Theo tiến độ, quý I năm sau, dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam sẽ trình làng mẻ sản phẩm đầu tiên. Đầu tư gần 1.300 tỷ, nhưng trồng cây sắp đến ngày hái trái thì chủ đầu tư lại đứng trước nguy cơ bị “nẫng tay trên” thương hiệu sản phẩm, mà trong đó có dấu hiệu sự tiếp tay của chính cơ quan hữu trách tỉnh Hòa Bình...
Dự án xi măng “xuyên thế kỷ”
Năm 2007, xét đề nghị của Bộ Xây dựng và ý kiến của các Bộ có liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép đầu tư Dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn, công suất 2.500 tấn clanhke/ngày, tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và giao Bộ Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng và du lịch Bình Minh tiếp thu ý kiến các Bộ, ngành để lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án theo các quy định hiện hành (công văn 535/TTg-CN).
Trước đó, dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn đã được đưa vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/2005/QT-TTg.
Để được ghi tên vào quy hoạch, thực sự chủ đầu tư đã phải trải qua một quá trình phôi thai, chuẩn bị dự án hết sức công phu, kéo dài tròn 10 năm, kể từ khi được Chính phủ thông qua dự án tiền khả thi xây dựng nhà máy xi măng Hoà Bình vào năm 1995.
Năm 2003, ông Bùi Văn Dư, UBND tỉnh Hoà Bình ban hành quyết định (số 1209/QĐ-UB) cho phép thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xi măng Trung Sơn, công suất 1,2 triệu tấn/năm tại xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn; chủ đầu tư là Công ty Cổ phần xây dựng và du lịch Bình Minh.
Năm 2004, Tỉnh Hoà Bình ra quyết định thu hồi hơn 547 nghìn m2 đất tại xã Trung Sơn để chủ đầu tư dự án thuê xây dựng nhà máy xi măng.
Ngày 30/11/2007, UBND tỉnh Hòa Bình chính thức cấp Giấy phép đầu tư cho Công ty Bình Minh để thực hiện dự án đầu tư “Nhà máy xi măng Trung Sơn”. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng.
Như vậy, chủ đầu tư dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn đã cơ bản hoàn chỉnh thủ tục pháp lý để triển khai dự án. Thời điểm này, các hạng mục đầu tư đang được Công ty Bình Minh và các nhà thầu khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Dự kiến, vào quý I/2012, mẻ sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu xi măng Trung Sơn sẽ trình làng.
Nếm “chén đắng”
Trồng cây sắp đến ngày hái trái, ngờ đâu chủ đầu tư lại đang đứng trước nguy cơ bị “nẫng tay trên” thương hiệu sản phẩm.
Cụ thể, khi làm thủ tục để đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, Công ty Bình Minh bất ngờ phát hiện thấy ngoài vỏ bao xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai, trụ sở tại xã Thành Lập, huyện Lương Sơn có in hàng chữ “Xi măng pooc lăng hỗn hợp Trung Sơn” trùng với tên Nhà máy xi măng Trung Sơn của Bình Minh. Đáng nói, dự án nhà máy xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam và có công suất nhỏ hơn nhiều so với dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn.
Sau khi xem xét đơn của Công ty Bình Minh, ngày 8/12/2010 Cục Sở hữu Trí tuệ đã ra Quyết định 2470, hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho Công ty TNHH Xuân Mai. Cơ quan này còn khẳng định, việc Công ty Xuân Mai đăng ký nhãn hiệu có từ “Trung Sơn” trùng với thành phần quan trọng nhất trong chỉ dẫn thương mại “Dự án xi măng Trung Sơn” mà Công ty Bình Minh xác lập từ trước là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại cho Công ty Bình Minh”.
Phán quyết xác đáng của Cục Sở hữu Trí tuệ đáng tiếc không được Công ty TNHH Xuân Mai tuân thủ. Công ty này còn khởi kiện và yêu cầu Tòa hủy Quyết định 2470 và TAND tỉnh Hòa Bình đã thụ lý đơn khởi kiện của Công ty TNHH Xuân Mai từ ngày 17/8/2011.
Trong khi các thủ tục tố tục tiến hành, Công ty TNHH Xuân Mai lại tiếp tục có động thái đổi tên doanh nghiệp, lấy tên mới là Công ty TNHH xi măng Trung Sơn. Không thể nói Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình cũng như Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc sở này không biết đến hệ lụy gây nhầm lẫn và cạnh tranh không lành mạnh, thế nhưng Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 9 với việc đổi tên mới vẫn được thản nhiên cấp cho Công ty TNHH xi măng Trung Sơn.
Bằng việc cấp Giấy chứng nhận này đã làm tổn thương nặng nề một nhà đầu tư đã bỏ vốn gần 1.200 tỷ đồng vào địa phương, gắn bó, trăn trở với dự án gần 20 năm trời. Không chỉ “bàng quang” với nhà đầu tư, vấn đề đặt ra là, việc làm của Phòng Đăng ký kinh doanh Hòa Bình còn có dấu hiệu cố tình vi phạm pháp luật.
Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh khẳng định, cơ quan đăng đăng ký kinh doanh địa phương phải có trách nhiệm từ chối cấp giấy chứng nhận trong trường hợp tên doanh nghiệp đăng ký trung với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Đối chiếu với trường hợp xi măng Trung Sơn, rõ ràng Quyết định 2470/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu Trí tuệ đã ra hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho Công ty TNHH Xuân Mai chính là cơ sở pháp lý để tham chiếu.
Tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh quy định rõ: “Không được sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp…”. Tại Khoản 2 Điều này cũng hướng dẫn rõ: “Căn cứ để xác định tên doanh nghiệp vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ”. |
Nhóm Phóng viên PLVN
Theo baoxaydung.com.vn