “Mặc dù một mục tin tức có thể đáng báo động, chúng tôi có quyền thêm một lớp khác hoặc giữ ở mức vừa phải. Mặc dù không nên đánh giá thấp những rủi ro của virus, báo chí mang tính xây dựng có thể đưa ra một con đường thay thế để làm cho tình hình trở nên dễ chịu hơn. Bằng cách thu hút công chúng tham gia, bằng cách đưa ra hy vọng và để họ nhận ra rằng, họ là một phần của giải pháp, chúng ta sẽ cùng nhau đánh bại loại virus này” - bà Rijmenams nói về niềm hy vọng và cách mà các nhà báo có thể cùng toàn cầu đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Theo VŨ HOÀNG HÀ/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load