Thứ hai 13/01/2025 11:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Dự án xây dựng cơ bản: Bắt bệnh chậm tiến độ

10:32 | 22/12/2011

Bộ Xây dựng và Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo Thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” nhằm đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cao hiệu quả đầu tư.

  
Ảnh: minh họa

Chậm từ khâu đầu đến khâu cuối

Theo ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thời gian qua, hàng chục nghìn dự án triển khai hầu hết đều kéo dài, không đạt tiến độ, nhất là các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Trong báo cáo của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhận định rằng: “Tiến độ các dự án sử dụng vốn nhà nước rất chậm, thủ tục đầu tư xây dựng rườm rà, hiệu quả đầu tư của nhiều dự án thấp; còn thất thoát lãng phí, đầu tư thiếu đồng bộ. Công tác chuẩn bị đầu tư, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt dự án ở một số bộ, ngành chưa tốt. Công tác khảo sát, lập dự toán của hầu hết các đơn vị được kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu nên phải thay đổi, bổ sung, điều chỉnh kéo dài thời gian đầu tư…”. Điều này cho thấy nguyên nhân dự án chậm tiến độ diễn ra ở tất cả các giai đoạn đầu tư, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến giai đoạn vận hành, sử dụng.

Ông Hùng cho biết, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến cơ chế chính sách, quy định của pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế. Như quy hoạch Hà Nội, đến năm 2012 mới có thể cơ bản hoàn thành quy hoạch vùng, còn quy hoạch chi tiết chưa biết đến năm 2015 liệu có xong? Trong khi việc quy hoạch phát triển kinh tế, quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch vùng, quy hoạch chi tiết phải được đi trước một bước làm cơ sở cho việc triển khai các dự án không được chú ý đúng mức vốn và lực lượng làm quy hoạch còn bất cập. Ngoài ra, một nguyên nhân lớn dẫn đến chậm tiến độ ở các dự án là do trình độ năng lực của các chủ thể tham gia dự án, từ người quyết định đầu tư, chủ đầu tư đến các nhà thầu tư vấn, xây lắp còn hạn chế; chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát còn hình thức kém hiệu quả, xử lý sai phạm không nghiêm…

GPMB - nút thắt khó gỡ

Theo các chuyên gia, nhà quản lý và chủ đầu tư các dự án, thì mặt bằng luôn được coi là khâu phức tạp, kéo dài làm ảnh hưởng lớn tới tiến độ các dự án đầu tư xây dựng. Bình quân, để GPMB theo đúng các trình tự phải mất 20 tháng. Nhưng thực tế có nhiều công trình kéo dài 5 - 7 năm, thậm chí hàng chục năm do việc chậm trễ trong GPMB. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách, quy định liên quan về đền bù GPMB còn bất cập, cụ thể là liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân bị GPMB như: Giá đền bù thiếu nhất quán và không phù hợp, nơi và điều kiện tái định cư, công ăn việc làm…; kinh phí đền bù, GPMB chưa phù hợp; các tổ chức tư vấn lập phương án GPMB, các ban GPMB không chuyên nghiệp, lúng túng bị động; các chế tài còn chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh…

Mặt bằng là yếu tố quyết định thời gian, vì nếu chưa có mặt bằng thì tất cả các khâu đều không thực hiện được. Nếu có sẵn mặt bằng sạch, chúng ta có thể đảm bảo được thời gian thực hiện dự án. Mọi điều đều có thể cố gắng được, nhưng nếu không có mặt bằng thì không làm được. Như vậy, khi giải quyết được nút thắt về GPMB, chúng ta có thể giải quyết được phần lớn vấn đề chậm tiến độ.

Theo TS Phạm Văn Khánh - Vụ Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), nếu đúng trình tự, phải có mặt bằng sạch thì mới thi công, nhưng trên thực tế rất nhiều dự án chưa có mặt bằng sạch đã thi công. Vì vậy hầu hết các dự án chậm tiến độ đều vướng mắc trong GPMB, như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai… Ông Khánh cho hay, nhiều dự án nước ngoài nếu phải chờ mặt bằng họ sẽ tính tiền vì mất thời gian chờ đợi GPMB. Có nhiều dự án vốn đầu tư không lớn, nhưng tiền phạt lại mất rất nhiều. Vì vậy chúng ta cần phải làm việc một cách chuyên nghiệp, phải làm theo thông lệ của quốc tế.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về xây dựng

Theo các chuyên gia để các dự án đạt và vượt tiến độ, cần làm tốt công tác chuẩn bị dự án từ lựa chọn chủ đầu tư, khảo sát, lập và thẩm định dự án tiền khả thi, khả thi, chuẩn bị đủ nguồn vốn. Trong giai đoạn đầu tư, các dự án này đều thực hiện tốt khâu lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát và thi công xây lắp. Thực hiện việc điều hành chế độ giám sát chặt chẽ nghiêm túc, khoa học từng công đoạn của tiến độ theo hợp đồng kinh tế. Và thực hiện chế tài nghiêm minh theo các quy định ràng buộc trong hợp đồng. Đảm bảo nguồn vốn thanh quyết toán kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các  nhà thầu…

Đặc biệt, với những dự án lớn, các công trình trọng điểm thì việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về xây dựng là rất quan trọng. Như Thủy điện Sơn La, Chính phủ đã cho xây dựng và ban hành cơ chế quản lý và thực hiện dự án. Các cơ chế này đã xử lý được các nguyên nhân vướng mắc, tổng hòa việc vừa vận dụng, vừa tuân thủ theo các quy định hiện hành của nhà nước, vừa có những cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện của dự án. Vì vậy, dự án đã hoàn thành việc phát điện tổ máy 1 trước 2 năm so với kế hoạch…

Phạm Bùi

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load